1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phóng viên kể chuyện hậu trường tác nghiệp trong 100 ngày đầu tại vị của ông Trump

(Dân trí) - Đối với các phóng viên của tờ New York Times tại Nhà Trắng, quá trình đưa tin về Tổng thống Donald Trump trong 100 ngày làm việc đầu tiên của ông đã mang lại cho họ nhiều cung bậc cảm xúc, từ vui vẻ cho tới cáu giận, thậm chí cả kiệt sức, tuy nhiên đó chưa bao giờ là công việc nhàm chán.

Mark Landler

"Chúng tôi vừa sa thải tổng chưởng lý"

Một sớm bình minh tại Nhà Trắng hồi tháng 1 (Ảnh: New York Times)
Một sớm bình minh tại Nhà Trắng hồi tháng 1 (Ảnh: New York Times)

Đồng nghiệp của tôi, Maggie Haberman, đã gọi điện cho tôi vào cuối ngày thứ Hai, cũng là ngày thứ 9 kể từ khi ông Trump nhậm chức, và thông báo rằng: một trong số các cố vấn của ông ấy sẽ gặp chúng tôi vào lúc 9 giờ tối. Chúng tôi đi bộ đến Nhà Trắng dưới ánh đèn êm dịu trong đêm mùa đông và bãi cỏ ở phía bắc Nhà Trắng vẫn bị che khuất bởi khán đài từ lễ nhậm chức tổng thống trước đó.

Đối với Maggie, người đã quen mặt với mọi nhân vật trong thế giới của ông Trump, đây là cơ hội để gặp lại những khuôn mặt quen thuộc trong môi trường mới. Còn đối với tôi, người đã bám trụ Nhà Trắng để đưa tin về cựu Tổng thống Barack Obama trong suốt 5 năm, đây là cơ hội để làm quen với những gương mặt mới ở một nơi quen thuộc.

Khi đồng hồ điểm hơn 9 giờ tối, chúng tôi bước vào Upper Press, dãy văn phòng nơi thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer làm việc. Ông Spicer đang đứng cạnh bàn - nơi một trợ lý của ông đang lướt ngón tay trên bàn phím. Nhìn qua thông báo trên điện thoại của mình lần cuối, ông Spicer nhắc trợ lý nhấn nút "gửi".

"Chúng tôi vừa sa thải tổng chưởng lý", ông Spicer quay sang Maggie và tôi, nói một cách chắc chắn. Rõ ràng ông Spicer đang nhắc đến Sally Q. Yates, người đã khiến chính quyền Trump nổi giận bằng cách từ chối biện hộ cho lệnh cấm nhập cư của tân tổng thống đối với công dân từ 7 nước có người Hồi giáo chiếm đa số.

Suy nghĩ đầu tiên của tôi là: mình đang chứng kiến một vụ “Thảm sát đêm thứ Bảy” khác, giống một đêm năm 1973 khi Tổng thống Richard M. Nixon sa thải công tố viên đặc biệt về vụ Watergate và dẫn đến hàng loạt quyết định từ chức trong Bộ Tư pháp.

Đứng cạnh ông Spicer trong hành lang của Văn phòng Cánh Tây, tôi bấm số điện thoại của biên tập viên và đọc cho cô ấy bản tuyên bố mà Nhà Trắng vừa mới phát. Lúc 9 giờ 23 phút, bản tin được cập nhật: "Tổng thống Trump đã sa thải tổng chưởng lý..."

Maggie và tôi rời cuộc hẹn. Lúc đó tôi nhận ra rằng, đây sẽ là một Nhà Trắng hoàn toàn khác biệt.

Julie Hirschfeld Davis

Tin tức không ngờ tại bữa tiệc Mar-a-Lago

Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân Melania tiếp đón vợ chồng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida hồi tháng 2 (Ảnh: New York Times)
Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân Melania tiếp đón vợ chồng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida hồi tháng 2 (Ảnh: New York Times)

Đó là một ngày dài trong tháng 2 khi chúng tôi theo chân đoàn báo chí đi cùng Tổng thống Trump tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bãi biển Palm Beach, bang Florida. Cuối cùng thì Nhà Trắng cũng gửi tới các phóng viên một tin tốt là sẽ chúng tôi có một khoảng thời gian trống, dấu hiệu cho thấy tổng thống sẽ nghỉ ngơi. Tôi chuẩn bị đi ăn tối, vui mừng vì được thoát khỏi những chiếc xe chật chội cùng những căn phòng chật ních. Những tấm nhựa đen che kín cửa sổ suốt cả ngày đã khiến chúng tôi không thể quan sát ông Trump trên sân golf.

