Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn về chuyến làm việc tại Trung Quốc
(Dân trí) - Sau khi tham dự Hội chợ Triển lãm quốc tế Trung Quốc-ASEAN lần thứ 11 (CAEXPO 2014) và Hội nghị cấp cao kinh doanh và đầu tư Trung Quốc-ASEAN lần thứ 11 (CABIS 2014), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời phỏng vấn báo chí về vai trò của CAEXPO trong tiến trình hội nhập kinh tế Đông Á.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại lễ khai mạc CAEXPO 11. (Ảnh Tường Thu/TTXVN)
PV: CAEXPO và CABIS đã qua 10 năm tổ chức, xin Phó Thủ tướng đánh giá về tầm quan trọng của hai sự kiện đối với tiến trình kết nối kinh tế Đông Á?
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: CAEXPO và CABIS là 2 dấu ấn nổi bật và thiết thực của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc, là những sáng kiến cụ thể nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giao lưu trực tiếp.
Qua 10 năm tổ chức, CAEXPO và CABIS đã trở thành cầu nối thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp ASEAN và Trung Quốc. Những con số thống kê cho thấy, qua 10 kỳ Hội chợ, tổng kim ngạch giao dịch thương mại đạt 15,478 tỷ USD, tổng vốn đầu tư các dự án hợp tác quốc tế là 66,436 tỷ USD.
Đối với Việt Nam, từ chỗ chỉ đạt vài chục triệu USD về giá trị các hợp đồng giao dịch trong những năm đầu tham gia, riêng năm 2013, tổng giá trị giao dịch thương mại và đầu tư của các doanh nghiệp ta tại Hội chợ đạt 120 triệu USD.
Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội làm việc với khoảng 50.000 thương nhân Trung Quốc, các nước ASEAN và quốc tế tại Hội chợ. Năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ đạt các kết quả tương tự do quy mô và số lượng doanh nghiệp tham gia hội chợ của ta là rất đáng kể so với nhiều năm trước.
Nhìn rộng hơn, việc ASEAN đang tích cực đẩy mạnh nhiều hoạt động liên kết kinh tế, triển khai FTA với 6 đối tác lớn hàng đầu Đông Á và đàm phán một hiệp định sâu rộng, tổng thể hơn là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) sẽ mở ra nhiều cơ hội giao thương mới trong khu vực.
Cùng với đó, CAEXPO và CABIS đang là cầu nối hữu hiệu không chỉ giữa các doanh nghiệp ASEAN kết nối với Trung Quốc mà còn với cả khu vực Đông Á nói chung, giúp hình thành một chuỗi cung ứng và kết nối mới tại Đông Á. Có thể nói, toàn bộ quá trình này là kết quả của nỗ lực hội nhập của doanh nghiệp, đồng thời phản ánh chất lượng kết nối về hạ tầng, thể chế và con người từ các liên kết kinh tế khu vực, trong đó có CAEXPO và CABIS mà Việt Nam đã và đang tích cực tham gia.
Thưa Phó Thủ tướng, đâu là những khó khăn lớn nhất đối với tiến trình liên kết kinh tế Đông Á?
Cơ hội và thách thức luôn đan xen. Phải khẳng định cơ hội vẫn là to lớn, chưa từng có và là chủ yếu, mặc dù còn nhiều khó khăn. Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, Đông Á vẫn là một điểm sáng kinh tế, trong đó Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và ASEAN là khu vực phát triển năng động, tiến tới hình thành Cộng đồng vào năm 2015.
Các nước ở Đông Á đều đang tích cực đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc và liên kết kinh tế sâu rộng; tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển báo hiệu sức mua ngày càng tăng; lợi ích hợp tác giữa các nước chưa bao giờ gắn kết chặt chẽ như hiện nay.
Bên cạnh đó, liên kết kinh tế Đông Á còn nhiều khó khăn, thách thức. Các khó khăn lớn là trình độ phát triển chưa đồng đều, đặc biệt về hạ tầng cơ sở, chất lượng nhân lực và thể chế rất khác nhau. Các vấn đề về chủ quyền lãnh thổ, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu cũng tác động đến chất lượng tăng trưởng kinh tế, ít nhiều làm phân tán nguồn lực và làm ảnh hưởng đến hợp tác.
Tuy nhiên, chúng ta cần nỗ lực không để các khó khăn, thách thức cản trở cơ hội hợp tác, thúc đẩy quá trình liên kết kinh tế vì sự phát triển của đất nước. Về phía Chính phủ, Chính phủ đã xác định đúng và đang đẩy mạnh triển khai 3 khâu đột phá chiến lược là xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện thể chế và phát triển nhanh nguồn nhân lực, đồng thời tiếp tục mở rộng các kênh hợp tác mới cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam, với tư cách là chủ thể của hội nhập, mới chính là nhân tố quyết định đến thành công của hội nhập. Tôi đề nghị các doanh nghiệp cần phát huy vai trò tiên phong trong quá trình khắc phục các khó khăn, thách thức, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm và doanh nghiệp mình để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay.
Chính phủ cũng sẽ cam kết đồng hành với doanh nghiệp. Tại CAEXPO và CABIS, việc lãnh đạo Chính phủ và doanh nghiệp cùng tham gia không chỉ tạo điều kiện để tăng cường hợp tác công-tư mà còn để lãnh đạo lắng nghe ý kiến trực tiếp từ doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng của các kết nối và liên kết kinh tế khu vực thiết thực, hiệu quả hơn.
