1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quân đội bắt giữ Tổng thống và Thủ tướng Mali

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống và Thủ tướng Mali đều bị đưa tới một căn cứ quân sự bên ngoài thủ đô Bamako sau thông báo cải tổ nội các ở quốc gia châu Phi.

Quân đội bắt giữ Tổng thống và Thủ tướng Mali - 1

Ông Bah Ndaw tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mali vào tháng 9 năm 2020 (Ảnh: Reuters).

Hai hãng tin ReutersAFP dẫn các nguồn tin ngoại giao và chính phủ cho biết, các quan chức cấp cao của Mali gồm Tổng thống Bah Ndaw, Thủ tướng Moctar Ouane và Bộ trưởng Quốc phòng Souleymane Doucoure, đã bị đưa tới căn cứ quân sự Kati ở bên ngoài thủ đô Bamako hôm 24/5. Một thành viên cấp cao của quân đội Mali đã xác nhận thông tin này.

Thủ tướng Ouane nói với AFP qua điện thoại rằng, các binh sĩ có quan hệ với Phó Tổng thống, Đại tá Assimi Goita - người lãnh đạo cuộc đảo chính năm ngoái tại Mali đã đến và đưa ông đi.

Vụ bắt giữ diễn ra sau khi cuộc cải tổ chính phủ ở quốc gia Tây Phi được công bố vào chiều 24/5. Các nhân vật cấp cao của quân đội đã được giữ những vị trí then chốt trong chính quyền mới của Mali.

Chính quyền mới đã được thành lập sau cuộc đảo chính vào tháng 8 năm ngoái, lật đổ cựu Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita. Vụ bắt giữ vừa diễn ra càng khiến tình hình chính trị tại Mali thêm bất ổn sau cuộc đảo chính.

Sau khi tiếp quản chính quyền mới, Tổng thống Ndaw và Thủ tướng Ouane đã được giao nhiệm vụ giám sát quá trình chuyển đổi, cải tổ nội các trở lại chế độ dân sự trong 18 tháng. Tuy vậy, nhiều người trong chính phủ và phe đối lập vẫn lo ngại về việc quân đội nắm giữ các vị trí chủ chốt.

Cuộc cải tổ diễn ra vào thời điểm tranh chấp chính trị ngày càng gia tăng ở Mali và chính phủ đối mặt với áp lực phải tuân thủ thời hạn cho những cải cách như đã cam kết.

Các sĩ quan quân đội trẻ đã lật đổ cựu Tổng thống Keita vào ngày 18/8 năm ngoái, sau nhiều tuần biểu tình phản đối chính quyền tham nhũng và việc ông Keita xử lý một cuộc nổi dậy vũ trang ở miền bắc Mali.

Sau khi bị đe dọa bởi các lệnh trừng phạt quốc tế, chính quyền quân sự sau đó đã trao quyền cho một chính phủ lâm thời, cam kết cải cách hiến pháp và tổ chức các cuộc bầu cử theo từng giai đoạn trong vòng 18 tháng.

Trước đó, chính quyền của ông Keita đối mặt với sự bất mãn ngày càng tăng của công chúng, sau khi tòa án hiến pháp của Mali đảo ngược kết quả của cuộc bầu cử quốc hội gây tranh cãi, mở đường cho đảng của ông Keita chiếm đa số ghế trong quốc hội.

Trên Twitter, phái bộ của Liên Hợp Quốc tại Mali cho biết: "Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến và vẫn cam kết hỗ trợ quá trình chuyển giao. Chúng tôi kêu gọi bình tĩnh, yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Tổng thống và Thủ tướng. Những ai đang nắm giữ họ sẽ phải chịu trách nhiệm. Họ phải đảm bảo an toàn cho những người bị giam giữ".

Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ tại Bamako cho biết đã nhận được "các báo cáo về hoạt động quân sự gia tăng ở Bamako". Đại sứ quán Mỹ kêu gọi người dân nước này ở Bamako hạn chế di chuyển.

Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng lên án động thái mà họ gọi là "vụ bắt cóc" lãnh đạo dân sự của Mali, đồng thời cảnh báo sẽ áp lệnh trừng phạt.