1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Phương Tây đã thất bại trong việc tìm kiếm một vai trò có tính xây dựng cho Matxcơva

Theo tờ Financial Times, ông Robert Hunter, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Quan hệ Xuyên Đại Tây Dương và là cựu Đại sứ Mỹ tại NATO từ năm 1993-1998, cho rằng châu Âu cần một chiến lược được xây dựng từ sự hiểu biết về quá khứ của nước Nga.

Ảnh minh họa (Nguồn: AFP)
Ảnh minh họa (Nguồn: AFP)
 
Thỏa thuận ngừng bắn Minsk vào trung tuần tháng hai cùng lắm chỉ là kết cuộc cho một sự khởi đầu và thậm chí có thể không được như vậy. Việc thâu tóm Crimea của Vladimir Putin, nỗ lực của ông ta nhằm gây bất ổn trên toàn bộ đất nước Ukraine, và mối đe dọa của ông đối với các nước khác xung quanh Nga là những câu trả lời mới nhất của ông cho câu hỏi: phương Tây nên hòa giải thế nào với những tàn dư của đế chế Xô Viết.
 
Những câu trả lời của Putin đúng là phải bị bác bỏ. Song sự đáp trả của phương Tây bằng trừng phạt, có thể cả bằng vũ khí sát thương cho Kiev, chỉ là chiến thuật thuần túy. Chúng ta cần một chiến lược.
 
Câu trả lời của ông George HW Bush đối với câu đố Nga là phải tạo ra một “châu Âu nhất thể tự do và hòa bình", bao gồm tất cả mọi người. Ông ta tìm cách tránh lặp lại ở Nga sự sỉ nhục của Đức sau chiến tranh thế giới thứ nhất, là nguyên nhân đã dẫn đến chủ nghĩa phục thù của những năm 1930.
 
Bill Clinton tiếp tục theo hướng này. Thỏa thuận thành lập Hội đồng chung NATO-Nga đã chấp nhận những giới hạn về việc triển khai lực lượng đến trung tâm châu Âu. Ukraine sẽ được hưởng lợi từ sự hợp tác với phương Tây, nhưng vị trí của nó sẽ không được xác định dứt điểm trước khi có một nỗ lực tạo cho Nga có một vị trí thích hợp trong hệ thống an ninh châu Âu. Phương Tây, và sau đó là ông Putin, đã không quan tâm đến việc tìm kiếm vị trí đó.
 
Không gì có thể bào chữa được cho sự vi phạm của ông Putin đối với các điều ước quốc tế đề cao sự bất khả xâm phạm của các đường biên giới và đảm bảo an ninh cho các nước láng giềng của Nga, trong đó có Ukraine. Nhưng chúng ta không thể xây dựng một chiến lược mà không hiểu gì về quá khứ.
 
Trong khi Matxcơva chưa sẵn sàng hợp tác, thì phương Tây (và đặc biệt là Mỹ) đã lợi dụng sự suy yếu của nước Nga để trục lợi. Năm 2002, Washington đơn phương hủy bỏ hiệp ước chống tên lửa đạn đạo, một hiệp ước đã trao cho Matxcơva một vị thế có tính tâm lý ngang bằng với Washington ngay cả sau khi nó bị thua trong chiến tranh lạnh. Quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở trung tâm châu Âu đã vi phạm tinh thần nếu không nói là lời văn của cam kết không đưa các lực lượng quân sự tới đó của NATO.

NATO đã mở rộng, bao gồm các quốc gia vùng Baltic và các quốc gia khác, làm cho nước Nga có cảm giác bị bao vây. Rồi năm 2008, NATO tuyên bố rằng Ukraine và Gruzia "sẽ trở thành thành viên" của mình. Khi Tổng thống lúc đó của Gruzia, Mikheil Saakashvili làm phép thử đối với cam kết đó vào năm 2008, ông Putin đáp trả, đưa quân vào lãnh thổ Gruzia. Không có đồng minh NATO nào giúp Gruzia tự vệ. Những bài học ông Putin học được ở đó có thể phần nào giải thích cho những gì ông đã làm ở Ukraine.

Vấn đề đặt ra bây giờ là làm thế nào để cải tác lại châu Âu theo cách bảo tồn được NATO và tất cả các cam kết của nó, mở rộng các lợi ích kinh tế của việc tham gia EU, để ông Putin tôn trọng các đường biên giới quốc tế, thúc đẩy một tương lai tích cực cho Ukraine, và tạo cho Nga có một vai trò có cam kết và được tôn trọng. Hiện vẫn tồn tại những ý tưởng này; thậm chí ông Dmitry Medvedev, lúc đang là Tổng thống Nga, đã đưa ra các đề xuất vào tháng Sáu năm 2008 (chúng đã bị phớt lờ hoàn toàn). Cuối cùng, vấn đề đó có thể không thể trở thành hiện thực.

Không giải quyết được vấn đề này sẽ phải trả các giá đắt. Nó có nghĩa là một sự cô lập lâu dài đối với nước Nga, thêm xung đột và đau khổ cho người dân Ukraine và tiếp tục bất ổn đối với phần còn lại của châu Âu. Đối với Mỹ, nó có thể có nghĩa là dấu chấm hết đối với sự hợp tác có giá trị với Nga về các vấn đề như chương trình hạt nhân của Iran và phải hoãn lại những nhiệm vụ quan trọng khác trên khắp thế giới. Và một tình trạng đối đầu thường trực không thể tốt đối với bất cứ quốc gia nào.

Vai trò lãnh đạo của Mỹ là cần thiết ở châu Âu. Ông Putin không coi trọng các cam kết của các nhà lãnh đạo châu Âu. Mỹ, “ngang cơ” với Nga từ thời chiến tranh lạnh, là đối tác đối thoại ngoại giao duy nhất mà Nga coi trọng. Các đồng minh cũng mong đợi sự tham gia sâu hơn của Mỹ. Họ đã gửi quân tới Afghanistan chỉ vì một lý do bao trùm: để Mỹ sẽ ở lại châu Âu và đối phó với Nga, bởi vì chỉ có Mỹ mới có thể làm được. Vì lợi ích của chính Mỹ và của châu Âu, Mỹ cần phải tôn trọng phần đóng góp của mình trong giao kèo này./.

Theo Thúy Hạnh (lược dịch)
Thế giới và Việt Nam