Ngay khi tôi đưa nĩa lên miệng, một email (thư điện tử) hiện lên trên điện thoại: “Khẩn cấp - Thời gian 9:30 tối”. Lúc đó đã là 9:27. Điều này đồng nghĩa với việc thời gian nghỉ ngơi của chúng tôi đã hết.

Tôi nhanh chóng nhập đoàn cùng các thành viên trong đội ngũ báo chí của ông Trump. Mọi người chia nhau ngồi vào vài chiếc S.U.V để trở lại Mar-a-Lago. Trên đường đi, nguồn tin từ Nhà Trắng thông báo với tôi rằng tổng thống đã quyết định sẽ cùng Thủ tướng Abe đưa ra tuyên bố về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày hôm đó và đây là quyết định chớp nhoáng. Ông Trump trước đó đã từ chối bình luận về vụ phóng thử, nhưng ông cũng được biết đến là một tổng thống hay đưa ra những thay đổi thất thường.

Cảnh tượng trước mắt tôi khác hoàn toàn với các buổi họp báo mà tôi từng tham gia. Khi các đặc vụ ngầm tiến hành kiểm tra an ninh bằng cách dùng máy dò kim loại quét người tôi và kiểm tra túi xách, tôi nhìn dòng xe Bentleys, Rolls Royces, và Maseratis nối đuôi nhau tiến vào đường dành cho xe hơi. Dòng xe này chở theo những người mặc trang phục đen và đeo huy hiệu thành viên của Mar-a-Lago. Cả họ và chúng tôi đều trố mắt nhìn nhau. Dù sao, đó cũng là một tối thứ 7 ở Palm Beach.

Khi được dẫn vào căn phòng nơi 2 nhà lãnh đạo sẽ bắt đầu cuộc họp báo, chúng tôi đi ngang qua một đám cưới của người Do Thái được trang trí đẹp mắt với hoa phong lan và hoa hồng. Sau đó, Tổng thống Trump xuất hiện với gương mặt nghiêm nghị và nói về sự đoàn kết với Nhật Bản, trong khi Thủ tướng Abe lên án hành động phóng tên lửa của Triều Tiên.

Những bức ảnh xuất hiện sau đó cho thấy tổng thống xuất hiện ở đám cưới dưới sảnh, cười vui vẻ với cô dâu và các phù dâu, đồng thời giơ ngón cái lên tỏ ý tán thành.

Glenn Thrush

“Tôi xin lỗi, không được rồi”


Phóng viên Glenn Thrush trong phòng họp báo của Nhà Trắng sau khi bị từ chối vào phòng họp riêng của thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer (Ảnh: Getty)

Phóng viên Glenn Thrush trong phòng họp báo của Nhà Trắng sau khi bị từ chối vào phòng họp riêng của thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer (Ảnh: Getty)

Khoảng một tháng sau khi ông Trump trở thành tổng thống, tôi tham gia một cuộc họp báo và kiếm được một ghế báo chí trong phòng họp. Đó là ghế thứ hai từ cửa vào, ở hàng thứ 2. Qua trao đổi miệng với đồng nghiệp, tôi biết mình sẽ không có cơ hội đặt câu hỏi.

Ông Spicer, người trước đó đã mở màn nhiệm kỳ thư ký báo chí của mình tại Nhà Trắng bằng việc chỉ trích các phóng viên do đưa tin về số lượng người ít ỏi tham gia lễ nhậm chức của Tổng thống Trump, dường như đang tìm cách chia rẽ và làm bẽ mặt cánh báo chí trong phòng.

Một số phóng viên đã được mời bằng miệng tới một phòng họp riêng của ông Spicer. Phòng họp này sẽ tách các phóng viên đến từ các hãng tin mà ông Trump không thích như New York Times, The Washington Post, CNN và một số tờ báo khác với các phóng viên đến từ các báo còn lại. Những người không được mời sẽ không được vào phòng. Chúng tôi đã phải chầu chực bên ngoài để chờ lấy bản chép lại.

