1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Quân đội Li-băng tuyên bố đất nước rơi vào khủng hoảng

(Dân trí) – Căng thẳng tại Li-băng tiếp tục dâng cao trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều lo ngại về nguy cơ nội chiến ở Syria đang lan sang các nước láng giềng. Khủng hoảng lan nhanh buộc quân đội nước này phải tuyên bố tình trạng khủng hoảng.

Quân đội Li-băng cam kết sẽ chặn đứng bạo loạn trên cả nước.

Quân đội Li-băng cam kết sẽ chặn đứng bạo loạn trên cả nước.

 

Trong tuyên bố đưa ra ngày hôm qua, quân đội Li-băng cảnh báo đất nước đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng và tại một số nơi căng thẳng đã lên tới đỉnh điểm. Tuy nhiên, lực lượng này khẳng định sẽ nhanh chóng lập lại trật tự trên toàn quốc.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo chính trị thận trọng khi bày tỏ quan điểm và lập trường của mình. Quân đội sẽ có những biện pháp kiên quyết để ngăn chặn tình trạng hỗn loạn tại nhiều khu vực cũng như duy trì trật tự trên cả nước”, tuyên bố khẳng định.

Quân đội đưa ra tuyên bố trên sau khi xảy ra các vụ đọ súng liên tiếp giữa binh sĩ với các tay súng đối lập ở ngoại vi thủ đô Beirut.

Đài truyền hình Li-băng phát đi hình ảnh về các cuộc đọ súng giữa nhóm đối lập trung thành với Saad Hariri và một số binh sĩ ở quận Tariq Jdideh, phía Tây thủ đô.  Nhiều người cho biết đã nghe thấy tiếng súng nổ dữ dội vọng lại từ nơi xảy ra giao tranh.

Quân đội Li-băng cam kết sẽ chặn đứng bạo loạn trên cả nước.

Binh sĩ và xe tăng được bố trí giữa hai khu vực người hồi giáo Sunni và Shiitte tại quận Kaskas của thủ đô trong ngày 22/10 nhằm ngăn ngừa bạo loạn lan rộng.

Theo các phương tiện truyền thông đại chúng, xung đột cũng đã xảy ra tại nhiều khu vực khác trong ngày thứ Hai đầu tuần làm ít nhất 7 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Tại thành phố duyên hải Tripoli ở miền Bắc, quê hương của Thủ tướng Najib Mikati, bạo lực đã cướp đi sinh mạng của một bé gái 9 tuổi và làm 8 người bị thương. Tại miền Nam, nhiều thanh niên đã xuống đường biểu tình, phong tỏa một số tuyến đường, thể hiện sự tức giận đối với vụ đánh bom ở Beirut ngày 19/10 làm 130 người thương vong, trong đó có Giám đốc tình báo Lực lượng An ninh, Tướng Wissam al-Hassan.

Các vụ bạo lực xảy ra sau khi phe đối lập do Saad Hariri đứng đầu kêu gọi biểu tình chống chính phủ của Thủ tướng Rafig Hariri.

Theo Saad Hariri, chính Syria là thủ phạm đứng sau vụ đánh bom giết chết cha ông, cựu Thủ tướng Rafig Hariri, hồi năm 2005 và giờ đây lại tiếp tục xuống tay giết chết Giám đốc tình báo an ninh al-Hassan để ngăn vụ việc bị phanh phui.

Ông al-Hassan bị sát hại khi đang chỉ đạo cuộc điều tra về vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafig Hariri. Vụ việc đã làm dấy lên nghi ngờ về khả năng có bàn tay dính líu của Syria và sự cộng tác của chính phủ hiện do phe thân Syria kiểm soát.

Trước đó, ngày 21/10, cảnh sát Li-băng cũng đã phải bắn chỉ thiên và dùng hơi cay để giải tán đám đông biểu tình cố xông vào tòa nhà Văn phòng Thủ tướng ở thủ đô Beirut để gây sức ép đòi Thủ tướng Mikati từ chức.

“Sau đám tang Giám đốc tình báo an ninh al-Hassan ở trung tâm Beirut, hàng trăm thanh niên đã hướng về tòa nhà Văn phòng Thủ tướng nhưng bị lực lượng an ninh bắn chỉ thiên và dùng hơi cay chặn lại”, một cảnh sát cho biết.

Cũng theo người này, đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã làm 15 nhân viên an ninh bị thương.

Đám tang của ông al-Hassan trong ngày 20/10 ban đầu được xem là dịp để những người biểu tình thể hiện sự phản đối bạo lực và can thiệp từ bên ngoài vào Li-băng . Tuy nhiên sau đó cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực khi đám đông quá khích chĩa mùi dùi chỉ trích vào Thủ tướng Mikati, người đã đệ đơn từ chức song bị Tổng thống Michel Suleiman bác bỏ vì lý do bảo vệ lợi ích quốc gia.

Linh Giang
Theo Reuters, AP, AFP