1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

“Quân đội Nga đang ở đỉnh cao sức mạnh kể từ sau Chiến tranh Lạnh”

(Dân trí) - Giới chuyên gia cho rằng, lễ diều binh hồi đầu tuần này của Nga không chỉ là sự kiện chính thức để kỷ niệm ngày Chiến thắng phát xít mà còn là cơ hội để Nga phô diễn sức mạnh quân sự của họ.


Hệ thống tên lửa tầm xa và tầm trung S-400 trong lễ diễu binh ở Quảng trưởng Đỏ hồi đầu tuần. (Ảnh: Sputnik)

Hệ thống tên lửa tầm xa và tầm trung S-400 trong lễ diễu binh ở Quảng trưởng Đỏ hồi đầu tuần. (Ảnh: Sputnik)

Với hàng trăm nghìn người theo dõi lễ duyệt binh Kỷ niệm 71 năm ngày Chiến thắng phát xít tại Quảng trưởng Đỏ hồi đầu tuần này, đây không chỉ là sự kiện đánh dấu lại những năm tháng lịch sử hào hùng mà còn được coi là bước chuẩn bị cho tương lai của Nga.

Trong lễ duyệt binh, có thể dễ nhận thấy mẫu xe tăng hiện đại nhất T-14, trong khi nhiều máy bay siêu thanh quần thảo trên bầu trời để thể hiện sức mạnh. Có ý kiến cho rằng lễ duyệt binh trên diễn ra trong thời điểm quân đội Nga có sức mạnh quân sự lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Hiện đại hóa quân đội

Trong hơn một thập niên vừa qua, hàng tỷ USD đã được sử dụng để hiện đại hóa và tái huấn luyện các lực lượng chiến đấu từ thời Liên Xô cũ. Đầu tư mạnh tay đã mang lại cho Nga những kết quả cụ thể như những thế hệ tên lửa có thể gắn đầu đạn hạt nhân mới, các loại xe tăng và máy bay chiến đấu thế hệ mới. Kể cả đồng phục của các đơn vị quân đội Nga cũng được cải tiến theo hướng hiện đại.

Sự chú ý lớn nhất trong lễ duyệt binh trên được đánh giá là kho vũ khí hạt nhân đa dạng của Nga, với những mẫu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được thiết kế để đối phó lại hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ.

Ngoài ra, Nga cũng trình diễn các hệ thống phòng không hiện đại và những chiến đấu cơ tiên tiến nhất, trong đó có những mẫu vừa được đưa tới tham chiến tại Syria.

Tăng cường triển khai ở nước ngoài

Điều giúp Nga có được tiềm lực quân sự hùng mạnh không chỉ từ các loại vũ khí nước này đang sở hữu mà còn cả chiến lược triển khai các đơn vị làm nhiệm vụ trên toàn cầu thời gian qua.

Cuộc xung đột kéo dài năm ngày với Georgia năm 2008 hay chiến dịch không kích hỗ trợ chính phủ Syria chống các nhóm khủng bố hồi năm ngoái cho thấy Điện Kremlin đang rất quyết đoán trong chính sách đối ngoại. Và có vẻ như những chiến dịch quân sự đang giúp Tổng thống Vladimir Putin duy trì được sự ủng hộ từ trong nước, bất chấp nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo số liệu thống kê mới được tổ chức Levada Analytical Center công bố, kể cả sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Syria, tỷ lệ ủng hộ của người dân nước này cho Tổng thống Putin đạt mức 82%.

Quân đội - Cách tiếp cận lâu dài?


Binh sỹ Nga trong lễ diễu hành hôm 9/5. (Ảnh: Reuters)

Binh sỹ Nga trong lễ diễu hành hôm 9/5. (Ảnh: Reuters)

Quân đội được đánh giá là nguồn lực quan trọng của chính phủ Nga để khơi lên tinh thần dân tộc. Do vậy, Tổng thống Putin vẫn quyết tâm đầu tư tiếp cho các đơn vị của quân đội nước này trong thời gian tới. Dù ngân sách quốc phòng của Nga đã giảm trong những năm qua song Nga vẫn là một trong số những nước có ngân sách quốc phòng cao nhất thế giới.

Là một trong những nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, Nga đã bị tác động mạnh khi giá dầu lao dốc và buộc phải tiến hành nhiều chương trình "thắt lưng buộc bụng", bao gồm cả ngân sách quốc phòng.

Với việc giá dầu chưa có dấu hiệu quay trở lại mức giá ổn định như trước, có khả năng Nga sẽ phải tiếp tục cắt giảm ngân sách quốc phòng trong tương lai. Tuy nhiên, có thể nhận thấy một điều rằng, bất chấp những khó khăn, sự ủng hộ của người dân Nga cho chính phủ và quân đội nước này vẫn không thay đổi.

Ngọc Anh

Theo CNN