1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quân đội Thái Lan có thể sử dụng vũ lực dẹp bạo loạn

(Dân trí) - Người đứng đầu quân đội Thái Lan ngày 15/5 cảnh báo các binh sỹ “có thể sử dụng bạo lực” để kiểm soát tình trạng bạo lực chính trị, sau khi 3 người thiệt mạng trong các vụ tấn công bằng lựu đạn và súng nhắm vào người biểu tình tại Bangkok.

Quân đội Thái Lan đã bày tỏ quan điểm cứng rắn
Quân đội Thái Lan đã bày tỏ quan điểm cứng rắn

Tuyên bố chính thức hiếm hoi của tướng Prayut Chan-O-Cha được đưa ra sau một lời kêu gọi của các lãnh đạo cơ quan bầu cử Thái Lan, về việc hoãn bầu cử vào tháng 7 tới do tình hình bất ổn.

“Tôi muốn cảnh báo tất cả các nhóm - đặc biệt là những người dùng bạo lực và vũ khí chiến tranh chống lại dân thường vô tội - hãy dừng lại, bởi nếu bạo lực còn tiếp diễn, quân đội có thể cần phải can thiệp…để vãn hồi trật tự và hòa bình”, Prayut tuyên bố với lời lẽ mãnh mẽ hiếm thấy.

Ông khẳng định các binh sỹ của mình “có thể sẽ sử dụng vũ lực để ổn định tình hình”, và đe dọa áp dụng “các biện pháp quyết đoán nếu dân thường bị tổn thương.

Sáng sớm ngày thứ Năm, những kẻ tấn công không rõ danh tính đã ném 2 quả lựu đạn vào một trại tập trung của người biểu tình tại Tượng đài dân chủ, chỉ cách khu vực phố đi bộ nổi tiếng của Bangkok một đoạn ngắn, sau khi có tiếng súng nổ.

Trung tâm cấp cứu Erawan tại Bangkok cho biết 3 người đã thiệt mạng và 23 người bị thương.

Những vụ đổ máu mới nhất này diễn ra giữa lúc những người biểu tình gây sức ép đòi bổ nhiệm một thủ tướng không qua bầu cử, một động thái đã khiến những người ủng hộ chính phủ nổi giận.

Tuần trước, nữ thủ tướng Yingluck Shinawatra đã bị Tòa hiến pháp phế truất do vi phạm hiến pháp. Vụ việc khiến căng thẳng gia tăng trên khắp Thái Lan, vốn đã nhiều năm qua trong cảnh chính trị rối loạn với một bên là gia đình bà Yingluck, và bên kia là phe thân hoàng gia Thái Lan.

Quân đội Thái Lan, từng tiến hành 18 vụ đảo chính kể từ năm 1932, đã luôn chịu tổn thương khi phải giữ vị trí trung lập trong suốt 6 tháng khủng hoảng, bất chấp áp lực của những người biểu tình chống chính phủ, kêu gọi quân đội can thiệp.

Các nhà quan sát cho rằng, quân đội có thể phải kiềm chế do những vụ việc năm 2010, khi các binh sỹ tham gia trấn áp người biểu tình “áo đỏ” thân chính phủ tại Bangkok, khiến hàng chục người chết.

Các nhà lãnh đạo phe Áo đỏ, vốn đang tổ chức một cuộc tuần hành lớn tại ngoại ô Bangkok, đã cảnh báo về một cuộc đảo chính quân sự đang đến gần, cùng nguy cơ nội chiến nếu quyền lực được trao cho một nhà lãnh đạo không qua bầu cử.

Những vụ tấn công hôm qua đã đưa số người thiệt mạng sau 6 tháng biểu tình nhằm lần đổ chính phủ lên con số 28, cùng hàng trăm người khác bị thương, trong các vụ tấn công chủ yếu nhắm vào người biểu tình đối lập.

Đảng cầm quyền, từng về phe hoặc được lãnh đạo bởi anh trai Thaksin Shinawatra của bà Yingluck, muốn củng cố quyền hành của mình và có khả năng sẽ lại chiến thắng trong các cuộc bầu cử tới, như đã từng chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử từ năm 2001.

Tuy nhiên, tổng thư ký Ủy ban bầu cử Thái Lan Puchong Nutrawong ngày hôm qua cho biết, cuộc bỏ phiếu ngày 20/7 “không còn có thể diễn ra”, và cho biết thời gian đầu tháng 8 có thể là một lựa chọn, cho dù bầu cử “không thể diễn ra nếu người biểu tình không đồng ý”.

Thanh Tùng
Theo AFP