Phương Tây liên tiếp vượt "lằn ranh đỏ" của Nga trong xung đột Ukraine
(Dân trí) - Mỹ và phương Tây liên tiếp nới lỏng các biện pháp hạn chế để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Các kênh truyền thông dẫn nguồn tin từ quan chức Mỹ cho biết Mỹ sẽ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Washington sản xuất như tên lửa ATACMS, có tầm bắn lên tới 306km, để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Việc đảo ngược chính sách, sau gần 1.000 ngày kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, phần lớn là để đáp trả việc Nga được cho là đã triển khai quân đội Triều Tiên để bổ sung lực lượng, một diễn biến gây lo ngại cho cả Washington và Kiev.
Điện Kremlin chưa có phản hồi ngay lập tức, nhưng một số nhà lập pháp cấp cao của Nga cho biết việc nới lỏng các giới hạn về việc Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ là động thái leo thang lớn.
Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 9 cảnh báo bước đi này đồng nghĩa với "sự tham gia trực tiếp của các nước NATO" vào cuộc chiến ở Ukraine.
Hãng tin Reuters đã liệt kê một số hệ thống vũ khí mà các nước phương Tây ban đầu ngần ngại cung cấp cho Ukraine, nhưng cuối cùng vẫn quyết định chuyển giao, bất chấp cảnh báo của Nga về "lằn ranh đỏ".
Tên lửa ATACMS
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy từ lâu đã yêu cầu các đồng minh trao cho Kiev khả năng tấn công sâu hơn vào phía sau các phòng tuyến của Nga, một phần quan trọng trong việc phá vỡ chuỗi chỉ huy và hậu cần của Moscow.
Mỹ từng trì hoãn việc cung cấp Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội (ATACMS) cho Ukraine vì lo ngại Nga sẽ coi đây là hành động leo thang cho đến tháng 10/2023, khi Washington cung cấp phiên bản tên lửa tầm ngắn có tầm bắn tối đa là 165km.
Tiếp theo là các đợt chuyển giao vào đầu năm nay của phiên bản tên lửa ATACMS tầm xa hơn, với tầm bắn lên tới 300km.
Với sự cho phép của Mỹ, Ukraine hiện có thể tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga, nhiều khả năng là xung quanh tỉnh Kursk, nơi lực lượng Kiev vẫn kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn và nơi được cho là có quân đội Triều Tiên đang chiến đấu cùng lực lượng Moscow.
Vào tháng 8, các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington cho biết hàng trăm mục tiêu quân sự của Nga nằm trong tầm tấn công của ATACMS.
Tuy nhiên, một số khí tài quân sự, bất chấp những khó khăn về hậu cần, đã được di chuyển sâu hơn vào trong lãnh thổ Nga để chuẩn bị đối phó với nguy cơ bị vũ khí tầm xa của Ukraine tấn công.
Máy bay chiến đấu F-16
Ukraine đã kêu gọi phương Tây cấp máy bay chiến đấu F-16 ngay sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự để tăng cường khả năng tấn công tầm xa cũng như sử dụng máy bay chiến đấu để bắn hạ các tên lửa hành trình do Moscow bắn vào lãnh thổ Ukraine.
Các phi công Ukraine chỉ bắt đầu được đào tạo về máy bay F-16 vào tháng 8/2023, sau các cuộc đàm phán kéo dài giữa liên minh gồm các nước cam kết cung cấp máy bay hoặc khóa đào tạo F-16 cho Kiev.
Ukraine muốn hoàn thành quá trình đào tạo càng sớm càng tốt và xác nhận đã nhận được những máy bay F-16 đầu tiên vào tháng 7 năm nay.
Kể từ đó, một trong những máy bay này đã bị rơi khi cố gắng tấn công tên lửa của Nga bắn vào các mục tiêu trên bộ ở Ukraine.
Xe tăng phương Tây
Mặc dù các đồng minh Đông Âu của Ukraine đã cung cấp cho Kiev xe tăng từ thời Liên Xô khi xung đột bắt đầu nổ ra, nhưng Kiev vẫn muốn sở hữu xe tăng do phương Tây chế tạo, như Challenger 2 của Anh và Leopard 2 của Đức. Quá trình chuyển giao xe tăng cho Ukraine được chấp thuận sau cuộc đàm phán kéo dài vào tháng 1/2023.
Thỏa thuận về một liên minh gồm các quốc gia cung cấp xe tăng cho Ukraine đã bị trì hoãn do lo ngại ở Đức rằng động thái này có thể bị Nga coi là hành động leo thang. Cuối cùng, Berlin đã chấp thuận chuyển giao xe tăng Leopard 2 từ kho dự trữ của các quốc gia khác cũng như của Đức.
Tấn công vào lãnh thổ Nga
Trong hơn 2 năm, Mỹ đã không cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga bằng bất kỳ hệ thống vũ khí nào của Washington.
Tuy nhiên, sau cuộc tấn công của Nga vào tháng 5 gần thành phố Kharkov ở phía tây bắc Ukraine, Washington đã thay đổi lập trường dưới sức ép từ Kiev.
Ukraine đã được Tổng thống Joe Biden bí mật cho phép bắn vũ khí do Mỹ cung cấp vào các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga, nơi được Moscow sử dụng để tiến hành cuộc tấn công vào Kharkov.