DNews

Phòng không Ukraine trụ được bao lâu trước chiến lược bóp nghẹt của Nga?

Minh Phương An Hoàng

(Dân trí) - Nếu Nga duy trì cường độ tấn công trong khi dòng viện trợ của phương Tây tiếp tục bế tắc, hệ thống phòng không của Ukraine có nguy cơ bị bóp nghẹt và kiệt quệ sau vài tuần.

Phòng không Ukraine trụ được bao lâu trước chiến lược bóp nghẹt của Nga?

Chiến thuật bóp nghẹt của Nga

Người Ukraine đã dành phần lớn thời gian nghỉ lễ năm mới trong các hầm tránh bom khi Nga liên tục tiến hành các cuộc không kích lớn nhất kể từ khi xung đột giữa hai nước nổ ra cách đây gần 2 năm.

Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Nga đã phóng hơn 500 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào các mục tiêu trên khắp Ukraine chỉ trong vòng 5 ngày kể từ 29/12/2023 đến 2/1/2024.

Làn sóng tấn công quy mô lớn này cho thấy điều khiến nhiều người Ukraine lo ngại nhất cuối cùng đã xảy ra. Nga được cho là đã dành nhiều tháng tích trữ tên lửa và UAV để phục vụ chiến dịch tập kích mùa đông, chiến dịch mà Moscow từng thực hiện năm 2022.

Tuy nhiên, giới quan sát đã chỉ ra những thay đổi về chiến thuật của Nga trong chiến dịch tập kích năm nay.

Bộ Quốc phòng Anh hôm 3/1 cho biết: "Kể từ ngày 29/12/2023, Nga đã đẩy mạnh cường độ tiến công tầm xa nhằm vào Ukraine. Cơ quan này cũng cho biết, đợt tập kích gần đây của Nga nhiều khả năng tập trung vào ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine, không giống với chiến dịch tấn công hạ tầng năng lượng hồi mùa đông năm ngoái.

Mùa đông năm ngoái, Nga đã nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng năng lượng dân sự của Ukraine trong nỗ lực buộc nước này phải khuất phục. Chiến dịch kéo dài 5 tháng đó đã dẫn đến tình trạng mất điện luân phiên trên khắp Ukraine, nhưng cuối cùng cũng không thể làm lung lay tinh thần của người Ukraine.

Trong khi đó, năm nay, Moscow dường như tập trung tấn công các hạ tầng quân sự, quốc phòng của Ukraine như các nhà máy chế tạo, kho vũ khí, đạn dược bên cạnh những mục tiêu khác.

Điều này làm dấy lên những ý kiến cho rằng Nga đang tìm cách làm suy yếu tinh thần của Ukraine đồng thời làm suy giảm khả năng của Ukraine trong việc sản xuất vũ khí và đạn dược cần thiết cho một cuộc chiến tiêu hao kéo dài.

Đáng nói, mục tiêu hàng đầu và trước mắt của Nga có thể là bóp nghẹt năng lực phòng không của Ukraine. Để đạt mục tiêu đó, Moscow đã thay đổi chiến thuật tập kích so với năm ngoái.

Nga huy động cùng lúc nhiều loại vũ khí bao gồm cả tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, UAV để thực hiện các cuộc tấn công. Những vũ khí này có thể thay đổi đường bay giữa hành trình. Thậm chí, các hệ thống tác chiến điện tử của Nga đã phát ra các xung điện từ khiến các radar của Ukraine nhầm các vũ khí "mồi" là tên lửa Kinzhal.

Chiến thuật này của Moscow nhằm gây quá tải, từ đó làm giảm hiệu quả của hệ thống phòng không Ukraine.

Hôm 29/12/2023, Nga mở đầu làn sóng tập kích bằng 158 tên lửa và UAV nhằm vào loạt đô thị lớn của Ukraine. Ukraine tuyên bố bắn hạ 87 tên lửa hành trình Kh-101/555 và 27 UAV tự sát, tương đương 72% tổng số vũ khí được Moscow sử dụng, nhưng không chặn được tên lửa Kinzhal, Kh-22/32, S-300, Iskander-M, Kh-31P và Kh-59.

