1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Quân đội Mỹ lần đầu “khoe” căn cứ tên lửa THAAD với truyền thông nước ngoài

(Dân trí) - Trong một động thái chưa có tiền lệ, quân đội Mỹ mới đây đã lần đầu tiên cho phép truyền thông nước ngoài tới tham quan hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại đảo Guam, trong một nỗ lực nhằm xoa dịu những lo ngại tại Hàn Quốc về các tác động của hệ thống này đối với sức khỏe con người.

Quân đội Mỹ lần đầu “khoe” căn cứ tên lửa THAAD với truyền thông nước ngoài


Các phóng viên tham quan hệ thống THAAD tại căn cứ không quân Andersen tại Guam ngày 18/7 (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Các phóng viên tham quan hệ thống THAAD tại căn cứ không quân Andersen tại Guam ngày 18/7 (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Mỹ và Hàn Quốc mới đây đã nhất trí triển khai hệ hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), tại một khu vực đồi núi cách thủ đô Seoul gần 300km về phía đông nam, nhằm chống lại mối đe dọa ngày càng gia tăng từ tên lửa của Triều Tiên.

Nhưng những người chỉ trích, đặc biệt là người dân huyện Seongju nơi hệ thống được triển khai, lo ngại rằng radar cực mạnh của THAAD có thể ảnh hưởng tới sức khỏe con người, môi trường và nền kinh tế.

Sau khi các cuộc biểu tình phản đối triển khai THAAD bùng phát tại Hàn Quốc, giới chức Mỹ-Hàn đã tìm cách làm dịu những lo ngại của công chúng về các nguy cơ của hệ thống.

Stripes đưa tin, theo đề nghị của chính phủ tại Seoul, Mỹ mới đây đã lần đầu tiên công khai căn cứ căn cứ THAAD tại đảo Guam với truyền thông Hàn Quốc. Quân đội Mỹ hôm 18/7 đã đưa một nhóm nhỏ các quan chức và nhà báo tại Hàn Quốc tới thăm căn cứ THAAD, được triển khai trên lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương chỉ 2 năm trước.

Mỹ chưa từng mở cửa các hệ thống THAAD cho bất kỳ dân thường nào dù đang vận hành các hệ thống này ở hơn 8 quốc gia. Tuy nhiên, quân đội Mỹ đã quyết định có ngoại lệ này nhằm chứng minh rằng THAAD không gây ra mối đe dọa với sức khỏe hay môi trường.

“Triều Tiên gây ra mối đe dọa đối với Hàn Quốc, và họ cũng gây ra mối đe dọa tương tự với chúng tôi ở đảo Guam”, Chuẩn Đô đốc Bette Bolivar, chỉ huy khu vực Marianas, cho biết trong một cuộc họp báo. Hồi đầu tuần. “THAAD là một trong những công cụ để tiếp tục giúp đảm bảo an toàn cho chúng ta”.

Hệ thống - bao gồm ra-đa X-band và 2 bệ phóng đặt trên xe tải được trang bị 8 thiết bị đánh chặn mỗi bệ phóng - được bố trí tại một khu vực có tên gọi Địa điểm Armadillo ở một góc hẻo lánh của Căn cứ không quân Andersen.

Mối lo ngại chính của người dân địa phương là sóng điện từ phát ra từ ra-đa của THAAD. Ra-đa X-Band được thiết kế để phát hiện, theo dõi và nhận dạng các mối đe dọa tên lửa đạn đạo ở xa và tầm cao.


Thiết bị cầm tay được sử dụng để thử đo sóng điện từ phát ra từ ra-đa của THAAD tại Guam (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Thiết bị cầm tay được sử dụng để thử đo sóng điện từ phát ra từ ra-đa của THAAD tại Guam (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Theo KBS, tại hiện trường, một quan chức quốc phòng Hàn Quốc đã sử dụng một thiết bị cầm tay để đo sóng điện từ phát ra từ ra-đa của THAAD tại một vị trí cách ra-đa khoảng 1,6km. Trong khi đó, vị trí triển khai của THAAD tại Hàn Quốc sẽ cách khu vực dân cư gần nhất là 1,5km. Kết quả kiểm tra cho thấy sóng điện từ phát ra từ ra-đa của THAAD tại Guam ở mức cho phép, không gây hại tới con người.

Chưa được kiểm chứng trong chiến sự

Các tên lửa THAAD không mang đầu đạn nhưng được thiết kế để bắn hạ các tên lửa đạo từ tầm ngắn tới tầm trung bằng cách phá hủy chúng ở giai đoạn cuối, khi chúng đi vào bầu khí quyển thấp sau khi bay trong vũ trụ.

Giới chức Hàn Quốc hi vọng rằng hệ thống sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm ngoái và tin tưởng là hệ thống sẽ bảo vệ tới 2/3 dân số Hàn Quốc cùng hạ tầng quan trọng.Còn giới chức quân sự nói hệ thống sẽ bổ sung một tầng bảo vệ cao hơn để bổ trợ cho các hệ thống phòng thủ Patriot và Aegis hiện thời, được thiết kế để đánh chặn tên lửa ở tầm thấp.

Trại Humphreys, một đơn vị quân đội dự kiến sẽ là nơi đặt trụ sở mới của lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc trong những năm tới, cùng các căn cứ không quân và hải quân quan trọng, sẽ nằm trong tầm bảo vệ của THAAD.

Giới chức quốc phòng đều đồng tình rằng hệ thống không gây ra các vấn đề về sức khỏe, nhưng bày tỏ lo ngại về các nhân tố khác, như liệu căn cứ có thể trở thành mục tiêu của Triều Tiên hay không, và liệu Bình Nhưỡng có thể qua mặt hệ thống với kho vũ khí đồ sộ hay không.

Giới chức cũng nói thêm, THAAD đã thành công trong các cuộc thử nghiệm phát triển và hoạt động, nhưng chưa bao giờ chứng tỏ được triển khai trong chiến đấu, nơi tình hình có thể khó dự đoán.

“Các hệ thống này sẽ vận hành ra sao? Thật không may, chúng ta không có câu trả lời cho tới khi lâm vào một cuộc chiến”, Michael Elleman, một chuyên gia tư vấn cấp cao tại Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế (IISS), một tổ chức nghiên cứu chính sách toàn cầu có trụ sở tại Anh, cho hay.

Ông Elleman cho rằng THAAD có thể tăng cường khả năng của Hàn Quốc nhằm bảo vệ chính mình khỏi các mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên, nhưng tính hiệu quả của nó nhằm đối phó với một cuộc tấn công hạt nhân có thể rất hạn chế. “Bạn sẽ không tạo ra một cái ô. Bạn đang thiết lập một hệ thống phòng thủ có thể rất hiệu quả, nhưng nó không chống rò”, ông nói.

Theo báo chí Hàn Quốc, bất chấp những kết quả từ cuộc đo đạc gần đây và lời đảm bảo của giới chức Mỹ, người dân huyện Seongju vẫn lo lắng về các nguy cơ mà THAAD có thể gây ra đối với sức khỏe con người và nền kinh tế địa phương.

Còn theo Yonhap, trong trường hợp hệ thống THAAD tại đảo Guam, hầu hết người dân đều ủng hộ việc triển khai hệ thống THAAD trong căn cứ không quân Anderson do các mối đe dọa ngày càng gia tăng và không dự đoán trước được từ Triều Tiên.

Về mặt lý thuyết, tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan của Triều Tiên có thể tấn công các căn cứ quân sự quan trọng của quân đội Mỹ ở đảo Guam.

An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm