Phòng thí nghiệm Vũ Hán công bố các virus "họ hàng xa" với SARS-CoV-2
(Dân trí) - Chi tiết về nhánh virus mới có họ hàng xa với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 cho thấy những nghiên cứu mới nhất về đại dịch này chỉ có thể là "phần nổi của tảng băng chìm".
Các nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán (WIV) ở Trung Quốc gần đây phát hiện loại virus mới thuộc nhánh có họ hàng với virus SARS-CoV-2 từ dơi.
Theo đó, các loại virus được giới truyền thông lần đầu tiên nói đến hôm 22/5 có họ hàng xa với loại virus gây đại dịch Covid-19. Nó thuộc nhánh xa hơn các loại virus họ hàng với SARS-CoV-2 được phát hiện trước đó, nhưng có mức độ tương đồng cao trên các khu vực nhất định của bộ gen.
Đây là lần đầu tiên phòng thí nghiệm Vũ Hán, vốn là trung tâm của những giả thuyết gây tranh cãi về nguồn gốc đại dịch Covid-19, công bố thông tin chi tiết về loại virus mà họ phát hiện được trước đây. "Những kết quả này cho thấy, coronavirus mà chúng tôi phát hiện ra từ loài dơi có thể chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", nhóm nghiên cứu viết trong bài báo trên bioRvix.
Họ cũng công bố những nghiên cứu sâu hơn về các loại virus mà viện đang lưu trữ. Nghiên cứu mới nhất tập trung vào 8 loại virus mà họ thu thập được trong chuyến thăm vào năm 2015 tới một thị trấn ở tỉnh Vân Nam, Tây Nam. Đây cũng là nơi mà các nhà nghiên cứu WIV đã thu thập hơn 1.000 mẫu từ loài dơi sống ở trong và xung quanh một hang động khai thác mỏ trong khoảng 3 năm. Công trình nghiên cứu này được thực hiện sau khi một số người đến khu mỏ này bị bệnh. Xét nghiệm cho thấy họ bị nhiễm "virus lạ" và các nhà khoa học bắt đầu tìm kiếm virus ở loài dơi. Tuy nhiên, nhóm WIV cho hay, họ không nhiễm Covid-19.
Trên tạp chí Nature vào tháng 11/2020, nhóm WIV cho biết đã tìm thấy 9 loại virus thuộc danh mục với virus gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng và Covid-19. Một trong số này là virus có tên gọi RaTG13, đã được công bố hồi tháng 2/2020, là họ hàng gần nhất với SARS-CoV-2. 8 loại còn lại được công bố trong những báo cáo mới nhất này.
Hơn 1 năm sau khi lần đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán, nguồn gốc gây đại dịch Covid-19 vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Một số nhà khoa học và quan chức Mỹ cáo buộc virus rò rỉ từ viện nghiên cứu hoặc các phòng thí nghiệm Vũ Hán, nhưng Trung Quốc kịch liệt bác bỏ.
Các nhà khoa học thế giới, trong chuyến công tác thực địa cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến Vũ Hán vào đầu năm nay, gọi giả thuyết trên là "cực kỳ khó xảy ra". Tuy nhiên, đã có những chỉ trích cho rằng nhóm điều tra mới chỉ chạm đến bề mặt của sự việc và cần thêm rất nhiều nghiên cứu nữa.
Tại Mỹ, trong những tuần gần đây, các nhà khoa học và nhà nghị sĩ kêu gọi nhanh chóng điều tra thêm về giải thuyết này. Hôm 23/5, báo Wall Street Journal tiết lộ tài liệu tình báo chưa được công bố của Mỹ cho biết, 3 nhà nghiên cứu thuộc Viện Virus học Vũ Hán đã bị bệnh và phải nhập viện vào tháng 11/2019, một tháng trước khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được xác nhận ở Vũ Hán. Ngay lập tức, tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 24/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã bác bỏ nghi vấn này, nói rằng thông tin này "hoàn toàn không đúng sự thật".
Theo các nguồn tin, vấn đề nguồn gốc đại dịch sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận tại cuộc họp của 194 quốc gia thành viên WHO trong tuần này.
Trong bài báo mới nhất, các nhà nghiên cứu Vũ Hán cũng đề cập đến "suy đoán virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm", nhưng cho biết, "không có bằng chứng" cho suy đoán này, do chủng giống SARS-CoV-2 nhất (96%) trong phòng thí nghiệm của họ có khả năng liên kết với tế bào người rất yếu. Trong khi đó, 8 loại virus mới được tiết lộ chỉ giống SARS-CoV-2 hơn 77%, và không có loại nào được cô lập trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, bài báo của các nhà nghiên cứu không nói rõ vì sao thông tin di truyền đầy đủ về các nhánh virus này không được công bố sớm hơn.
Nhà sinh học tiến hóa Edward Holmes tại Đại học Sydney cho rằng, bài báo trên là bằng chứng mới nhất cho thấy phòng thí nghiệm Vũ Hán không chứa loại virus gần giống với SARS-CoV-2.