Phòng không Ukraine đối đầu với không quân Nga vượt trội: Khốc liệt vô cùng
(Dân trí) - Màn đối đầu khốc liệt giữa Nga và Ukraine vẫn đang sôi sục hàng ngày, hàng giờ với nhiều diễn biến khó lường và chúng ta sẽ cùng chờ xem hồi kết của cuộc đọ sức này.
Các cuộc chiến tranh và xung đột quân sự thường xuyên xảy ra trên khắp thế giới trong suốt lịch sử phát triển của nhân loại. Quy luật thường thấy là bên mạnh sẽ dùng hỏa lực của tất cả các loại vũ khí trên không, trên biển và trên đất liền để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ đối phương.
Bên yếu sẽ phải ra sức bảo vệ đất nước bằng mọi lực lượng và phương tiện, trong đó lực lượng phòng không - không quân (PK-KQ) có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phòng tránh, đánh trả những cuộc tập kích của các phương tiện tấn công đường không của đối phương.
Mặt trận trên không - cuộc đọ sức của vũ khí hiện đại
Hiện nay, các phương tiện tấn công đường không ngày càng trở nên đa dạng và nguy hiểm hơn mà nổi bật trong cuộc xung đột Nga - Ukraine là các loại máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình, tên lửa siêu vượt âm và tên lửa đạn đạo tầm ngắn…
Đây là những mục tiêu rất khó đối phó với hệ thống phòng không của bất cứ quốc gia nào, kể cả các cường quốc quân sự trên thế giới.
Đơn giản là ngoài sự tối tân của các loại vũ khí mới thì bên tấn công còn có ưu thế chủ động trong việc lựa chọn thời điểm công kích, kiểu loại và số lượng vũ khí sử dụng, mục tiêu đánh phá… có thể gây bất ngờ làm đối phương không kịp trở tay. Bên phòng thủ thường yếu hơn nên sẽ luôn không đủ lực lượng để bảo vệ mọi mục tiêu của mình trên toàn bộ lãnh thổ.
Trong cuộc xung đột hiện nay, dù được sự hỗ trợ tích cực từ Mỹ - NATO, lực lượng phòng không Ukraine luôn ở trong tình cảnh lấy yếu địch mạnh trên vùng lãnh thổ rộng lớn và quân đội của họ được tổ chức cũng như trang bị gần giống như Nga.
Trước khi nổ ra xung đột, lực lượng phòng không Ukraine được xây dựng theo học thuyết quân sự Xô Viết và trang bị chủ yếu là vũ khí từ thời Liên Xô.
Khi Liên Xô tan rã năm 1991, Ukraine được thừa hưởng kho vũ khí khổng lồ trị giá hàng chục tỷ USD, trong đó có hơn 1.000 máy bay các loại, hàng trăm hệ thống tên lửa phòng không, radar và nhiều khí tài khác.
Tuy vậy sau 30 năm, số vũ khí này lần lượt hết hạn sử dụng, hoặc hư hỏng do thiếu phụ tùng và kinh phí bảo dưỡng, hoặc phần lớn được bán ra nước ngoài.
Trong đó đáng chú ý là tàu sân bay Varyag choán nước 60.000 tấn, có thể chở 50 máy bay các loại, được bán cho Bắc Kinh mang về tu sửa và trở thành TSB đầu tiên của hải quân Trung Quốc mang tên Liêu Ninh.
Theo số liệu phương Tây năm 2021, lực lượng vũ trang Ukraine chỉ còn khoảng 180 máy bay các loại (trong đó có 55 trực thăng), các tổ hợp tên lửa phòng không S-125, S-200, S-300, Buk-M1, Tor-M1 các hệ thống radar P-18, P-19, P-37, ST-68U, 36D6, pháo phòng không S-60 cỡ 57mm, pháo phòng không tự hành ZSU-23-4…
Tính năng chiến - kỹ thuật các loại vũ khí, trang bị của lực lượng phòng không Ukraine đương nhiên không còn là bí mật đối với Nga và đây là điều bất lợi cho họ trong chiến đấu.
Vì vậy ngay trong thời kỳ đầu chiến sự nổ ra, rất nhiều khí tài phòng không và radar của Ukraine đã bị Nga nhanh chóng phá hủy, tạo ra lỗ hổng lớn trong lưới lửa bảo vệ bầu trời quốc gia khiến họ bị thiệt hại nặng nề.
