Phó Tham tán Văn hóa Mỹ: Việt Nam cần đẩy mạnh dạy và học tiếng Anh
(Dân trí) - Phó Tham tán Văn hóa-Thông tin Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, ông Michael Turner, cho rằng Việt Nam nên đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường vì điều này đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển, hội nhập của Việt Nam với thế giới.
Ông Michael Turner tiếp xúc với các học sinh trường chuyên tỉnh Hà Giang nhân Chương trình Liên kết các tỉnh (Provincial Outreach) tháng 3/2014. (Ảnh: Đại sứ quán Mỹ)
Hợp tác giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước. Năm nay Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ (1995-2015) nhưng hợp tác giáo dục giữa hai nước đã diễn ra vài năm trước bình thường hóa, khi các chương trình hợp tác giáo dục được khởi động vào năm 1992. Tầm quan trọng của hợp tác giáo dục cũng được thể hiện trong thỏa thuận đối tác toàn diện mà Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Mỹ Barack Obama ký kết hồi năm 2013. Thỏa thuận nhấn mạnh rằng giáo dục là một lĩnh vực then chốt cho việc tiếp tục hợp tác giữa hai nước trong tương lai.
Một khía cạnh quan trọng khác của hợp tác giáo dục là thực tế số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ ngày càng tăng. Hiện có hơn 16.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ. Các sinh viên Việt Nam càng chứng tỏ sự năng động, sáng tạo, nhiệt huyết thì ngày càng nhiều bạn trẻ nhận được visa để tới Mỹ học tập. Chúng tôi cũng muốn thúc đẩy lĩnh vực hợp tác giáo dục này.
Xin ông cho biết những lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác giáo dục giữa hai nước?
Chúng tôi hợp tác giáo dục ở nhiều cấp độ khác nhau. Chúng tôi đang đẩy mạnh việc xây dựng quan hệ đối tác giữa các tổ chức giáo dục bậc cao của Việt Nam và Mỹ và tôi rất hào hứng với các mối quan hệ như giữa Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học San Jose State, Đại học Harvard và các tổ chức khác. Chúng tôi mong muốn phát triển các mối quan hệ đối tác như vậy.
Một ưu tiên trong hợp tác giáo dục Việt-Mỹ là đào tạo ngôn ngữ. Chúng tôi có các chương trình đào tạo tiếng Anh trên khắp Việt Nam. Chúng tôi đứa các giáo viên tiếng Anh tới các tỉnh thành xa xôi, từ Lào Cao tới Bạc Liêu, để giúp thúc đẩy việc học tiếng Anh.
Theo tôi, tiếng Anh là một trong những chìa khóa đối với tương lai và sự phát triển của Việt Nam. Tôi cho rằng nếu các bạn ngày càng có nhiều người sử dụng thành thạo tiếng Anh, điều đó sẽ góp phần đưa Việt Nam phát triển và thịnh vượng hơn, hội nhập với thế giới.
Nhưng ông cũng biết, nhiều học sinh ở các vùng nông thôn không có điều kiện để học tốt tiếng Anh. Đại sứ quán Mỹ đã và đang để trợ giúp việc học tiếng Anh tại các khu vực đó?
Chúng tôi có nhiều hoạt động tại khắp các tỉnh thành tại Việt Nam. Có thể lấy ví dụ chương trình học bổng tiếng Anh Access của Bộ Ngoại giao Mỹ kéo dài 2 năm dành cho các học sinh trung học tại tỉnh thành của Việt Nam. Chúng tôi cũng cử các giáo viên Mỹ tới các trường trung học trên khắp cả nước để dạy tiếng Anh trong 1 năm. Mỹ còn tài trợ kinh phí để đưa các giáo viên tiếng Anh của Việt Nam sang Mỹ học tập 1 năm. Chúng tôi tin rằng tương lai của Việt Nam không chỉ là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng mà là trên khắp cả nước, ở hơn 60 tỉnh thành. Tôi đã đến khoảng 30 tỉnh và tới thăm các trường trung học, tôi thấy học sinh Việt Nam rất thông minh. Các em có thể được tuyển chọn vào các tổ chức giáo dục hàng đầu của Việt Nam và tôi tin họ có thể trúng tuyển vào các ngôi trường đại học của Mỹ.
Ông có thể nêu một đặc điểm nổi bật của hệ thống giáo dục Mỹ?
Có những tương đồng trong hệ thống giáo dục giữa hai nước, như việc miễn phí học phí từ mẫu giáo tới lớp 12. Học phí đại học ở Mỹ đắt hơn tại Việt Nam, đó là một sự khác biệt.
Hệ thống giáo dục Mỹ tập trung vào việc khuyến khích sinh viên tự đặt câu hỏi và tìm câu trả lời, tự phân tích và giải quyết các vấn đề. Đó là điều các tổ chức, các công ty, các doanh nghiệp cần. Họ cần những người có thể đặt ra vấn đề và giải quyết vấn đề đó. Bạn có tin không, điểm chung của tất cả các công việc là giải quyết vấn đề. Bạn là phóng viên, bạn cũng có các vấn đề cần giải quyết - vấn đề của bạn là viết các bài báo. Hệ thống giáo dục Mỹ đã làm một việc rất tốt là hướng dẫn người học các kỹ năng phân tích để giải quyết các vấn đề.
Điều đó được quan tâm như thế trong hợp tác giáo dục giữa Mỹ và Việt Nam?
