1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

“Phớt lờ” đồng minh NATO, Tổng thống Trump “nóng lòng” bắt tay Nga

“Phớt lờ” những lo lắng của đồng minh NATO, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn theo đuổi một cuộc đối thoại với Tổng thống Nga Putin.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nỗ lực xúc tiến một cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Nga Putin vào tháng 7 tới, trong bối cảnh bất đồng ngày càng gia tăng giữa ông và các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về quan hệ với Nga.


Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn theo đuổi đối thoại với Nga. Ảnh: Getty.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn theo đuổi đối thoại với Nga. Ảnh: Getty.

Ông Trump đã cử Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton tới Nga để thảo luận về công tác tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh. Hãng tin AFP dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Nga hôm 25/6 cho biết: “Bộ Ngoại giao Nga xác nhận thông tin về cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tại Moscow vào ngày mai (27/6). Theo kế hoạch, cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Putin có thể diễn ra tại Vienna, Áo, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO dự kiến trong hai ngày 11 và 12/7 tới tại Brussels.

Thông điệp gửi tới NATO

Trên thực tế, mối quan tâm đối với cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ của ông Donald Trump được bộc lộ từ nhiều tháng qua. Trước đó vào tháng 3, Điện Kremlin thông báo, Tổng thống Donald Trump đã gửi lời mời đến nhà lãnh đạo Nga qua điện thoại. Tuy nhiên từ thời điểm đó đến nay, hai bên vẫn chưa thể gặp nhau vì nhiều lý do.

Giới quan sát cho rằng không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Donald Trump lại muốn gặp gỡ ông Putin trước thềm Hội nghị của NATO. Ông Donald Trump có thể thông qua đó gửi thông điệp đến các nhà lãnh đạo Châu Âu rằng ông không muốn bị bó buộc trong cách tiếp cận với Nga. Tờ Rejuvenation dẫn lời Andrew S. Weiss - phó chủ tịch Quỹ Vì hòa bình quốc tế Carnegie Endowment cho biết: “Vấn đề hiện tại là Tổng thống Trump muốn đơn phương hủy bỏ nhiều nỗ lực xuyên Đại Tây Dương. Các nỗ lực này được thiết lập nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Nga sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine năm 2014. Ông Andrew S. Weiss cũng nhấn mạnh: “Trong quan hệ có phần ‘rạn nứt’ giữa Mỹ và Đức, ông Putin sẽ có cơ hội để đến gần Mỹ”.

Trong các bình luận công khai gần đây, Tổng thống Trump liên tục khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ với Nga và hạn chế xung đột liên quan đến vấn đề Ukraine, đồng thời cho rằng những hành động “thiếu thiện chí” của Nga bắt nguồn từ chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Và cũng chỉ hơn 2 tuần trước đây, ông Donald Trump đã kêu gọi các nước thành viên trong nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới G7 kết nạp lại Nga. Nga đã bị loại khỏi G7 vào năm 2014 sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea.

Nhiều người nhận định, Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ, nếu diễn ra có thể đào sâu mâu thuẫn giữa Mỹ và các đồng minh trong khối NATO bên cạnh những bất đồng quan điểm về thuế quan, an ninh và nhập cư. Phát biểu với tờ Politico, ông Jorge Benitez, một chuyên gia về NATO của tổ chức nghiên cứu Atlantic Council, cho rằng, cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Nga sẽ khiến đồng minh NATO lo ngại.

Ông Trump sẽ có thể tập trung nhiều nguồn lực vào cuộc gặp với Putin hơn là thảo luận với các đồng minh NATO nhằm giải quyết những mối lo chung. Tình huống xấu nhất có thể tương tự như tại Hội nghị G7 khi ông Trump cắt ngắn cuộc họp với các đồng minh, rút khỏi tuyên bố chung.

Kỳ vọng từ Thượng đỉnh Nga-Mỹ

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nga và Mỹ nhiều lần rơi vào thế đối đầu quân sự, do kết quả của việc tăng cường triển khai, huấn luyện và đào tạo các lực lượng quân sự trên không, trên bộ và trên mặt đất tại những khu vực trải rộng từ Baltic tới Trung Đông.