Trong cuộc tấn công quy mô lớn thứ hai hôm 2/1, Nga dùng 134 tên lửa các loại và 35 UAV tự sát nhằm vào Ukraine. Các đơn vị phòng không Ukraine đã bắn hạ toàn bộ 10 tên lửa siêu vượt âm Kinzhal, 62 tên lửa hành trình Kh-101 và Kalibr cùng 35 UAV tự sát.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, những cuộc tấn công này dường như là đỉnh điểm của nhiều tháng chuẩn bị và thử nghiệm của Nga, bao gồm việc tăng cường sản xuất tên lửa.

Tình báo quân sự Ukraine ước tính, Nga hiện có thể sản xuất khoảng 100 tên lửa/tháng, so với hơn 40 tên lửa trước đó. Nói cách khác, Nga sử dụng kết quả một tháng sản xuất chỉ cho một cuộc tấn công - một chiến thuật bị cho là không bền vững về mặt kinh tế.

Matthew Schmidt, phó giáo sư về an ninh quốc gia và khoa học chính trị tại Đại học New Haven, cho rằng Nga đang chấp nhận bỏ ra hàng triệu USD để "gây ra một thương vong cho người Ukraine", nhưng đó là một phần trong chiến lược nhằm làm kiệt quệ Ukraine.

"Đó là lý do tại sao Nga thực hiện kiểu tấn công như hiện tại, cố gắng áp đảo lực lượng phòng không Ukraine và dụ Ukraine phóng tên lửa phòng không, khiến Ukraine phải dùng hết những gì mà họ có", ông Smith nhận định.

Phòng không Ukraine: Mạnh nhưng chưa đủ

Phòng không Ukraine trụ được bao lâu trước chiến lược bóp nghẹt của Nga? - 1

Ukraine đang thiếu hụt nguồn lực phòng không khi viện trợ từ phương Tây chững lại (Ảnh: AFP).

Với các hệ thống phòng không hiện đại mà phương Tây viện trợ, như Patriot của Mỹ, Ukraine đã chống đỡ được những cuộc tấn công khốc liệt của Nga. Kiev có thể đánh chặn tên lửa siêu vượt âm Kinzhal, loại tên lửa mà Moscow từng tuyên bố là "vũ khí bất khả chiến bại".

Năng lực phòng không của Ukraine hiện nay thậm chí vượt xa kỳ vọng. Hệ thống phòng không bao gồm nhiều chủng loại của Ukraine có tỷ lệ đánh chặn thành công khoảng 70-80%.

Tỷ lệ đánh chặn của hệ thống phòng không vẫn cao, song điều đó cũng đồng nghĩa Kiev phải tiêu hao một lượng lớn tên lửa phòng không, trong khi một lượng vũ khí nhất định của Nga vẫn lọt qua lưới phòng không và gây thiệt hại trên mặt đất.

Do đó, Nga (bên tấn công) luôn có thể áp đảo Ukraine (bên phòng thủ) nếu có nhiều tên lửa hơn. Khi đó, cuộc chiến sẽ trở thành cuộc chiến tiêu hao và bên chiến thắng là bên có nhiều tên lửa hơn.

Một điểm yếu khác của Ukraine là tuy năng lực phòng không đã được cải thiện đáng kể nhưng Kiev vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ đồng minh và đối tác.

Người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine Yury Ihnat ngày 9/1 thừa nhận, Ukraine đang biên chế hàng loạt khí tài của phương Tây cần được bảo trì, sửa chữa và nâng cấp. Tuy nhiên, bế tắc chính trị ở phương Tây đang làm gián đoạn các gói viện trợ, khiến việc duy trì hoạt động của các vũ khí chuẩn NATO trở nên khó khăn hơn.

 "Rõ ràng chúng tôi đang thiếu hụt tên lửa dẫn đường phòng không", ông nói.

