1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Quân đội Myanmar mời lực lượng nổi dậy đàm phán

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quân đội Myanmar, bên đang lãnh đạo đất nước, đã đề nghị các nhóm vũ trang đối lập ngồi vào bàn thương lượng.

Quân đội Myanmar mời lực lượng nổi dậy đàm phán - 1

Quân nhân Myanmar (Ảnh minh họa: Reuters).

Ngày 26/9, chính quyền quân sự Myanmar đã kêu gọi các nhóm vũ trang đối lập ngừng giao tranh và bắt đầu đàm phán để mang lại hòa bình sau 3 năm rưỡi xung đột.

Theo AFP, đây được xem là một lời đề nghị khá bất ngờ, nhưng nó diễn ra sau khi quân đội Myanmar chịu một loạt những bất lợi trên chiến trường khi đối đầu với các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số và lực lượng phòng vệ nhân dân (PDF) được lập ra sau vụ đảo chính năm 2021.

Ngoài việc phải đối mặt với cuộc nội chiến, chính quyền quân sự còn phải vật lộn với hậu quả của Yagi, cơn bão đã gây ra lũ lụt lớn khiến hơn 400 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người cần được giúp đỡ.

Trước tình hình này, quân đội Myanmar đã đề nghị các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số và FDF "dừng chiến đấu và trao đổi để giải quyết các vấn đề chính trị".

Tuyên bố của chính quyền quân sự cho biết các nhóm vũ trang nên đi theo "con đường chính trị đảng phái và bầu cử để mang lại hòa bình và phát triển lâu dài. Nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng cơ bản của đất nước, cùng mạng sống của nhiều người dân đã bị mất đi, và sự ổn định và phát triển của đất nước bị cản trở (bởi cuộc xung đột)".

Padoh Saw Taw Nee, người phát ngôn của Liên minh Dân tộc Karen, tổ chức đã đấu tranh với quân đội trong nhiều thập niên để giành thêm quyền tự trị ở khu vực dọc biên giới với Thái Lan, cho biết các cuộc đàm phán chỉ có thể diễn ra nếu quân đội đồng ý về "các mục tiêu chính trị chung".

"Thứ nhất: Quân đội không tham gia vào chính trị trong tương lai. Thứ hai: Họ (quân đội) phải đồng ý với Hiến pháp dân chủ liên bang. Thứ ba: Họ phải chịu trách nhiệm về mọi thứ họ đã vi phạm. Không ai được miễn trừ. Nếu họ không đồng ý với điều đó, mọi thứ vẫn tiếp tục diễn ra. Chúng tôi sẽ tiếp tục gây áp lực lên họ về chính trị và quân sự", ông nói.

Quân đội Myanmar từ lâu đã cam kết sẽ tổ chức bầu cử khi các điều kiện cho phép. Những người điều tra dân số dự kiến sẽ bắt đầu thu thập dữ liệu vào đầu tháng 10 để chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu có thể diễn ra vào năm 2025.

Theo thống kê của một tổ chức giám sát địa phương, khoảng 5.700 dân thường đã thiệt mạng kể từ vụ đảo chính năm 2021.

Theo AFP