Tuy nhiên sau đó Ukraine nhận được nhiều vũ khí phòng không phương Tây được cho là tối tân hơn của Nga, như các loại tên lửa Patriot, NASAMS, Stinger của Mỹ và IRIS-T của Đức, Crotale-NG của Pháp và Starstreak của Anh, SAMP-T của Pháp, pháo phòng không tự hành Gepard cỡ nòng 35mm của Đức… và đã đánh trả hiệu quả hơn, gây khá nhiều tổn thất cho phía Nga.
"Đất nước phải trụ vững, vì vậy, phòng không là ưu tiên số một. Chúng ta có hệ thống phòng không thời Liên Xô và lượng đạn tên lửa dành cho tổ hợp này đang cạn kiệt. Ukraine không sản xuất loại tên lửa này và nếu không thể lấy chúng từ những quốc gia sở hữu nhiều hơn, chúng ta phải lấp chỗ trống bằng các tổ hợp phòng không phương Tây", Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov nói ngày 27/4.
Với dân số hơn 40 triệu người, Ukraine có thể đủ nhân lực bổ sung cho lực lượng vũ trang của mình và với sự trợ giúp tích cực của phương Tây về vũ khí trang bị, họ có thể duy trì sức mạnh quân sự để đối phó với các cuộc tấn công của Nga và tiến hành phản công.
Quân đội Nga với tiềm lực vượt trội nhưng không thể dễ dàng đè bẹp ngay đối thủ yếu hơn đang được cả khối NATO đông đảo đứng sau hỗ trợ. Ngược lại, quân đội Ukraine muốn giành chiến thắng trên chiến trường cũng cực kỳ khó khăn vì sức mạnh có hạn và không thể bằng Nga về nhiều mặt, trong khi viện trợ của phương Tây là có mức độ.
Đáng chú ý, Nga được cho là vẫn chưa tung hết lực lượng của mình vào cuộc xung đột để còn sẵn sàng đối phó với trường hợp khối NATO can thiệp trực tiếp.
Quân đội Nga được trang bị đầy đủ các loại vũ khí hiện đại không thua kém các nước NATO và đầy kinh nghiệm tác chiến lớn trên lục địa châu Âu. Theo phương Tây đánh giá, riêng không quân Nga có hơn 2.300 máy bay các loại (có 948 trực thăng), đang giành ưu thế trên không và gây nhiều khó khăn, tổn thất cho Ukraine.
Tác chiến điện tử của Nga đang vô hiệu hóa các trang thiết bị vô tuyến điện tử của đối thủ, nhất là trong việc vận hành các loại UAV mà Ukraine đang sử dụng rộng rãi như một cứu cánh cho sự yếu thế của họ trên chiến trường.
Lực lượng tăng thiết giáp và bộ binh của Kiev khi phản công thiếu yểm trợ đường không, còn không quân Nga vốn đang áp đảo trên chiến trường. Trong khi đó, hệ thống phòng không Ukraine thiếu khả năng đối phó với nhiều loại phương tiện tấn công đường không của Nga.
Tóm lại, Ukraine không có đủ thực lực và chưa có nhiều kinh nghiệm tác chiến phòng không để chống lại các loại phương tiện tấn công đa dạng và tối tân của Nga.
Chưa kể, Quân đội Ukraine hiện đang tác chiến theo kiểu phương Tây "phân tuyến đối đầu" rõ ràng, rất thuận lợi cho việc đối phó có chuẩn bị trước của quân đội Nga, do vậy Kiev tổn thất nặng và chưa đạt được nhiều kết quả trên thực địa.
Tiêm kích Su-30SM thuộc Hạm đội Biển Đen Nga (Ảnh: Russianplanes.net).
Nga đổi chiến thuật, đánh lừa và hạ gục hệ thống phòng không Ukraine
Kể từ tháng 4 tới nay, khi hàng loạt hệ thống tên lửa phòng không mới và hiện đại của Ukraine do Mỹ - NATO cung cấp đi vào hoạt động, Không quân Nga bắt đầu thay đổi chiến thuật. Họ dường như chủ động tấn công hơn so với trước đây nhằm đánh tiêu hao các tổ hợp phòng không của Kiev.
Cụ thể, Nga áp dụng các biện pháp đánh lừa đối phương khi cho máy bay chiến đấu xuất kích, dụ phòng không Ukraine khai hỏa, bộc lộ vị trí để máy bay khác hoặc tên lửa, UAV tập kích vô hiệu hóa. Cũng có trường hợp Nga dùng UAV rẻ tiền hoặc tên lửa loại cũ làm mồi nhử, chỉ cần phòng không Ukraine có động tĩnh là chế áp ngay.
