1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Putin muốn "dương đông kích tây" ở Ukraina?

Những ngày gần đây, Moscow liên tục điều động binh sỹ tới gần biên giới với Ukraina, và triển khai tên lửa tới Crưm.

Những động thái này khiến nhiều người cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang mất dần kiên nhễn với Ukraina. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia được Reuters dẫn lời, dường như ông Putin đang tìm kiếm lợi thế thông qua ngoại giao, chứ không phải trên chiến trường, nhất là vào thời điểm này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters)

“Vấn đề là các lệnh trừng phạt” – Reuters dẫn lời ông Andrey Kortunov, Tổng giám đốc Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga, nhóm nghiên cứu về chính sách đối ngoại tại Moscow, nhận định. "Đó giống như một cách để gia tăng sức ép lên các bên phương Tây tham gia tiến trình hòa đàm tại Minsk”.

Mỹ và các nước phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, kể từ khi Moscow sáp nhập Crưm và hậu thuẫn cho lực lượng ly khai tại đông Ukraina cách đây 2 năm.

Lãnh đạo phương Tây ra điều kiện, các trừng phạt sẽ không dỡ bỏ chừng nào thỏa thuận hòa bình Minsk không được thực thi, nhưng cho tới nay thỏa thuận này đang mất dần hy vọng, giao tranh đôi khi vẫn nổ ra giữa hai bên.

Trong tuần này, căng thẳng leo thang nghiêm trọng, sau khi ông Putin đe dọa có các biện pháp đáp trả nhằm vào Ukraina. Các điệp viên của Nga trước đó tiết lộ về âm mưu đánh bom tại Crưm. Putin nói rằng, có hai quân nhân người Nga đã thiệt mạng trong một vụ đụng độ với hai nghi phạm người Ukraina tại Crưm.

Ngay sau đó, Nga đã tăng cường hoạt động quân sự tại Crưm, đồng thời khởi động một loạt trận giả và triển khai tên lửa tại khu vực này. Ông Putin dự kiến sẽ tới Crưm vào cuối tuần này, triệu tập Hội đồng An ninh và hủy vòng đàm phán quốc tế kế tiếp liên quan tới lệnh ngừng bắn tại đông Ukraina.

Sự cứng rắn mới đây của ông Putin khiến một số người cho rằng, dường như ông đang muốn đạt lợi thế về ngoại giao, với hy vọng chấm dứt trừng phạt của phương Tây.

Các cuộc đàm phán giữa Nga, Ukraina, Pháp, Đức để đảm bảo thực thi thỏa thuận Minsk nay chẳng khác nào xây lâu đài trên cát. Các cuộc đối thoại giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland và Trợ lý Tổng thống Nga Vladislav Surkov cũng không mang lại đột phá nào.


Người dân cầm cờ của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng khi tham gia tuần hành, kỳ niệm 2 năm thành lập nền cộng hòa này tại Donetsk, Ukraina, hôm 9/4/2016. (Ảnh: Reuters)

Người dân cầm cờ của "Cộng hòa Nhân dân Donetsk" tự xưng khi tham gia tuần hành, kỳ niệm 2 năm thành lập "nền cộng hòa" này tại Donetsk, Ukraina, hôm 9/4/2016. (Ảnh: Reuters)

Theo thỏa thuận hòa đàm Minsk, Kiev cam kết đảm bảo quy chế đặc biệt cho vùng Donbass ở đông Ukraina, ân xá cho những binh sĩ tham gia lực lượng ly khai và tổ chức bầu cử. Nhưng với một quốc gia trải qua hơn hai năm nội chiến như Ukraina thì việc thực thi các cam kết này hầu như không khả thi.

Kortunov nói rằng, ông Putin muốn thuyết phục các đồng minh phương Tây của Ukraina, "gây ảnh hưởng lên Ukraina để thực hiện các nội dung thương lượng bên phía họ". Đây là những dàn xếp lâu dài mà Kiev chẳng bao giờ công khai chấp nhận, ông Kortunov nhận định.

“Thỏa thuận (Minsk)… cực kỳ bất lợi cho Ukraina. Một số điều khoản, chẳng hạn như quy chế đặc biệt cho một số thực thể, sẽ hủy hoại về mặt chính trị đối với Tổng thống Petro Poroshenko. Do đó, ông ấy sẽ trì hoãn càng lâu càng tốt. Moscow thì đang muốn làm nóng lại vấn đề” – Paul Quinn-Judge, cố vấn cấp cao tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, bình luận.

Quỹ dự trữ của Nga sẽ cạn kiệt vào năm tới, và Moscow vẫn không thể tiếp cận vào các thị trường tín dụng của phương Tây vì cấm vận.

Động tác quân sự của Putin được nhiều người biện giải là tín hiệu để cho phương Tây hiểu rằng sự kiên nhẫn của ông là có giới hạn, và ông sẽ cần tới các phương án khác nếu như Kiev không thể tham gia cuộc chơi nữa.

Theo Lê Thu

Vietnamnet