Khi mới nghe nói về chuyện đó, tôi đã đến gặp một trong những trợ lý của ông Spicer và đề nghị được đưa vào danh sách chờ. "Chắc chắn rồi", cô ấy nói và hỏi tên tôi một cách vui vẻ. Sau khi tôi báo tên, cô ấy cau mày: "Tôi xin lỗi, không được rồi. Không còn chỗ trống nữa".

Sẽ là giả dối nếu tôi nói rằng mình không nổi cáu. Đó là bản chất con người, khi cảm thấy xấu hổ vì bị bỏ rơi. Nhưng cảm giác đó không kéo dài. Các phóng viên trong phòng họp riêng đã ra ngoài, gửi ra các ghi chép của họ để chúng tôi, những người khốn khổ chờ đợi bên ngoài, có thể đưa tin đầu tiên.

Thật khó để các phóng viên ở Nhà Trắng - một nhóm người đang tranh đấu, giành giật và cạnh tranh nhau - hình thành một thứ gì đó giống như sự đoàn kết. Và xét trên phương diện này, ông Spicer đã thành công.

Maggie Haberman

“Tôi chỉ đơn giản là không muốn nói về nó”


Ghế của Tổng thống Trump trong Phòng Bầu dục (Ảnh: New York Times)

Ghế của Tổng thống Trump trong Phòng Bầu dục (Ảnh: New York Times)

Đó là ngày 5/4, Glenn Thrush và tôi có mặt ở Phòng Bầu dục để phỏng vấn Tổng thống Trump về kế hoạch của ông ấy trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Chúng tôi chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác, và rồi ông Trump đề cập đến việc tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tôi hỏi ông ấy về sự việc vừa xảy ra ở Syria trước đó, khi hàng chục người, trong đó đa số là trẻ em, bị sát hại trong một cuộc tấn công có vẻ như bằng vũ khí hóa học, và dường như được thực hiện bởi quân đội dưới quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

“Ngài có thấy những tấm ảnh ở Syria không?”, tôi hỏi ông Trump. Tôi tiếp tục: “Ngài nghĩ gì về nó trên cương vị tổng thống?”.

“Tôi nghĩ đó là hành vi hèn hạ”, Tổng thống đáp. “Tôi tin đó là một sự sỉ nhục đối với toàn nhân loại. Không thể tưởng tượng rằng lại tồn tại những kẻ có thể thực hiện một hành vi như thế. Những đứa bé đó thật xinh xắn”.

Chúng tôi tiếp tục đặt câu hỏi. Gleen hỏi Tổng thống Trump rằng cuộc tấn công có thể nói lên điều gì về sự can dự của Nga tại Syria. Ông Trump có vẻ chần chừ. Chúng tôi thử hỏi lại tổng thống một lần nữa rằng đã có cuộc nói chuyện nào giữa ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin hay chưa. Bỗng nhiên, Tổng thống nhấn mạnh: “Tôi sẽ không bao giờ nói trước về những gì tôi đã làm trên phương diện quân sự. Tôi đã nói như thế trong rất nhiều năm qua. Còn về Syria, tôi đơn giản là không muốn nói về nó”, ông Trump cho biết.

Vào thời điểm đó, Gleen và tôi giải thích việc ông Trump cảm thấy miễn cưỡng khi nói về nước Nga là vì khi đó, các quan chức liên bang đã thăm dò ra nhiều mối quan hệ đáng nghi giữa cố vấn chiến dịch của ông Trump với phía Nga nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Tuy nhiên một thời gian ngắn sau đó, chính ông Trump đã gặp mặt các cố vấn quân sự cấp cao để đưa ra đánh giá và lựa chọn phương án hành động, dẫn tới cuộc không kích bằng 59 tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào căn cứ không quân tại Syria. Điều mà chúng tôi cho là sự tránh né của ông Trump trước câu hỏi không thoải mái của chúng tôi, thực tế là do tổng thống đã bắt đầu một chiến dịch quân sự và muốn giữ kín những bước đi của mình.

