Quan chức EU: Trung Quốc muốn mở rộng quyền lực để thay thế vị trí của Mỹ
(Dân trí) - Một quan chức Đức đã kêu gọi Liên minh châu Âu ban hành lệnh cấm kéo dài 12 tháng nhằm ngăn chặn Trung Quốc thâu tóm các công ty châu Âu gặp khủng hoảng do đại dịch Covid-19.
Ông Manfred Weber, một nhân vật cấp cao thuộc phe bảo thủ tại Đức và người đứng đầu đảng trung hữu EPP trong nghị viện châu Âu, nói với báo Welt am Sonntag của Đức rằng ông ủng hộ ban hành lệnh cấm kéo dài 12 tháng đối với các nhà đầu tư Trung Quốc muốn mua các công ty châu Âu.
“Chúng ta phải thấy rằng các công ty Trung Quốc, một phần được hỗ trợ từ các quỹ nhà nước, đang ngày càng muốn thâu tóm các công ty châu Âu có giá thấp hoặc gặp khó khăn kinh tế do cuộc khủng hoảng Covid-19”, ông nói.
Theo quan chức trên, Liên minh châu Âu nên hành động một cách phối hợp và chấm dứt “làn sóng mua sắm của Trung Quốc” bằng cách áp dụng lệnh cấm 12 tháng về việc mua các công ty châu Âu cho tới khi cuộc khủng hoảng Covid-19 qua đi.
“Chúng ta phải tự bảo vệ chính mình”, ông Weber nhấn mạnh.
Trung Quốc và châu Âu đã khởi động một cuộc đàm phán về thỏa thuận đầu tư toàn diện vào năm 2013 và cũng tiến hành hàng loạt các cuộc đàm phán kể từ đó. Các vấn đề chính cản trở các cuộc đàm phán bao gồm tiếp cận thị trường đối ứng và một sân chơi bình đẳng.
Các nhà lãnh đạo châu Âu và Trung Quốc dự kiến gặp nhau tại một hội nghị đặc biệt vào tháng 9 tới, mặc dù chưa chắc hội nghị có diễn ra như kế hoạch ban đầu hay không do đại dịch Covid-19.
"Chúng ta phải cảnh giác"
“Trung Quốc sẽ là đối thủ lớn nhất của chúng ta trong tương lai, về chính trị, kinh tế và xã hội”, ông Weber nói. “Tôi xem Trung Quốc là đối thủ chiến lược của châu Âu khi nước này muốn mở rộng quyền lực và thay thế Mỹ với vị trí cường quốc lãnh đạo thế giới”.
Ông Weber cho rằng châu Âu nên nhìn nhận Trung Quốc một cách nghiêm túc và tôn trọng nước này như một cường quốc thế giới, “nhưng trên tất cả chúng ta phải cảnh giác”.
Chính phủ Đức hồi tháng trước đã nhất trí thắt chặt các quy định để bảo vệ các công ty trong nước khỏi làn sóng thâu tóm không mong muốn từ các nhà đầu tư tại quốc khác ngoài khối châu Âu.
Động thái trên diễn ra vào thời điểm Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu nói chung - và toàn khối nói riêng đang xem xét lại quan hệ với Bắc Kinh trong bối cảnh đầu tư từ các công ty nhà nước Trung Quốc gia tăng vào các lĩnh vực quan trọng.
Giới chức Đức đã miêu tả việc Trung Quốc thâu tóm công ty robot Kuka tại Bavaria hồi năm 2016 là một hồi chuông cảnh tỉnh về việc cần bảo vệ các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế.
Các nỗ lực của Tập đoàn lưới điện Trung Quốc vào nhăm 2018 nhằm mua cổ phần công ty quản lý mạng lưới điện 50Hertz cũng khiến Đức lo ngại. Sau khi Berlin không tìm được một nhà đầu tư tư nhân thay thế tại châu Âu, ngân hàng quốc doanh KfW của Đức đã vào cuộc để đẩy công ty Trung Quốc khỏi "cuộc chơi".
An Bình
Theo Reuters