1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Phòng không Nga đắt hàng sau vụ nhà máy dầu Ả rập Xê út bị tấn công

(Dân trí) - Các hệ thống phòng không của Nga đã nhận được sự quan tâm từ các khách hàng tiềm năng ở Trung Đông, trong bối cảnh các nước muốn nâng cao phòng thủ sau khi nhà máy dầu của Ả rập Xê út bị tấn công.

Phòng không Nga đắt hàng sau vụ nhà máy dầu Ả rập Xê út bị tấn công - 1

Tổ hợp phòng không Pantsir (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Sputnik dẫn phát biểu ngày 23/10 của ông Dmitry Shugaev, giám đốc cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự liên bang Nga, cho biết các tổ hợp phòng không của Nga nhận được nhiều sự quan tâm từ Ả rập Xê út và Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) sau khi nhà máy đầu của tập đoàn Aramco tại Ả rập Xê út bị tấn công.

“Các nước Vùng Vịnh đã bày tỏ sự quan tâm tới các hệ thống phòng thủ, đặc biệt là các tổ hợp Pantsir”, ông Shugaev cho hay.

Tuy nhiên, quan chức này không nêu cụ thể về nội dung mà các bên đưa ra bàn bạc.

Trong khi đó, tờ báo kinh doanh của Nga Vedomosti dẫn nguồn thạo tin cho hay quân đội Ả rập Xê út, quốc gia đồng minh của Mỹ tại Trung Đông, đang quan tâm tới thương vụ mua Pantsir của Nga. Mặt khác, UAE, một đồng minh khác của Washington, được cho cũng đang để mắt với việc mua hệ thống tên lửa Tor, cụ thể là phiên bản mới nhất, Tor-M2E.  

Hiện UAE đang vận hành hàng chục tổ hợp Pantsir-S1 mua của Nga từ năm 2000-2014. Họ cũng đã đặt hàng các phiên bản hiện đại hơn của hệ thống này vào năm nay.

Trong khi đó, Nga và Ả rập Xê út đã ký hợp đồng mua bán S-400 vào năm 2017, nhưng quá trình thực thi thỏa thuận hiện đang bị đình trệ.

Tổ hợp phòng không Pantsir-S1 của Nga

Giữa tháng 9, các cơ sở dầu khí thuộc tập đoàn Aramco của Ả rập Xê út bị các máy bay không người lái và tên lửa tấn công, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành dầu khí của nước này và thế giới. Phiến quân Houthi ở Yemen đã nhận trách nhiệm trong vụ việc, nhưng Mỹ và các đồng minh đã cáo buộc Iran đứng sau vụ việc. Tehran đã bác bỏ tuyên bố trên.

Mặt khác, vụ tấn công dường như cho thấy Ả rập Xê út dễ tổn thương trước các vụ tấn công sử dụng vũ khí với công nghệ đơn giản, dù quốc gia Trung Đông hiện được bảo vệ bởi mạng phòng thủ khá dày đặc và hiện đại.

Các chuyên gia cho biết Ả rập Xê út đã chi hàng tỷ USD mua các hệ thống phòng thủ như Patriot của Mỹ và họ cũng được bảo vệ bởi khí tài của quân đội Mỹ tại Trung Đông.

Chính vì vậy, vụ tấn công đã gây ra sự bất ngờ cho giới quan sát về lỗ hổng đã khiến hệ thống phòng thủ dày đặc như vậy bị các máy bay không người lái công nghệ thấp, giá thành rẻ “qua mặt” khi chúng xuất hiện trong không phận Ả rập Xê út và thực hiện các vụ tấn công ồ ạt.

Mặc dù vậy, Mỹ tuyên bố họ sẽ đưa thêm Patriot tới Ả rập Xê út để bảo vệ các cơ sở dầu khí khỏi các vụ tấn công trong tương lai.

Đức Hoàng

Theo Sputnik