Trước đó, Phó thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov cho hay, quân đội nước này đang chuyển sang sử dụng UAV cảm tử thay cho các hệ thống pháo binh vì không đủ đạn.

Phòng không Ukraine có thể trụ được bao lâu?

Phòng không Ukraine trụ được bao lâu trước chiến lược bóp nghẹt của Nga? - 2

Nếu phương Tây không kịp thời hỗ trợ thêm nguồn lực phòng không, hệ thống phòng không của Ukraine sẽ sớm kiệt quệ (Ảnh minh họa: AFP).

Chiến dịch tập kích quy mô lớn của Nga lại diễn ra ở thời điểm dòng viện trợ của Mỹ và EU cho Ukraine đang chậm lại. Khi triển vọng viện trợ quân sự của Mỹ và EU tiếp tục mờ mịt do các trở ngại chính trị, nguy cơ Ukraine cạn kiệt kho đạn dược trong những tuần tới là rất lớn.

Kịch bản hệ thống phòng không Ukraine sụp đổ sẽ là một thảm kịch. Nếu nguồn cung cấp đạn dược của Ukraine cạn kiệt vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2, Ukraine có thể buộc phải tập trung nguồn lực hạn chế và khiến phần lớn đất nước không được phòng thủ. Trong hoàn cảnh đó, một cuộc không kích của Nga có thể dễ dàng gây thương vong lớn cho Ukraine.

Giới chức Kiev cảnh báo kho hỏa lực của Ukraine chỉ còn có thể trụ thêm 2 tháng nước nếu không có sự trợ giúp của phương Tây.

Matt Duss, phó Chủ tịch Điều hành tại Trung tâm Chính sách Quốc tế, cho biết Ukraine có khả năng sẽ phải phân bổ lại nguồn lực phòng thủ. Khi đó, Kiev sẽ phải đối mặt với những quyết định khó khăn: ưu tiên phòng thủ ở đâu và buộc phải bỏ trống ở đâu. Điều này khiến nhiều thành phố không được bảo vệ đúng mức.

"Ukraine sẽ buộc phải đưa ra lựa chọn khó khăn. Đây luôn là chiến lược của Nga, họ cố gắng làm suy yếu Ukraine và khiến phương Tây mất niềm tin vào việc cam kết hỗ trợ Ukraine", ông Duss nhấn mạnh.

Peter Dickinson, biên tập viên của trang blog UkraineAlert thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, cũng đưa ra cảnh báo tương tự.

"Sự sụp đổ của hệ thống phòng không Ukraine sẽ dẫn tới hậu quả cực kỳ thảm khốc", ông Dickinson viết trong một bài phân tích, dự đoán hàng nghìn người thương vong của Ukraine nếu Nga tổ chức một đợt không kích.

Brock Bierman, một thành viên cấp cao tại Quỹ Marshall của Đức, nhận định: "Nga sẽ tận dụng mọi sự chậm trễ của phương Tây trong việc viện trợ cho Ukraine. Với những gì đang diễn ra, không có gì ngạc nhiên nếu Nga giành được lợi thế trong vài tháng tới. Phương Tây càng chậm trễ thông qua các gói viện trợ, điều đó càng đúng theo những tính toán của Nga".

Ngược lại, cục diện xung đột sẽ chuyển biến đáng kể nếu phương Tây chấp thuận cung cấp số lượng lớn hệ thống phòng không cho Ukraine.

Giới chức Kiev nhận thức rất rõ về mối đe dọa đang rình rập, họ tích cực tìm kiếm thêm sự hỗ trợ phòng không trong những tháng gần đây. Vào tháng 12, Ukraine đã nhận được hệ thống Patriot đợt hai từ Đức, đồng thời cũng đạt được cam kết từ phía Nhật Bản trong việc cung cấp tên lửa Patriot cho Mỹ, cho phép Mỹ tăng cường viện trợ cho Ukraine.

Sau cuộc không kích lớn chưa từng có của Nga vào Ukraine hôm 29/12, Anh cam kết sẽ viện trợ khẩn cấp thêm 200 tên lửa phòng không cho Ukraine. Một mặt, Kiev hoan nghênh sự hỗ trợ này, mặt khác, họ buộc phải thừa nhận tình hình sẽ phụ thuộc phần lớn vào diễn biến chính trị ở Mỹ.