Michael D. Shear

Chuyên cơ gặp vùng nhiễu động

Phóng viên Michael Shear trên chuyên cơ Air Force One hồi tháng 3 (Ảnh: New York Times)
Phóng viên Michael Shear trên chuyên cơ Air Force One hồi tháng 3 (Ảnh: New York Times)

Đó là chuyến bay đầu tiên của Tổng thống Trump trên chuyên cơ Không Lực Một và ông Trump muốn đặt văn phòng của mình gần vị trí mũi máy bay. Vì vậy, khi chiếc Boeing 747 quay về về căn cứ Joint Andrews sau hành trình đến Philadelphia vào cuối tháng 1; các phụ tá của ông Trump đã tới gọi tôi cùng 12 phóng viên và thợ ảnh khác, lúc đó đang ở cuối máy bay,và dẫn đường cho cả nhóm lên phía đầu máy bay. Trong suốt 8 năm ở Nhà Trắng, tôi chưa bao giờ vào được khu vực dành cho tổng thống trên Không Lực Một, và những gì diễn ra trong vài phút sau đó là một trong những trải nghiệm kỳ lạ nhất đối với tôi.

Khi chúng tôi bắt đầu bước lên phía trước, máy bay lắc dữ dội. "Dừng lại! Quay lại! Rung quá!”, một mật vụ hét lên và cả nhóm chạy vội về. Một phút sau, họ nói có thể thử lại. Nhưng sự rung lắc mạnh đã khiến chúng tôi phải bỏ cuộc và tất cả đành về chỗ ngồi của mình để khóa dây an toàn. Chỉ đến khi máy bay hạ cánh, chúng tôi mới có thể đi qua các phòng mật vụ và nhân viên để đến phòng họp của tổng thống.

Chúng tôi vào phòng họp tổng thống và thấy ông Trump đang ngồi sau một bàn lớn. Ông mỉm cười. Phía sau ghế bọc da của ông ấy có treo một chiếc áo khoác Không Lực Một mới tinh với dòng chữ "Donald Trump" màu trắng. Trong 60 giây tiếp theo, khi các nhiếp ảnh gia bấm máy, ông Trump có một cuộc trò chuyện nho nhỏ với chúng tôi.

"Tốt", ông Trump nói về chuyến bay. Sau đó ông nói: "Chuyến bay tuyệt vời!" và "Chuyến bay thú vị!"

Sau đó, khi thư ký Spicer bắt đầu đẩy chúng tôi ra ngoài, ông Trump vẫn còn hào hứng, tiếp tục nói cho tới khi cả nhóm ra đến cửa."Họ vừa đưa tôi thứ đó", ông cười khi vỗ tay lên chiếc áo khoác không quân. "Cái áo ngầu đấy chứ?", tổng thống hỏi chúng tôi.

Peter Baker

Vị tổng thống khó đoán nhất


Một phóng viên giơ tay lên để đặt câu hỏi cho Tổng thống Trump trong một cuộc họp báo ở Nhà Trắng (Ảnh: New York Times)

Một phóng viên giơ tay lên để đặt câu hỏi cho Tổng thống Trump trong một cuộc họp báo ở Nhà Trắng (Ảnh: New York Times)

Sau khi tham gia hoạt động báo chí tại Nhà Trắng trong suốt 20 năm, tôi được chuyển tới Jerusalem và làm việc cho New York Times. Sau đó, khi Donald Trump đắc cử tổng thống, tôi đã được điều về Mỹ chỉ sau 5 tháng ở Trung Đông.

Nhưng nếu ai đó nghĩ rằng việc đưa tin về 3 đời tổng thống sẽ có ích cho việc đưa tin về Tổng thống Trump thì thực tế đã chứng minh điều đó là sai lầm. Trong mỗi cuộc họp, nơi bạn thường nói rằng "Đây là cách mà tổng thống làm việc" hoặc "Nhà Trắng sẽ không bao giờ làm việc theo kiểu đó đâu", chúng tôi đều nhận thấy những kinh nghiệm này là vô ích khi cố gắng tìm hiểu một tổng thống sẵn sàng đẩy lùi mọi ranh giới như ông Trump. Ông Trump loại bỏ tất cả nghi thức và phớt lờ mọi tiền lệ khi làm việc. Một phóng viên chưa từng bước chân vào Nhà Trắng trước ngày nhậm chức 20/1 cũng chẳng khác tôi là bao khi dự đoán điều gì đó về ông Trump - một trong những tổng thống khó đoán nhất trong lịch sử Mỹ.

Tùng Anh

Theo New York Times