Một trong những vũ khí nguy hiểm nhất mà Nga thường sử dụng là tên lửa chống bức xạ Kh-31P mang trên những tiêm kích Su-35S và Su-30SM hoặc Su-34 bay tuần tra bao quát toàn bộ tiền tuyến, sẵn sàng tấn công vào bất kỳ hệ thống radar nào của Ukraine phát ra bức xạ để theo dõi máy bay chiến đấu Nga.
Kh-31P (phiên bản mới nhất là Kh-31PD) được thiết kế để phá hủy các hệ thống radar của tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa, các hệ thống radar cảnh giới nhìn vòng. Tên lửa này sử dụng đầu dò thụ động, bám theo cánh sóng của radar đối phương để lao đến và tiêu diệt.
Các phi công Nga thường gọi Kh-31PD là "thần chết siêu thanh" do nó có tốc độ cao, rất khó bị đánh chặn. Nga khẳng định tỷ lệ thành công của tên lửa Kh-31PD trong các chiến dịch ở Ukraine là 98%.
Chiến thuật của Nga là sử dụng máy bay không người lái giá rẻ để làm cạn kiệt hệ thống phòng không của chúng tôi. Nó gần giống như một cuộc chạy đua với thời gian.
Nhờ chiến thuật mới, Nga đã loại bỏ được khá nhiều tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại mà Ukraine vừa đưa vào trang bị, qua đó tạo ra những lỗ thủng lớn trong lưới lửa phòng không đối phương, cho phép máy bay chiến đấu Nga hoạt động thoải mái hơn trong vùng không phận tranh chấp.
Yuriy Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết mặc dù nước này không còn đặt ưu tiên số một là thúc ép phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu F-16 nhưng Kiev vẫn thường xuyên yêu cầu và nhận được tên lửa phòng không để bổ sung cho kho dự trữ.
"Chiến thuật của Nga là sử dụng máy bay không người lái giá rẻ để làm cạn kiệt hệ thống phòng không của chúng tôi. Nó gần giống như một cuộc chạy đua với thời gian. Ai sẽ ra tay trước? Người Nga với tên lửa của họ hay tên lửa mà chúng tôi nhận được từ các đồng minh của mình?", ông Sak nói.
Tiêm kích Su-34 Nga mang tên lửa Kh-31 (Ảnh: Capt_Navy).
Hồi kết nào cho cuộc xung đột bất thường?
Xưa nay, nhiều cuộc chiến tranh và xung đột quân sự đã từng xảy ra giữa các nước phương Tây với nhau và cả giữa các nước xã hội chủ nghĩa với nhau.
Cuộc xung đột bất thường Nga - Ukraine lần này lại xảy ra giữa 2 dân tộc cùng nguồn gốc, từng rất gắn bó với nhau và đã cùng làm nên lịch sử vẻ vang của một quốc gia hùng mạnh - Liên bang Xô Viết.
Cục diện trên chiến trường Ukraine hơn một năm qua rất phức tạp và chưa ngã ngũ khi những tuyên bố cũng như số liệu của đôi bên đưa ra luôn trái ngược nhau và đều chưa thể kiểm chứng độc lập.
Các nước phương Tây nghĩ là đã bóp nghẹt được nền kinh tế Nga bằng cấm vận, tuy nhiên thực tế xảy ra không như vậy. Thế giới cũng đang bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng về nhiều mặt và chia rẽ sâu sắc vì cuộc khủng hoảng này…
Việc giải quyết xung đột đang diễn ra trên các bàn đàm phán nhưng cho đến nay vẫn không ai chịu ai và rõ ràng là sẽ được quyết định trên chiến trường.
Liệu quân đội Ukraine có trụ vững được trước lực lượng hùng hậu của đối phương hay Quân đội Nga sẽ gục ngã trước sức mạnh của cả khối phương Tây đang ra sức ủng hộ Ukraine?
Màn đối đầu khốc liệt ấy vẫn đang sôi sục hàng ngày, hàng giờ với nhiều diễn biến khó lường và chúng ta cùng chờ xem hồi kết của cuộc đọ sức này, có lẽ trong thời gian không xa…
Mong rằng hòa bình sẽ sớm trở lại với 2 dân tộc anh em và đều thân thiết với nhân dân Việt Nam trong những năm khói lửa của 2 cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ mà chúng ta không bao giờ quên.
Đại tá Nguyễn Thụy Anh
Nguyên cán bộ Cục Khoa học Quân sự - Bộ Quốc phòng