Thưa Phó Thủ tướng, việc tham gia CAEXPO, CABIS mang lại những lợi ích lớn nào cho Việt Nam?
Với chủ trương của Đại hội XI, Việt Nam đang triển khai tích cực quá trình hội nhập quốc tế một cách toàn diện. Cùng với việc thiết lập mạng lưới các quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện, tham gia các liên kết kinh tế khu vực; trong đó có các FTA thế hệ mới như TPP và RCEP, việc tham gia CAEXPO và CABIS là một phần trong nỗ lực hội nhập nhằm tạo lập các sân chơi, không gian hội nhập mới cho doanh nghiệp và đất nước phát triển.
CAEXPO và CABIS tạo cơ hội thiết thực cho các doanh nghiệp giao lưu, gặp gỡ; nhiều cơ hội, hợp đồng, giao dịch đều từ những sân chơi như thế này mà ra.
Ở một tầm chiến lược hơn, sự tham gia tích cực, chủ động của Chính phủ và đặc biệt là giới doanh nghiệp vào các cơ chế hợp tác, liên kết đó sẽ góp phần từng bước đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng của mạng lưới kết nối kinh tế Đông Á và toàn cầu. Trong sân chơi rộng lớn đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có điều kiện trưởng thành hơn, lớn mạnh hơn. Suy cho cùng đó cũng là nhằm tạo nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống của người lao động; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thông qua hợp tác kinh tế, việc tham gia CAEXPO và CABIS còn tạo cơ hội để chúng ta tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa các địa phương biên giới của Việt Nam với tỉnh Quảng Tây.
Với lợi thế núi liền núi sông liền sông với Quảng Tây, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Quảng Tây chiếm đến 70% tổng kim ngạch thương mại của Quảng Tây với ASEAN. Do đó, cả lãnh đạo và nhân dân Quảng Tây cũng như các tỉnh địa phương của Việt Nam giáp với Quảng Tây đều rất coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác với nhau.
Qua chuyến đi khảo sát bằng đường bộ và tận mắt chứng kiến các hoạt động nhộn nhịp tại Hội chợ, tôi nhận thấy tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn. Để hiện thực hóa tiềm năng đó, còn có rất nhiều việc phải làm, trong đó vấn đề kết nối hạ tầng cứng và mềm giữa các tỉnh biên giới giáp biên của Việt Nam với Quảng Tây.
Trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục tăng cường kết nối hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục, hài hòa chính sách và tạo thuận lợi hơn nữa cho giao thương hàng hóa, dịch vụ và con người.
Tham dự CAEXPO, CABIS năm nay và trực tiếp thăm khu gian hàng Việt Nam, Phó Thủ tướng nhìn nhận như thế nào về sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam?
Trước hết, tôi đánh giá cao sự năng động của các doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia các kỳ CAEXPO vừa qua. Việt Nam luôn là nước có đoàn doanh nghiệp tham dự CAEXPO đông nhất trong số các nước ASEAN.
Năm nay, Việt Nam có hơn 100 doanh nghiệp tham gia với 200 gian hàng, đến từ 21 tỉnh, thành hoạt động trên các lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến, du lịch, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm từ gỗ. Thành phố Bình Thuận đại diện Việt Nam tham gia trưng bày gian hàng quốc gia với chủ đề “Thành phố Đẹp” rất sáng tạo và mang bản sắc Việt Nam. Điều này chứng tỏ sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp đối với CAEXPO chứ không phải chỉ một vài doanh nghiệp mạnh ở các thành phố lớn.
Có thể nói, các doanh nghiệp của Việt Nam đã chủ động tận dụng Hội chợ này không chỉ để xúc tiến quảng bá và thâm nhập thị trường các tỉnh rộng lớn miền Tây Nam Trung Quốc mà còn giao lưu kết nối với các doanh nghiệp, đối tác kinh doanh trong khu vực ASEAN và Đông Á cũng như quảng bá hình ảnh quốc gia.
Khu vực Đông Á đang chứng tỏ là một đầu tàu kinh tế thế giới với những nền kinh tế phát triển nhanh, mạng lưới FTA ở nhiều cấp độ sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp muốn vươn ra thế giới.
Tuy nhiên, qua hội chợ cũng thấy doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị tốt hơn để tận dụng các cơ hội mang lại từ tiến trình kết nối kinh tế Đông Á, từ việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm đến việc thực hiện công tác quảng bá thương hiệu và sản phẩm một cách chuyên nghiệp và bắt mắt hơn… để hàng hóa và dịch vụ ngày càng được khách hàng khu vực ưa chuộng hơn.
Nhận thức rõ tầm quan trọng và lợi ích của CAEXPO, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cùng với các bộ, ngành liên quan, đã tích cực phối hợp và hỗ trợ các doanh nghiệp chuẩn bị tốt cho việc tham gia CAEXPO để tận dụng các cơ hội mang lại từ tiến trình liên kết kinh tế khu vực, đặc biệt là các FTA song phương giữa Việt Nam với các nước, các khu vực để kết nối với chuỗi kinh tế Đông Á ngày càng gắn kết.
Đây cũng là một hoạt động ngoại giao kinh tế cụ thể trong đó Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp để quảng bá hình ảnh quốc gia, kết nối đối tác, mở rộng thị trường và cơ hội kinh doanh cho hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam.
PV