1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đối đầu với Nga: EU sẽ bị “con ngựa thành Troy” phá tan đàn xẻ nghé

Con số khổng lồ về thiệt hại kinh tế không thấm vào đâu so với nguy cơ nội bộ EU tan tác do tranh cãi về việc gia hạn lệnh trừng phạt Nga.

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu từ ngày 19/3 tại Brussels, Bỉ được cho là phép thử quan trọng đánh giá khả năng duy trì sự đoàn kết và thống nhất của liên minh trong xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine.
 
Các nước thành viên EU đang không cùng nhìn về một hướng
Các nước thành viên EU đang không cùng nhìn về một hướng

Tuy nhiên, quan điểm từ phía Nga cũng như từ Latvia – nước chủ tịch luân phiên EU đương nhiệm “sự bế tắc trong việc gia hạn trừng phạt Nga đang làm nổi lên những cơn sóng ngầm phá hoại sự toàn vẹn của EU”.

EU “đau đầu” vì đoàn kết nội bộ

Những tranh cãi có nên gia hạn lệnh trừng phạt Nga thêm 6 tháng nữa hay không? EU sẽ phải đối phó với Moscow như thế nào?... đã làm bầu không khí của Hội nghị thượng đỉnh EU nóng lên trước giờ khai mạc hôm 19/3 tại Bỉ.

Anh và các nước Baltic và Bắc Âu có quan điểm khá cứng rắn, muốn kéo dài lệnh trừng phạt tối thiểu nhằm vào ngành công nghiệp quốc phòng, tài chính và năng lượng của Nga. Theo các nước này, việc duy trì lệnh trừng phạt sẽ ràng buộc Moscow vào những cam kết đối với thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine.

Còn Pháp, Italy và Tây Ban Nha tuyên bố thẳng rằng họ không muốn mạo hiểm “chọc giận” Moscow và phá hỏng thỏa thuận ngừng bắn vốn dĩ mong manh. Chưa bao giờ giới lãnh đạo EU lại bất đồng đến như thế trong việc hoạch định một kế sách lâu dài “đối phó” Nga vì cuộc khủng hoảng Ukraine. Cũng chính vì quan điểm trái ngược, các nước EU thực sự đang lâm vào tình thế “bị động” và phải loay hoay “chèo chống” bằng những giải pháp tình thế.

Bất ngờ xảy ra một ngày trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh, có tới 7 quốc gia tuyên bố phủ quyết bất kỳ đề xuất nào về việc gia hạn các lệnh trừng phạt hiện nay nhằm vào Nga, trong số 7 quốc gia này có Síp, Italy và Hy Lạp. Theo đó, Tổng thống Síp Nicos Anastasiades đã đến Moscow vào tháng 2/2015, Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã gặp mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin vào đầu tháng 3 này và Tổng thống Hy Lạp Alexis Tsipras sẽ đến Nga vào tháng 4 tới. Ngoài 3 quốc gia nói trên, Hungary, Slovakia, Áo và Tây Ban Nha cũng rất lưỡng lự trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Bloomberg dẫn lời chuyên gia Ian Bond, một cựu chính trị gia người Anh, hiện làm việc cho Trung tâm Cải cách châu Âu tại London, nhận định: “Kết quả dễ nhận thấy nhất là các nước nói trên sẽ không chấp nhận việc gia hạn các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và sẽ chỉ tính đến việc này cho đến khi thời hạn của các lệnh trừng phạt này sắp kết thúc”.

Nhà phân tích Steven Blockmans thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu có trụ sở tại Brussels, Bỉ, cho rằng: “Việc các nước không muốn gia hạn các lệnh trừng phạt cho thấy họ đã gia tăng niềm tin đối với Nga”.

Theo quan điểm của nhà phân tích Blockmans, điều này làm khó cho Latvia – nước đang nắm giữ chức chủ tịch luân phiên của EU. Việc điều phối xoa dịu những mâu thuẫn trong quan điểm “bất thành” khiến Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics đã lên tiếng nhận định về khả năng sẽ không có bất kỳ biện pháp trừng phạt mới nào nhằm vào Nga được đưa ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh EU lần này ở Brussels.

Trước việc nội bộ EU mâu thuẫn sâu sắc như vậy về chính sách với Nga, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đang làm việc với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande về một đề xuất mang tính thoả hiệp về tương lai chính sách trừng phạt của EU. Ông Tusk tin rằng, đề xuất này sẽ giành được sự ủng hộ của tất cả 28 nước thành viên EU.

Một người lính thuộc lực lượng nổi dậy miền Đông Ukraine (ảnh: AFP)
Một người lính thuộc lực lượng nổi dậy miền Đông Ukraine (ảnh: AFP)

Theo một nguồn tin từ giới chức EU, khả năng một đề xuất mới xây dựng mối ràng buộc mạnh mẽ giữa việc thực thi nghiêm chỉnh thoả thuận ngừng bắn Minsk ở miền Đông Ukraine và những biện pháp trừng phạt đang được áp đặt lên Nga. Các biện pháp này sẽ được duy trì cho đến khi thoả thuận Minsk được thực hiện đầy đủ.

Nhưng dù thế nào, đề xuất này cũng cần phải có sự nhất trí của tất cả các nước thành viên EU nếu liên minh này muốn kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp trừng phạt Nga sau thời hạn kết thúc vào tháng 7 tới. Việc này được cho là không đơn giản khi các nước EU bất đồng về việc tiếp tục trừng phạt Nga.

Nguyên nhân bất đồng

Itar-tass dẫn lời Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Duma Quốc gia Nga, ông Alexey Pushkov nhận định EU đang thiệt hại khoảng 21 – 40 tỷ euro vì căng thẳng quan hệ với Nga. Việc phá bỏ mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và EU đã gây tổn thất lớn cho cả 2 bên, không chỉ riêng Nga.

“Tổn thất kéo dài là kết quả của sự đổ vỡ trong mối quan hệ đối tác chiến lược và tổn thất đó là rất lớn, không chỉ với Nga”, ông Pushkov cho hay.

Dẫn những số liệu thống kê của Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha, ông Pushkov nhấn mạnh, EU đã mất khoảng 21 tỷ euro từ các biện pháp trừng phạt. Theo các nhà kinh tế Nhật Bản, EU mất khoảng 30 tỷ euro, ông Pushkov cung cấp thêm. “Nhiều chuyên gia Châu Âu nói rằng, chúng tôi đang nói về khoản tổn thất 40 tỷ euro. Tổng tổn thất mà những người nông dân Châu Âu phải hứng chịu từ lệnh cấm vận thực phẩm của Nga đối với các nước Châu Âu là vào khoảng 12 tỷ euro năm 2014”, ông Pushkov nhấn mạnh.

Theo ông Pushkov, các nước Baltic và Ba Lan là “con ngựa thành Troy”, phá hoại các giá trị của châu Âu. Các quốc gia này, trong thực tế đang được Mỹ ủng hộ, làm thay đổi diện mạo của EU, không mang lại lợi ích cho EU mà cho các nước bên ngoài, thậm chí là kẻ thù của EU./.

Theo Ngân Giang/VOV.VN