1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phương Tây lo sợ Nga, Iran thành lập tổ chức xuất khẩu khí đốt

(Dân trí) - Tehran đã đề nghị Moscow cùng thành lập một tổ chức tập hợp các quốc gia xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới. Lời đề nghị này cũng được chính Tổng thống Putin đề cập trong họp báo hàng năm tại điện Kremli hôm 1/2 vừa qua.

Nhân chuyến thăm Tehran ngày 28/1, Thủ lĩnh tinh thần Ali Khamenei trong buổi gặp gỡ với người đứng đầu Hội đồng an ninh quốc gia Nga Igor Ivanov đã đưa ra một gợi ý. Iran và Nga có thể tạo ra một cơ cấu tổ chức hợp tác về khí đốt, giống như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). 

Nhật báo Gazeta viết: "Bất chấp các lệnh trừng phạt, Nga không ngừng hợp tác với Iran trong lĩnh vực hạt nhân hay xuất khẩu kỹ thuật vũ khí. Tuyên bố chính thức về việc thành lập một Tổ chức khí đốt có thể làm phức tạp hóa vai trò nhà cung cấp khí đốt của Nga đối với châu Âu". Hiện Moscow đang ở một vị trí rất tế nhị. Tờ Vremia Novostieï nhận định, thỏa thuận thành lập Tổ chức khí đốt với Iran đồng nghĩa với việc nước Nga chuyển từ vị thế đối tác sang vị thế đối lập với phương Tây, không chỉ trong lĩnh vực năng lượng. Nếu Nga từ chối thẳng thừng sẽ không có lợi và có thể đó là một hành động xúc phạm với Tehran. 

Báo Kommersant (Nga) cho biết, cụm từ "khí đốt OPEC" xuất hiện trong bài viết của Financial Times tháng 11/2006, khi nói về báo cáo của các chuyên gia NATO cho rằng tổ chức tiềm tàng này có thể sẽ bao gồm các nước Nga, Iran, Libi, Qatar và các nước Trung Á. Nhưng trước đó, năm 2001, "khí đốt OPEC" đã được các đại biểu Iran nhắc tới. Giới chuyên môn cũng có những ý kiến khác nhau về lợi ích của Iran. Một số nhà phân tích nhấn mạnh đến tính chất chính trị của một Tổ chức có sự góp mặt của Moscow và Tehran.

 

Theo Kommersant, Nga hưởng lợi rất nhiều trong thỏa thuận kí với Algeri về các nguyên tắc vận chuyển khí đốt sang Liên minh châu Âu. Trong đó, Nga cung cấp khí đốt cho các nước Đông, Trung Âu và Bắc Âu, còn Algeri chịu trách nhiệm phần phía nam và tây nam Âu.

 

Nước Nga sở hữu 30% dự trữ khí đốt và cung cấp 20% lượng khí khí đốt trên thế giới, còn Iran đứng ở vị trí thứ 2. Sự xích lại gần rất cởi mở giữa Algeri và Nga qua chuyến viếng thăm tháng 8/2006 của Bộ trưởng năng lượng Algeri Chabib Khelil khiến châu Âu lo ngại. Mối lo ngại này càng gia tăng sau kí kết giữa hai nước ngày 21/1/2007 trong chuyến thăm của Bộ trưởng năng lượng Nga Viktor Khristenko tới Algeri.

 

Một thỏa thuận về dầu lửa và khí khí đốt, cùng các tuyên bố ủng hộ hợp tác thúc đẩy trong lĩnh vực nguyên tử dân sự đã gây ra phản ứng mạnh mẽ ở châu Âu. Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề năng lượng, ông Andris Piebalg tỏ ra lo ngại và ngày 25/1 đã đề nghị Alger và Moscow giải thích rõ "ý định" của họ cùng những tác động của nó đối với khách hàng châu Âu. Nhưng liệu các tuyên bố của ông Chabib và Viktor Khristenko có đủ làm an lòng một EU, mà theo nhiều chuyên gia trong vấn đề năng lượng, luôn mơ  được chứng kiến cuộc đấu giữa Sonatrach (Công ty dầu lửa quốc gia Algeri) và Gazprom để xem liệu ai có thể là người áp đặt cuộc chơi.

 

Theo Tổng thống Putin, lời đề nghị của Iran là một ý tưởng hay và tuyên bố sẽ xem xét đến đề nghị đó. "Ban đầu, chúng tôi đã thỏa thuận được với Iran và các nước sản xuất và xuất khẩu khí đốt lớn khác trên thế giới về thị trường quốc tế. Chúng tôi cố gắng nỗ lực hợp tác tại thị trường các nước thế giới thứ 3... Chúng tôi phối hợp hành động vì mục tiêu chính: đảm bảo sự cung cấp đáng tin cậy cho các khách hàng dựa vào tài nguyên năng lượng". Tuyên bố này của Tổng thống Putin diễn ra trong bối cảnh có những căng thẳng giữa Nga và châu Âu trong chính sách của Moscow về vấn đề cung cấp không chỉ  khí đốt mà cả dầu lửa, thường bị đánh giá là "khó dự đoán".

 

Tháng 1/2006, khi xảy ra xung đột với Ukraina, Nga đã giảm lượng khí khí đốt sang châu Âu. Đầu năm 2007, Nga có tranh chấp với Belarus nên quyết định ngừng vận chuyển dầu thô của Nga sang châu Âu trong 3 ngày. Cũng trong buổi họp báo, Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ làm tròn các cam kết với các khách hàng năng lượng nước ngoài và bác bỏ cáo buộc cho rằng Nga đang sử dụng đó như "đòn bẩy kinh tế" phục vụ các mục đích chính trị. Ông Putin nói: "Liên bang Nga luôn làm tròn và sẽ hoàn thành các nghĩa vụ trong tương lai đối với mọi khách hàng. Nhưng chúng tôi không buộc phải trợ cấp kinh tế cho các nước khác".

 

Báo Nezavissimaïa Gazeta bình luận, nội bộ Tổ chức dầu lửa quy tụ 12 quốc gia sở hữu 2/3 trữ lượng và cung cấp 40% lượng dầu mỏ của thế giới không phải lúc nào cũng cơm lành canh ngọt. Nhưng "khí đốt OPEC" sẽ là một cơ cấu mạnh và thống nhất hơn. Hơn 57% trữ lượng khí đốt của thế giới tập trung ở 3 nước là Nga, Iran và Quatar. Nếu các nước này thành lập một Tổ chức khí đốt, vấn đề quản lí sẽ dễ dàng hơn Tổ chức dầu mỏ và có thể giữ thế độc quyền trong lĩnh vực này.

 

Ngọc Nhàn

Tổng hợp