1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Quân đội Madagascar chiếm dinh tổng thống

(Dân trí) - Quân đội Madagascar hôm qua đã chiếm một dinh tổng thống và ngân hàng trung ương, tiếp tục cô lập Tổng thống Marc Ravalomanana trong cuộc tranh giành quyền lực với lãnh đạo đảng đối lập Andry Rajoelina.



Quân đội Madagascar chiếm dinh tổng thống - 1

Quân đội bên ngoài dinh Tổng thống.
 
Các binh sỹ đã xông vào các tòa nhà ở trung tâm thủ đô ngay sau khi các lực lượng an ninh công khai ủng hộ ông Rajoelina, người cáo buộc Tổng thống đang điều hành hòn đảo trên Ấn Độ Dương như một công ty tư nhân.

 

Dưới áp lực từ chức, hôm qua Tổng thống Ravalomanana đã đề nghị tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, để dân chúng đưa ra quyết định ai sẽ là người điều hành đất nước. Tuy nhiên lãnh đạo đảng đối lập Rajoelina đã bác bỏ đề xuất trên và yêu cầu các lực lượng an ninh bắt giữ Tổng thống.

 

Tổng thống Ravalomanana, người đã tuyên bố sẽ không bao giờ từ chức, hiện đang ở một dinh tổng thống khác, dinh Iavoloha, cách trung tâm thành phố khoảng 10km. Quân đội cho biết họ không có lệnh tấn công nơi ở của Tổng thống.
 
 
Quân đội Madagascar chiếm dinh tổng thống - 2
Lãnh đạo đảng đối lập Rajoelina yêu cầu bắt Tổng thống và tuyên bố Tổng thống không còn quyền lực.
 

“Dinh Tổng thống đã bị chiếm giữ. Đây là nhiệm vụ của chúng tôi ngày hôm nay. Hiện chúng tôi không có lệnh nào khác”, một tướng quân đội từ chối xưng danh cho biết tại khu dinh thự bị chiếm.

 

Trong khi đó Rajoelina cho hay, ông không yêu cầu thực hiện vụ tấn công ngày hôm qua.
 
 
Quân đội Madagascar chiếm dinh tổng thống - 3
Tổng thống Ravalomanana hôm qua đã đề nghị trưng cầu dân ý nhưng bị lãnh đạo đối lập bác bỏ.
 

“Hiện giờ ông Ravalomanana không có quyền lực. Chúng ta có định chiếm dinh Iavoloha hay không? Nhiều chuyện sẽ xảy ra trong vòng 48 tiếng nữa”, lãnh đạo đảng đối lập Rajoelina cho biết với hãng thông tấn Reuters qua điện thoại. “Tôi không ra lệnh (chiếm dinh tổng thống)”.

 

Quân đội Madagascar thường giữ thái độ trung lập trong những cuộc chính biến, nhưng lần này với việc ủng hộ Rajoelina, giới phân tích cho rằng, ông Ravalomanana đã bị dồn vào chân tường.

 

Hiện Tổng thống Ravalomanana chưa lên tiếng về vụ việc.

 

Quân đội ủng hộ, quốc tế cảnh báo
 
Quân đội Madagascar chiếm dinh tổng thống - 4
Đại tá quân đội Andre Ndriarijaona trong một cuộc họp báo trước khi cho quân vào chiếm dinh tổng thống.
 
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Madagascar đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 135 người, khiến ngành du lịch, mang về 390 USD triệu mỗi năm, bị thất thu. Các nhà đầu tư nước ngoài trong những ngành quan trọng như khai thác mỏ và dầu lửa cũng đang lo lắng theo dõi chính trị nước này.

 

Rajoelina, 34 tuổi, từng là một DJ (người giới thiệu ca khúc trên radio) đã bị sa thải khỏi vị trí thị trưởng Antananarivo vào tháng trước. Ông lãnh đạo các cuộc biểu tình phản đối chính phủ từ đầu năm đến nay.
 
 
Quân đội Madagascar chiếm dinh tổng thống - 5
Cuộc chiếm giữ không có nhiều kháng cự.
 

Những người ủng hộ Tổng thống gọi Rajoelina là kẻ phá rối, đang cố gắng nắm quyền đất nước một cách bất hợp pháp.

 

Trong khi Rajoelina được đại đa số công chúng quá bất mãn với tình hình đất nước, đặc biệt là những người nghèo, ủng hộ, nhiều người khác và quân đội kêu gọi các nhà lãnh đạo có hiểu biết bắt tay vào giải quyết cuộc khủng hoảng.

 

“Chúng tôi ở đây vì người Madagascar. Nếu Andry Rajoelina có thể giải quyết được khủng hoảng, chúng tôi sẽ ở sau ông ấy”, đại tá  Andre Ndriarijaona, người dẫn đầu cuộc nổi dậy vào tuần trước, cho biết.

 

Ngay sau tuyên bố của đại tá Ndriarijaona, hàng loạt tiếng súng, tiếng nổ đã làm rung chuyển thủ đô trong khi xe tăng tiến vào dinh tổng thống. Tuy nhiên tại dinh tổng thống, không có nhiều kháng cự xảy ra.
 
 
Quân đội Madagascar chiếm dinh tổng thống - 6
Xe của quân đội Madagascar sau khi tiến vào dinh tổng thống.
 

Trước khi quân đội xông vào phủ tổng thống, Liên đoàn châu Phi đã lên án và gọi đây là một cuộc đảo chính do phe đối lập thực hiện, đồng thời kêu gọi người Madagascar tôn trọng hiến pháp.

 

Liên minh châu Âu cũng cảnh báo xa lánh bất kỳ ai lên nắm quyền bằng vũ lực ở Madagascar và lặp lại các bước mà họ đã đưa ra sau cuộc đảo chính quân sự ở Mauritania. EU đã đóng băng viện trợ phát triển cho đất nước tây Phi này sau khi quân đội lên nắm quyền.

 

Giới phân tích cho rằng lãnh đạo đảng đối lập Rajoelina cần phải tìm một giải pháp thoát khỏi bế tắc hiện nay mà không xung đột với cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên ông Rajoelina hôm qua cho biết ông “không đủ kiên nhẫn” nữa.

 

“Cộng đồng quốc tế luôn nói sẽ không chấp nhận một giải pháp phi hiến pháp. Nhưng với quá nhiều người sống dưới mức nghèo đói, tôi cho rằng cộng đồng quốc tế không thể bỏ Madagascar trong thời gian dài được và Rajoelina biết điều này”, một nhà phân tích nhận định.

 

Phan Anh

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm