Quân đội Nga đủ sức đánh bại quân đội NATO và EU
Tờ báo Đức Der Spiegel vừa nhận định, Quân đội Nga sau cải cách có khả năng tác chiến mạnh hơn tất cả quân đội của các nước EU gộp lại.
Báo Đức đánh giá quân đội Nga vượt trội quân đội các nước EU
Tờ báo của Đức cho biết, sau những gì đã thể hiện ở Crimea và đặc biệt là trong gần 1 tháng không kích các mục tiêu mặt đất của Tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” IS ở Syria, những khả năng của quân đội Nga sau cuộc cải cách, buộc giới quân sự Hoa Kỳ phải bất an.
Nga đang tiếp tục giáng đòn không kích ở Syria, vài tuần một lần lại tiến hành kiểm tra tại chỗ trình độ sẵn sàng chiến đấu, các máy bay ném bom luôn sẵn sàng cất cánh, thực tế đó khiến Hoa Kỳ hiện nay dường như nghe thấy "còi báo động" đang vang lên - RIA Novosti dẫn bài báo Đức.
Theo lời đại tướng Ben Hodges - chỉ huy lực lượng Mỹ tại châu Âu, gây bất an đặc biệt là các hệ thống của Nga, cho phép phong tỏa khả năng xuyên phá của ngay cả những đối thủ công nghệ vượt trội, vào các chủ thể chiến lược của Liên bang Nga hoặc bất cứ khu vực nào.
Cụ thể như với các hệ thống phòng không và phòng chống tên lửa hàng đầu thế giới, Nga có thể tạo lập các khu vực bất khả tiếp cận đối với lực lượng NATO, chẳng hạn như tổ hợp K-300P Bastion-P của Nga có thể đánh chìm tàu của khối liên minh ngay sau khi vừa qua eo biển Bosphorus.
Trong trường hợp xảy ra xung đột, những hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa S-300, S-400 Triumf và sau này là S-500 Prometheus và các hệ thống phòng thủ tên lửa chuyên dụng như A-135 “Amur” và A-235 “Самолет-М” sẽ khiến không có chiếc máy bay hay quả tên lửa nào của đối phương lọt qua.
Quân đội Nga hiện có khả năng tác chiến rất cao và đa dạng
Trong tác chiến hải quân, những tên lửa hành trình chống hạm từ tàu chiến, máy bay, có tầm phóng xa gấp 2, gấp 3 lần loại của Mỹ sẽ khiến các chiến hạm Mỹ không có khả năng mon men lại gần nước Nga.
Việc 4 hạm đội Nga chuẩn bị trang bị toàn bộ các tên lửa hành trình Kalibr-NK (trên tàu nổi) và Kalibr-PL (trên tàu ngầm) sẽ đặt toàn bộ các căn cứ Mỹ, các tàu chiến ở khắp thể giới vào vòng nguy hiểm. Những điều đó đến cả từ các tàu nổi “bé hạt tiêu”, có lượng giãn nước dưới 1000 tấn.
Nga mới hiện đại hóa vũ khí, trang bị được khoảng 30%
Theo đánh giá của chuyên gia Vasily Kashin từ Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ, trong những năm gần đây, Nga hiện đại hóa triệt để lực lượng vũ trang của mình, trong khuôn khổ một cuộc cải tổ tổng thể mạnh mẽ nhất trong lịch sử quân sự Nga/Liên Xô.
Theo lời chuyên viên Kashin, thời điểm hiện nay lực lượng vũ trang Nga mới đổi mới được khoảng 30% vũ khí, trang bị nhưng đã trở thành đối thủ đáng ngại nhất của Mỹ, có khả năng đánh bại quân đội NATO và tất cả quân đội các nước EU gộp lại.
Đến năm 2020, lực lượng vũ trang Nga dự kiến sẽ đổi mới toàn diện được khoảng 70%, đến giai đoạn 2025 là hoàn tất phần 3 của cuộc cải cách là tái trang bị 100% các loại vũ khí hiện đại.