Kể từ khi chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2024 được đẩy lên cao trào, tiến độ gói viện trợ lớn dành cho Ukraine đã bị đình trệ. Nếu Quốc hội Mỹ không thông qua khoản viện trợ trị giá hàng chục tỷ USD, quân đội Ukraine sẽ phải đối mặt với thiếu hụt nguồn lực nghiêm trọng, bao gồm trong cả lĩnh vực phòng không.

Trong khi đó, phía Nga chờ đợi phương Tây sẽ kéo dài sự bế tắc này. Với nguồn khí tài gồm tên lửa và UAV dồi dào, sự tự tin trên chiến trường của Moscow ngày càng chắc chắn. Nga khẳng định sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cho đến khi đạt được mọi mục tiêu đề ra.

Kiev đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp với khối NATO về vấn đề này. Tuy nhiên, để có thể đáp ứng nhu cầu quốc phòng của Ukraine, NATO phải phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của Mỹ.

NATO đầu tháng này cho biết họ sẽ giúp các nước đồng minh tăng quy mô sản xuất vũ khí để mua 1.000 tên lửa Patriot khôi phục kho vũ khí, từ đó có thể tiếp tục viện trợ cho Ukraine.

Tuy nhiên, ngay cả khi hệ thống phòng không được tăng cường đáng kể, Ukraine vẫn khó chấm dứt chiến dịch không kích của Nga. Để đối phó hiệu quả với mối đe dọa từ UAV và tên lửa của Nga, Ukraine phải được trang bị tên lửa tầm xa cùng với sự đồng ý từ các đồng minh để có thể tập kích vào mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.

"Chừng nào các nhà lãnh đạo phương Tây còn nhất quyết hạn chế khả năng tấn công của Ukraine, các chỉ huy Ukraine sẽ còn phải chiến đấu trên không bằng khiên chứ không phải bằng kiếm", ông Peter Dickinson đưa ra quan điểm.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Economist mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky tuyên bố "các nước phương Tây hoặc là hãy sát cánh với Ukraine, hoặc là hãy tự loại mình ra khỏi cuộc xung đột".

"Nếu các vị không còn sức chiến đấu, hãy bước sang một bên. Chúng tôi sẽ không rút lui", ông Zelensky khẳng định.

Trên khắp chiến tuyến, tốc độ giao tranh đã chậm lại và không bên nào đạt được đột phá, cũng như không có diễn biến lớn nào đáng để mong đợi trong thời gian tới. Nga đang dồn lực tấn công thị trấn Avdiivka ở vùng Donetsk, miền Đông Ukraine. Dù có phải chịu nhiều tổn thất nặng nề, Moscow vẫn chấp nhận để giành được nhiều lợi ích hơn.

Tuy nhiên, với tình thế ngày một suy yếu của phòng không Ukraine, Moscow dường như sẽ sẵn sàng cho một cuộc tấn công mạnh mẽ hơn, theo Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia có trụ sở tại London.

Kho tên lửa, pháo phòng không và đạn dược của Ukraine đang dần cạn kiệt. Ukraine đã bắt đầu sản xuất các loại vũ khí phòng thủ quan trọng, tuy nhiên, tiến trình này có thể sẽ mất tới nhiều năm trước khi có thể mang lại hiệu quả.

Tại Mỹ, quốc hội vẫn đang tập trung vào các cuộc đàm phán về biên giới Mỹ - Mexico, vốn sẽ ảnh hưởng tới bất kỳ gói viện trợ nào cho Ukraine trong tương lai. Trong khi đó ở Liên minh châu Âu, các quốc gia đồng minh vẫn chưa tìm được hướng đi sau khi Hungary dùng quyền phủ quyết để chặn gói viện trợ trị giá 50 tỷ USD cho Kiev.

Theo Atlantic, BBC, Hill

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine