Quan chức Nga nhận định thời điểm chấm dứt xung đột Ukraine
(Dân trí) - Đại sứ Nga tại Thụy Điển thừa nhận rất khó để dự đoán khi nào xung đột Nga - Ukraine sẽ chấm dứt.
"Khó có thể dự đoán mốc thời gian giải quyết xung đột. Xung đột sẽ kết thúc khi Ukraine và các bên bảo trợ phương Tây hiểu rằng một giải pháp hòa bình là điều không thể tránh khỏi", Đại sứ Nga tại Thụy Điển Sergey Belyayev tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với báo Iltalehti của Phần Lan hôm 23/12.
"Những giải pháp như vậy luôn đạt được thông qua đối thoại và thỏa hiệp lẫn nhau", nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Ông Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia (Hạ viện) Nga và lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Nga (LDPR), đã bày tỏ sự lạc quan rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thực sự muốn giải quyết xung đột ở Ukraine.
"Tôi tin rằng ông ấy thực sự mong muốn chấm dứt xung đột ở Ukraine. Một thành tựu như vậy sẽ phục vụ cho lợi ích của ông với tư cách là tổng thống Mỹ sắp tới. Câu hỏi vẫn còn đó: ông ấy sẽ đàm phán với ai và bên nào là hợp pháp? Sẽ cần một cách tiếp cận không theo chuẩn mực", ông Slutsky nói với các phóng viên hôm 23/12.
"Tuy nhiên, những người cam kết vì hòa bình sẽ tìm cách tham gia vào cuộc đối thoại như vậy, miễn là ý định của họ là chân thành. Chúng ta phải luôn hy vọng và tiếp tục nỗ lực hướng tới một giải pháp", quan chức Nga nhấn mạnh.
Xung đột Nga - Ukraine sắp bước sang năm thứ 4 và được kỳ vọng sẽ sớm chấm dứt trong thời gian tới với vai trò trung gian của Tổng thống đắc cử Trump. Ông Trump nhiều lần tuyên bố có thể chấm dứt chiến sự trong vòng 24 giờ.
Đến nay, cả Nga và Ukraine đều để ngỏ khả năng đàm phán để chấm dứt xung đột, song lại không thể chấp nhận điều kiện của đối phương. Moscow nêu rõ sẽ chấm dứt xung đột nếu Kiev công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga, cam kết trung lập. Trong khi đó, Kiev tuyên bố không bao giờ nhượng bộ lãnh thổ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu ra các điều kiện để giải quyết xung đột, bao gồm việc rút quân đội Ukraine khỏi vùng Donbass phía đông, Kiev từ chối gia nhập NATO, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và thiết lập một vị thế trung lập, phi hạt nhân cho Ukraine.
Trong cuộc phỏng vấn với báo Pháp Le Parisien tuần này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận Kiev khó có khả năng giành lại các vùng Donbass (gồm Lugansk và Donetsk) và bán đảo Crimea bằng vũ lực.
Trước đó, báo Washington Post cho biết, các thành viên châu Âu của NATO ngày càng tin tưởng vào kịch bản rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể sẽ kết thúc với việc Kiev phải nhượng bộ lãnh thổ mặc dù Ukraine đến nay vẫn phản đối.
Một số quốc gia châu Âu đang ghi nhận "sự thay đổi thầm lặng nhưng ngày càng tăng", hướng tới một lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine. Theo đó, Nga sẽ kiểm soát một số lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền, đồng thời phương Tây sẽ đưa ra cho Kiev một số cam kết an ninh.
Hãng tin Bloomberg của Mỹ dẫn lời các quan chức cho biết Ukraine sẽ buộc phải nhượng bộ về lãnh thổ để giải quyết xung đột với Nga, bất kể Kiev có nhận được sự hỗ trợ nào từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong những tuần cuối cùng của nhiệm kỳ hay không.
Theo Bloomberg, Kiev đang phải đối mặt với "giải pháp cay đắng", khi phải chấp nhận từ bỏ các tuyên bố về lãnh thổ cũng như tư cách thành viên NATO để đổi lấy các đảm bảo an ninh.
Trong bản đánh giá thứ 6 về khoản vay dành cho Ukraine công bố cuối tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán hai kịch bản liên quan đến cuộc chiến Nga - Ukraine.
Kịch bản chính giả định xung đột sẽ kết thúc vào cuối năm 2025, trong khi kịch bản xấu hơn dự đoán cuộc chiến tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2026, ảnh hưởng đáng kể đến ổn định kinh tế.