Phớt lờ cảnh báo của Nga, Mỹ sẽ kích hoạt hệ thống lá chắn tên lửa tại châu Âu
(Dân trí) - Bất chấp cảnh báo của Nga về việc phương Tây đe doạ tới hoà bình ở khu vực Trung Âu, Mỹ sẽ chính thức kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu vào ngày 12/5 sau gần một thập niên.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giới chức Mỹ và NATO sẽ tham dự sự kiện kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa tại căn cứ không quân ở Deveselu của Romania, sau nhiều năm lập kế hoạch triển khai, tiêu tốn hàng tỷ USD đầu tư cùng với những nỗ lực thất bại trong việc bảo đảm với Nga rằng hệ thống này sẽ không nhằm vào Moscow.
Ông Robert Bell, Đặc phái viên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại NATO, cho biết: "Giờ đây, chúng tôi có đủ năng lực để bảo vệ NATO tại châu Âu. Iran đang gia tăng các năng lực tên lửa của họ và chúng tôi phải chuẩn bị đề phòng. Hệ thống phòng thủ tên lửa này không nhằm vào Nga và sẽ sớm được bàn giao cho NATO chỉ huy".
Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ bắt đầu xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa thứ hai tại Ba Lan vào ngày 13/5 tới và dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Với hệ thống này, NATO sẽ có công cụ bảo vệ trước mối nguy tên lửa, cũng như bổ sung sức mạng cho các hệ thống radar và tàu chiến của liên minh quân sự này tại khu vực Địa Trung Hải.
Nga đang cảm thấy không hài lòng trước những động thái bị coi là biểu dương sức mạnh của những bên từng là đối thủ trong thời Chiến tranh Lạnh tại khu vực Trung Âu. Nga cho rằng liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu đang tìm cách bao vây nước này bằng cách tiến gần tới khu vực Biển Đen chiến lược, nơi Nga có hạm đội hải quân hùng mạnh và cũng là nơi NATO đang cân nhắc tăng cường hoạt động tuần tra.
Việc kích hoạt hệ thống tên lửa nêu trên diễn ra trong bối cảnh NATO chuẩn bị triển khai lực lượng mới ở Ba Lan và các nước thuộc vùng Baltic, động thái được thực hiện sau sự kiện Nga sát nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014. Nhằm đáp trả NATO, Nga thông báo sẽ thành lập ba sư đoàn mới ở Quân khu phía Tây và Quân khu phía Nam của nước này.
Bất chấp những cam kết của Mỹ, Điện Kremlin cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa có mục đích vô hiệu hoá kho vũ khí hạt nhân của Nga đủ lâu để Mỹ có thể "tấn công phủ đầu" trước khi đối phương đáp trả trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Hệ thống phòng thủ tên lửa phụ thuộc vào các hệ thống radar phát hiện tên lửa đạn đạo được phóng vào không gian. Sau đó, các bộ cảm biến theo dõi sẽ đo quỹ đạo, đánh chặn và phá huỷ trong không gian trước khi tên lửa đó quay trở lại khí quyển của Trái Đất. Các tên lửa đánh chặn có thể được phóng đi từ tàu hoặc các bệ phóng đặt trên mặt đất.
Năm ngoái, Đại sứ Nga tại Đan Mạch từng cảnh báo rằng các tàu chiến của Đan Mạch có thể trở thành mục tiêu của tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân của Nga nếu Copenhaghen gia nhập hệ thống phòng thủ tên lửa bằng cách triển khai các hệ thống radar trên tàu chiến của nước này. Hiện Đan Mạch đang nâng cấp ít nhất một tàu khu trục của Hải quân Hoàng gia nước này để có thể đặt bộ cảm biến theo dõi tên lửa đạn đạo.
Trong khi dó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cho phép đặt một hệ thống radar theo dõi của Mỹ còn Hà Lan cũng có những tàu chiến trang bị hệ thổng radar nêu trên. Ngoài ra, Mỹ cũng có 4 tàu chiến đóng tại Tây Ban Nha như một phần trong kế hoạch hoạt động của hệ thống phòng thủ tên lửa này.
Ngọc Anh
Tổng hợp