Bên cạnh đó, Nga và Mỹ cũng đầu tư hàng tỷ USD nhằm hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân. Dù rằng cả hai bên đều viện lý do đảm bảo an ninh, quốc phòng, song giới quan sát không khỏi hoài nghi về “một cuộc chạy đua vũ trang mới” có thể xảy ra.

Bên cạnh mối lo ngại hạt nhân, một mâu thuẫn nữa nảy sinh giữa Nga và Mỹ là vấn đề an ninh mạng. Mỹ nhiều lần đổ lỗi cho Nga tấn công mạng vào các cơ quan chính phủ của nước này, đồng thời cũng cáo buộc Nga dùng hình thức tấn công mạng can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Tuy nhiên phía Nga đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc trên.

Các nhà phân tích cho rằng, cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ không thể ngay lập tức thu hẹp bất đồng hay giải quyết những vấn đề cơ bản giữa hai bên. Bởi sẽ chẳng bên nào dễ dàng đơn phương nhượng bộ về những vấn đề được coi là “sống còn” đối với an ninh quốc gia. Tuy nhiên nó có thể mở ra đường hướng nhằm bình thường hóa quan hệ, và trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng sẽ được coi là một diễn biến tích cực.

Tiếp đến, cuộc gặp được kỳ vọng sẽ gỡ nút thắt tại một số điểm xung đột quốc tế như Syria và Ukraine. Xung đột tại Syria và Ukraine đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người phải tị nạn trên khắp khu vực Trung Đông, Châu Âu và nhiều nơi khác.

Washington và Moscow mỗi bên đều chi phối một số lực lượng và có vai trò nhất định trong việc tìm giải pháp cho các cuộc xung đột này. Mặc dù hai bên đã đàm phán về một số giải pháp như thực thi thỏa thuận Minsk tại Ukraine hay xúc tiến hòa đàm Syria tại Geneva (Thụy Sỹ), song đến nay vẫn chưa có nhiều tiến triển do thiếu thiện chí chính trị. Và cuộc gặp Thượng đỉnh sẽ là cơ hội tốt nhất cho các bên để thể hiện cam kết tìm giải pháp cho những điểm nóng xung đột này.

Cuối cùng, sau nhiều năm áp đặt các biện pháp trừng phạt cũng như tung các đòn đáp trả trừng phạt, các chính sách cô lập đối thủ giữa Nga và Mỹ đã đến một mức độ “khó chấp nhận”, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân hai nước. Việc cắt giảm nhân viên ngoại giao, cắt giảm các dịch vụ tại lãnh sự quán và đại sứ quán của hai nước đã khiến quan hệ ngoại giao Nga-Mỹ rơi xuống mức thấp nhất.

Giới quan sát kỳ vọng, thông qua Hội nghị Thượng đỉnh, hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ sẽ nhận ra rằng sự tiếp xúc giữa các nhà ngoại giao, lập pháp, giữa các doanh nghiệp học giả và các nhóm dân sự là nền tảng quan trọng gỡ bỏ mọi rào cản, mang lại sự ổn định và bình thường hóa quan hệ.

Theo cây bút Matthew Rojansky và Andrey Kortunov của tạp chí National Interest, bất chấp sự khủng hoảng sâu sắc trong quan hệ giữa hai chính phủ, người dân Nga và người dân Mỹ vẫn rất quan tâm đến nhau. Nhiều người Nga vẫn xếp hàng tại Đại sứ quán Mỹ tại Moscow, mong được nhận visa của Mỹ, trong khi đó, người Mỹ là nhóm khách nước ngoài lớn nhất đến thăm Nga trong dịp World Cup đang diễn ra.

Vì thế thật không công bằng khi khiến những người dân thường phải gánh hậu quả do căng thẳng trong quan hệ giữa hai bên. Trên thực tế, lịch sử quan hệ Nga - Mỹ cũng cho thấy rằng sẽ không có biện pháp nào để xoa dịu căng thẳng tốt hơn một cuộc gặp “mặt đối mặt” giữa nhà lãnh đạo 2 nước.

Theo Hồng Anh

VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm