Quân đội chung châu Âu đang dần "hiện hình"
Quân đội chung của châu Âu dần hình thành sau hàng loạt quyết định quan trọng của các thành viên Liên minh châu Âu , trong bối cảnh mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương đang rạn nứt và được định hình lại.
Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng các nước Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc họp ngày 19-11 tại Brussels (Bỉ) đã đạt được những đột phá quan trọng liên quan kế hoạch quốc phòng châu Âu. Những thỏa thuận này nhằm đặt nền móng cho việc xây dựng một quân đội châu Âu để EU vươn lên tự đảm trách giải quyết các thách thức quốc phòng và an ninh chung của liên minh này trong tương lai, giảm bớt sự phụ thuộc vào “chiếc ô an ninh” NATO hiện do Mỹ cầm trịch.
Theo đó, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng EU đã thỏa thuận thành lập một cơ cấu sở chỉ huy quân sự quy mô nhỏ, còn gọi là cơ quan lập kế hoạch và tiến hành các chiến dịch quân sự. Cơ cấu được cho là cơ quan chỉ huy các hoạt động quân sự chung của EU này sẽ được tăng cường từ nay đến năm 2020 cả về nhân sự và chức năng, nhằm xây dựng đủ năng lực để có thể tiến hành những chiến dịch quân sự dưới sự ủy nhiệm của Liên hợp quốc hoặc EU với quy mô ban đầu tới 2.500 người.
Cùng với lực lượng tác chiến, một quyết định rất quan trọng khác đã được các Bộ trưởng thống nhất là lập Quỹ quốc phòng châu Âu, vốn được Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất trong khuôn khổ khung tài chính dài hạn (MFF) giai đoạn 2021-2027. Kế hoạch này có mục tiêu tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu và nâng cao năng lực đổi mới nền công nghiệp cũng như công nghệ quốc phòng của khối và từng được EC đề xuất cùng gói kinh phí khoảng 13 tỷ euro hồi tháng 6 năm nay.
Với kinh phí hàng chục tỷ euro, Quỹ Quốc phòng châu Âu khuyến khích tính sáng tạo và cho phép triển khai công tác nghiên cứu trên quy mô lớn và phát triển công nghiệp quốc phòng cho một quân đội châu Âu hiện đại. Điều này được thấy ngay sau khi phê duyệt các đề xuất của EC, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng EU đã nhấn mạnh tới việc tăng đầu tư vào các công nghệ đột phá.
Rất đáng chú ý là những thỏa thuận mang tính đột phá trên đây đạt được ngay sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel cách đây 10 ngày đã lần lượt lên tiếng kêu gọi thành lập một quân đội châu Âu “thực chất và đúng nghĩa”. Trước đó, năm 2017, 9 quốc gia gồm: Đức, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Estonia, Hà Lan, Phần Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng đã thành lập lực lượng phản ứng nhanh châu Âu vào năm 2017 với ngân quỹ ban đầu trị giá vài tỷ USD.
Việc lập các cơ cấu chỉ huy có khả năng chỉ huy một lực lượng 2.500 quân hay lực lượng phản ứng nhanh châu Âu được giới quan sát cho rằng nằm trong “lộ trình” tiến tới thành lập một quân đội châu Âu “thực chất và đúng nghĩa”, tức là đủ khả năng đối phó với các thách thức an ninh, quốc phòng đối với châu Âu. Tất nhiên, nếu nhìn vào những thách thức quốc phòng, an ninh tầm mức châu lục và toàn cầu mà các thành viên EU đang phải đối mặt thì lực lượng quân sự chung của các thành viên hiện nay còn quá nhỏ bé. Nói cách khác, châu Âu vẫn phải trông chờ vào quân đội riêng của từng quốc gia thành viên và liên minh quân sự NATO do Mỹ chỉ huy trong việc đảm bảo an ninh.
Tuy nhiên, từ những “viên gạch” đầu tiên như cơ cấu chỉ huy quân sự, Quỹ Quốc phòng châu Âu hay lực lượng phản ứng nhanh… châu Âu đang tiến những bước khó đảo ngược tiến tới thành lập một quân đội châu Âu.
Theo Hoàng Tuấn
An ninh thủ đô