Cách thức chúng tôi trợ giúp Việt Nam là chúng tôi đưa tới đây các chuyên gia, chuyên viên, trong tất cả các lĩnh vực xã hội, con người, kinh tế, tài chính. Chúng tôi đưa họ tới các tổ chức của Việt Nam để phối hợp với các nhà quản lý, các hiệu trưởng, các chuyên gia để dạy các sinh viên Việt Nam cách thức giáo dục của Mỹ. Điều mà chúng tôi chú trọng là xây dựng tư duy phản biện của sinh viên. Khuyến khích sinh viên tăng cường khả năng phân tích và giải quyết các vấn đề với các thông tin có được và khả năng tiếng Anh. Bạn có thể có được thông tin ở bất kỳ đâu, ai cũng có thể lên Google, Wikipedia và có được bất kỳ thông tin gì họ muốn. Tìm kiếm thông tin rất dễ nhưng ứng dụng thông tin đó vào việc giải quyết các vấn đề một cách chuyên nghiệp mới là điều đó và đó là cách mà hệ thống giáo dục của Mỹ áp dụng.
Ông có lời khuyên gì cho Việt Nam ở góc độ giáo dục?
Tôi cho rằng Việt Nam cần trang bị các kỹ năng tiếng Anh cho sinh viên càng sớm càng tốt, ngay từ mẫu giáo. Các bạn có thể nhìn sang nhiều nước khác nơi tiếng Anh không phải ngôn ngữ mẹ đẻ, người ta vẫn nói tiếng Anh rất tốt, vì họ dạy tiếng Anh từ rất sớm. Học tiếng Anh càng muộn bao nhiêu thì khả năng lưu loát càng chậm bấy nhiêu. Tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng cần gia tăng số lượng giáo viên tiếng Anh để họ có thể dạy tiếng Anh thật tốt. Đó là điều rất quan trọng.
Chính phủ Việt Nam đã đồng ý chủ trương thành lập trường Đại học Fulbright Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, trọng tâm đào tạo của ngôi trường trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Hiện tại, chúng tôi tập trung vào Chương trình Giảng dạy Kinh tế (FETP). Chương trình này được thành lập trong khuôn khổ nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam và đó là một trong những biểu tượng lớn nhất cho thấy mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã phát triển như thế nào trong 20 năm qua. Năm nay FETP kỷ niệm 20 năm thành lập và chuẩn bị được nâng cấp thành Đại học ĐH Fulbright tại Việt Nam (FUV). FUV sẽ thực hiện các chương trình giống FETP, chủ yếu cấp bằng về chương trình chính sách công, kinh tế và sau đó sẽ mở rộng ra các lĩnh vực khoa học và công nghệ, môi trường. Vì vậy chúng tôi xem FUV là mô hình tuyệt vời của một tổ chức tư nhân, phi lợi nhuận, phong cách giáo dục Mỹ, và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ ngôi trường này trong những năm tới.
Được biết, Trung tâm Mỹ (American Centre- AC) tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là nơi cung cấp hoàn toàn miễn phí các chương trình và thông tin về nước Mỹ cho công chúng Việt Nam. AC hoạt động như thế nào sau hơn một năm thành lập?
Chúng tôi quảng bá các hoạt động của trung tâm thông qua các mạng xã hội và cho tới nay chúng tôi có nhiều thành viên đăng ký tham dự, đặc biệt là các bạn trẻ. AC có các tài liệu đa dạng phục vụ người dùng và đây là địa chỉ rất hữu ích cho người Việt Nam muốn tìm hiểu về nước Mỹ.
Năm ngoái, chúng tôi đã đưa 50 học sinh giỏi từ các tỉnh phía Bắc của Việt Nam tới thăm trung tâm và tháng này chúng tôi cũng đưa 50 các học sinh giỏi khác từ Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái… tới trung tâm Mỹ để các em hiểu biết thêm, nhiều em trong số đó chưa từng đến Hà Nội.
Tôi thích câu nói không gì là không thể. Liệu có nhiều hơn các quan hệ đối tác giáo dục giữa Mỹ và Việt Nam? Liệu có thể có nhiều sinh viên Mỹ đến Việt Nam học tập và các sinh viên Việt Nam đến Mỹ? Liệu chính phủ Việt Nam có thể làm gì để tăng cường việc dạy tiếng Anh trong nhà trường? Liệu có thể phát triển phương pháp giáo dục kiểu Mỹ tại Việt Nam? Tôi cho rằng không có gì là không thể. Người Việt Nam đã chứng minh được điều đó trong lịch sử. Tôi rất lạc quan về hợp tác giáo dục giữa hai nước.
Phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, bà Lisa Wishman, cho biết thêm Đại sứ quán Mỹ đã tạo điều kiện cho 22 sinh viên đại học thực tập để học tập các kỹ năng giúp họ tìm việc làm sau này. Đối với các chương trình thực tập, Đại sứ quán đăng quảng cáo 2 lần mỗi năm và chương trình này rất cạnh tranh. “Chúng tôi có các sinh viên thực tập tại Trung tâm Mỹ cũng như các bộ phận khác của sứ quán như bộ phận báo chí, bộ phận văn hóa, chương trình Fulbright. Điều đó không chỉ hỗ trợ công việc của chúng tôi mà còn giúp các sinh viên có thêm kinh nghiệm như làm thế nào để khẳng định mình, làm thế nào để tổ chức và quảng bá các sự kiện”, bà Lisa nói. |
An Bình