Quân bài người Kurd và cuộc đấu trí Nga-Mỹ
Mỹ đã vận chuyển các chiến binh người Kurd "bọc hậu" Raqqa để bắt đầu cuộc chiến tiến vào thành trì của tổ chức khủng bố IS, Lầu Năm Góc cho biết.
Cụ thể, dưới sự hỗ trợ của Mỹ, lực lượng người Kurd sẽ tấn công vào một thị trấn chiến lược đang nằm trong tay IS, gần thành trì Raqqa. Đây là lần đầu tiên lực lượng Mỹ thực hiện không vận một lượng chiến binh mà họ ủng hộ tại Syria.
Theo Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, việc chuyển lực lượng lượng người Kurd bằng không vận nằm trong một kế hoạch tiến công lớn nhắm vào tổ chức khủng bố IS. Ưu tiên của kế hoạch này là bảo vệ khu vực xung quanh Tabqa và đập Tabqa - nhà máy cung cấp điện chính cho toàn khu vực.
"Đây là một mục tiêu chiến lược quan trọng", nếu thành công, hoạt động này sẽ cơ bản "đánh bật IS" để có thể tiếp cận Raqqa từ phía Tây.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis mô tả hành động của Mỹ là một cam kết sâu sắc của Mỹ đối với lực lượng người Kurd ở Syria, lực lượng đã hợp tác với quân đội Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố từ những ngày đầu tiên.
Đại tá Joseph Scrocca, người phát ngôn của liên minh do Mỹ dẫn đầu tại Iraq và Syria để chống IS cho biết hàng chục máy bay trực thăng Mỹ đã được sử dụng trong chiến dịch không vận các chiến binh người Kurd đến phía nam Tabqa. Mỹ cung cấp hỗ trợ hỏa lực từ pháo binh và không quân cho lực lượng địa phương quân trên mặt đất.
Ông Scrocca dự báo chiến dịch này "khá lớn" và cuộc chiến lần này có thể kéo dài ít nhất 2 tuần để chiếm được khu đập, thị trấn và sân bay Tabqa.
Giới chuyên gia nhận định, cho đến thời điểm hiện tại mọi dự đoán về lực lượng người Kurd đều không chính xác, còn quá sớm để đưa ra kết luận. Lực lượng này chưa thực sự ngả hẳn về Nga hay Mỹ mà lơ lửng ở giữa theo ''chiến lược cây tre''.
Mới đây, khi người Kurd chuyển giao một số làng ở tây Manbij cho quân đội Syria nhằm tạo vùng đệm ngăn chặn sự bành trướng của liên minh Lá chắn Euphrates, cùng với việc không quân Nga cũng không ít lần hỗ trợ người Kurd tấn công Raqqa, người ta đã hy vọng rằng người Kurd sẽ ngả hẳn theo Nga, nhưng điều này đã không thành sự thật.
Đối với Mỹ, người Kurd cũng sẵn sàng ra điều kiện buộc Mỹ phải điều quân đến Manbij để bảo vệ lực lượng này trước sức ép từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Thời gian vừa qua, Mỹ đã liên tục gia tăng sự hiện diện của họ ở miền bắc Syria, khi lực lượng nổi dậy người Kurd chuẩn bị cho chiến dịch tấn công vào Raqqa. Hàng trăm binh sĩ Mỹ cùng hàng chục xe thiết giáp, pháo đã được đưa tới Syria.
Những toan tính riêng
Các chuyên gia quân sự đều cho rằng cả Mỹ và Nga đều đang có những toan tính rõ ràng với lực lượng người Kurd.
Về phía Mỹ, từ sau khi chứng kiến những chiến thắng thuyết phục và ấn tượng của lực lượng dân quân người Kurd, Washington thay vì đặt niềm tin vào Quân đội Syria Tự do (FSA) đã chuyển sang "gửi vàng" vào lực lượng người Kurd mà cụ thể ở đây là Đảng Liên minh Dân chủ của người Kurd tại Syria (PYD).
Hồi tháng 10/2015, theo kênh truyền hình Saudi Arabia, Mỹ chính thức bảo trợ và giám sát việc thành lập liên minh giữa các nhóm Ả Rập và PYD lấy tên là Các lực lượng Dân chủ Syra (SDS) nhằm chống lại IS.
Kênh truyền hình RIA TAZA (chuyên thông tin về Kurdistan - khu vực lãnh thổ người Kurd) nhận định: ''Mục đích của Mỹ khi thành lập liên minh quân sự này là để đưa lực lượng đó thực hiện chiến dịch quân sự trên bộ dưới sự yểm trợ của không quân Mỹ''.
Trên thực tế, nếu như nhóm này tiếp tục giành được những thắng lợi trước IS thì vai trò của nó càng trở nên quan trọng với Washington.
Giới chức tại Quốc hội Mỹ gần như nhất trí với quyết định ủng hộ và chuyển thêm vũ khí tới lực lượng người Kurd trong cuộc chiến chống IS. Ngay cả một số thành phần chỉ trích cách tiếp cận của chính quyền Obama về vấn đề Syria cũng muốn hợp tác nhiều hơn nữa giữa Mỹ và người Kurd.
Nhiều nhà phân tích nhận định, việc Mỹ hợp tác với người Kurd sẽ có nhiều thuận lợi bởi một mặt, Mỹ sẽ không phải triển khai quân trên bộ mà "mượn tay" các tay súng người Kurd đối chọi lại với IS. Mặt khác, đội quân người Kurd vốn dĩ coi IS là kẻ thù số một bởi các bất đồng sắc tộc nên cùng với sự giúp sức của Mỹ, cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Hồi giáo sẽ sớm ngã ngũ.
Về phía Nga, điện Kremlin vẫn tích cực dồn sức và đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác với lực lượng người Kurd. Trước đó, ngày 23/12/2015, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có các cuộc tiếp xúc, đàm phán với Phó chủ tịch Đảng Dân chủ nhân dân ủng hộ người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ (HDP) - Selahattin Demirtas đặt nền móng cho mối quan hệ cho tới bây giời.
Ngoài việc gặp gỡ đại diện đảng HDP, trong suốt thời gian qua Moscow cũng tích cực yểm trợ người Kurd trong các cuộc tấn công vào vị trí của IS mà cụ thể trong thời điểm này là tại Raqqa.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của không quân Nga, lực lượng dân quân người Kurd đang cầm chân các lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tại Al- Bab. Thổ Nhĩ Kỳ không thể tiến xa hơn trong tham vọng xây dựng Lá chắn Euphrates một mình.
Hiện giữa Moscow và Ankara đang có dấu hiệu xích lại gần nhau hơn, tuy nhiên chắc hẳn Nga sẽ không đặt trọn niềm tin vào Thổ. Bởi lẽ tham vọng của Thổ tại Syria không chỉ dừng lại ở việc tạo vùng đệm ngăn chặn người Kurd tại biên giới nước này.
Do đó, Moscow đang dùng chính người Kurd để tạo một hàng rào bảo vệ vô hình cho Chính phủ Syria trước ý đồ của chính quyền Tổng thống Erdogan. Buộc Thổ và đồng minh phải thực sự thận trọng trong từng bước phiêu lưu quân sự của mình tại Syria.
Theo Hoàng Anh
Đất Việt