Thực lực tác chiến của quân đội Nga hiện được xếp hạng thứ 2 thế giới, sau Mỹ
Được biết, Lực lượng Vũ trang của Liên bang Nga là tổ chức quân sự quốc gia của Liên bang, được thành lập theo Sắc lệnh Tổng thống ngày 07 tháng 5 năm 1992, được xem là một trong những quân đội hùng mạnh nhất thế giới.
Lực lượng Vũ trang của Liên bang Nga được lập ra với chức năng đẩy lùi mọi hành động hiếu chiến xâm lược chống lại nước Nga, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và bất khả xâm phạm lãnh thổ của Liên bang, cũng như thực hiện những nhiệm vụ tương ứng với cam kết quốc tế của Nga.
Theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng quốc tế, quân đội Nga hiện chiếm vị trí thứ 2 thế giới về hỏa lực chiến đấu (chỉ sau quân đội Hoa Kỳ) và vượt hơn tất cả các quân đội trên toàn thế giới về số lượng vũ khí khác. Đặc biệt, Lực lượng Vũ trang của Nga được đánh giá là số 1 thế giới về kho dự trữ vũ khí hạt nhân.
Tướng Mỹ đánh giá quân đội Nga mạnh hơn quân đội NATO
Tướng Mỹ đánh giá quân đội NATO sẽ thất bại trước Nga
Cuối tháng 9 vừa qua, Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu, Trung tướng Ben Hodges đã nêu lên ba yếu tố khiến đồng minh NATO yếu thế trước quân đội Nga và làm cho họ trở nên dễ bị tổn thương, trong trường hợp khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương có xung đột quân sự với Moscow.
Ông Hodges nêu lên yếu tố đầu tiên ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phòng thủ, là thiếu các phương tiện liên lạc vô tuyến điện được bảo mật, mà với sự hỗ trợ của chúng, quân đội Mỹ và các đồng minh của họ có thể truyền thông tin cho nhau một cách an toàn mà không sợ bị nghe trộm.
Một báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết, theo quan sát của các quân nhân Mỹ trong các cuộc tập trận NATO nhận xét, những trang bị thông tin của đồng minh Mỹ không đủ độ bảo mật trước các phương tiện trinh sát điện tử của Nga, khiến họ phải sử dụng phương thức sử dụng lính thông tin để truyền mật lệnh.
Điểm yếu chết người thứ 2 của các nước thuộc khối NATO là thiếu một cơ sở thông tin thống nhất, vốn có thể cho phép Hoa Kỳ và các đồng minh của họ có thể chia sẻ thông tin và theo dõi quá trình tác chiến cùng một lúc, không phụ thuộc vào nhau.
Nga xây dựng được khả năng tác chiến điện tử rất cao
Các công nghệ vô tuyến Mỹ cho phép liên lạc ở mức độ bảo mật rất cao, nhưng do hạn chế về luật xuất khẩu, các máy điện đài Mỹ không được cung cấp cho quân đội đồng minh, vì vậy họ sử dụng các thiết bị thông tin đơn giản hơn, dẫn đến tính năng bảo mật kém và không đồng bộ với nhau.
Đối với các nước NATO ở châu Âu, ngoài một vài quốc gia có khả năng công nghệ ngang ngửa với Mỹ như Đức, Anh, Pháp, còn lại là những quốc gia thường thường bậc trung, trình độ khoa học kỹ thuật quân sự kém Nga rất xa, dẫn đến việc thiếu đồng bộ về vũ khí, trang bị và thiết bị thông tin.
Yếu tố thứ ba khiến quân đội của khối đồn minh quân sự Bắc Đại Tây Dương có thể thất bại trước Nga là thiếu một hệ thống chỉ huy-kiểm soát đáng tin cậy, vốn có thể liên kết các radar, vũ khí pháo binh và các quân nhân tại chiến trường vào thời điểm hạ lệnh nổ súng.
Sự thiếu đồng bộ này không chỉ gây khó khăn trong phối hợp, hiệp đồng tác chiến đối với một lực lượng quân sự hỗn hợp đa quốc gia mà còn có thể là điểm yếu rất lớn để Nga khai thác, chặn thu các thông tin bí mật hoặc đánh phá hệ thống thông tin chỉ huy kiểm soát, khiến NATO thảm bại trên chiến trường.
Theo Thiên Nam
Đất Việt