1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Philippines: Xác người ngổn ngang, người dân không dám bàn tán về chiến dịch chống ma túy

(Dân trí) - Ở một khu ổ chuột tại thủ đô Manila của Philippines, thi thể của Eric Sison - một người lái xích lô 22 tuổi nằm trong một cỗ quan tài ám ảnh người ta về chiến dịch chống tội phạm ma túy của chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte.


Hơn 2.400 người thiệt mạng trong chiến dịch chống tội phạm ma túy kéo dài hơn 2 tháng ở Philippines. (Ảnh: AFP)

Hơn 2.400 người thiệt mạng trong chiến dịch chống tội phạm ma túy kéo dài hơn 2 tháng ở Philippines. (Ảnh: AFP)

Sison là một trong những nạn nhân trong chiến dịch truy quét gắt gao này. Một đoạn video do hàng xóm của Sison quay bằng điện thoại được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy khoảnh khắc Sison bị bắn chết hồi tháng trước khi cảnh sát truy quét những kẻ buôn bán ma túy ở Pasay thuộc thủ đô Manila. Một giọng nói trong video vang lên: “Đừng làm thế, tôi sẽ đầu hàng”, nhưng ngay sau đó là tiếng súng nổ.

Một tấm biển gần quan tài của Sison có ghi: “Công lý cho Eric Quintinita Sison”, một tấm biển khác sơn bằng tay có nội dung: “Tàn sát - Công lý cho Eric”. Tuy nhiên, đây là những tiếng nói phản kháng hiếm hoi nhằm vào chiến dịch truy quét tội phạm ma túy kể từ khi ông Duterte trở thành tổng thống của Philippines cách đây hơn 2 tháng.

Trên khắp đất nước Philippines, những người đứng đầu mỗi địa phương có trách nhiệm phải trình báo danh dách các nghi phạm liên quan đến ma túy cho cảnh sát. Điều này càng khiến không khí sợ hãi và không tin tưởng lẫn nhau bao trùm khắp nơi, hầu như không ai dám lên tiếng về chiến dịch chống ma túy của Tổng thống.


Không khí sợ hãi bao trùm khắp Philippines. (Ảnh: EPA)

Không khí sợ hãi bao trùm khắp Philippines. (Ảnh: EPA)

Số liệu tiết lộ tuần trước cho thấy, số người thiệt mạng trong chiến dịch khởi động từ ngày 1/7 này đã lên tới hơn 2.400 người. Hiện văn phòng Tổng thống Duterte chưa bình luận về số liệu này.

Các cuộc phỏng vấn cho thấy Cơ quan phụ trách vấn đề nội bộ (IAS) của cảnh sát Philippines và Ủy ban về nhân quyền (CHR) đang bị quá tải bởi các vụ giết chóc mà họ có thể điều tra.

Leo Angelo Leuterio, người đứng đầu IAS, cho biết cơ quan của ông có trách nhiệm điều tra tất cả các vụ xả súng liên quan đến cảnh sát. Tuy nhiên thực tế IAS chỉ có khoảng 170 điều tra viên trên toàn quốc, và do vậy họ chỉ có thể đảm nhận điều tra khoảng 30% trong số khoảng 30 vụ mỗi ngày.

Đáng lẽ người đứng đầu IAS phải là một quan chức dân sự để đảm bảo tính độc lập của cơ quan này nhưng ông Leuterio lại là một sĩ quan cảnh sát với 13 năm phục vụ ở Davao - thành phố quê nhà của Tổng thống Duterte. Ông nói rằng ông không thiên vị và từng sa thải hàng trăm sĩ quan vi phạm.

Về phần CHR, cơ quan này chỉ xem xét được 259 vụ trong tổng số hơn 2.000 vụ giết chóc kể từ ngày 1/7. Cơ quan trên cho biết, trở ngại lớn nhất của họ là tìm các nhân chứng.

Chỉ một người dám đứng lên lên tiếng là Harrah Kazuo, người phụ nữ có chồng và bố chồng bị đánh đập thậm tệ và bắn chết tại một đồn cảnh sát, báo cáo của CHR cho biết. Cô cho biết, cảnh sát ập vào nhà cô không hề có lệnh bắt giữ, họ thậm chí lột quần đứa con nhỏ của cô để khám xét ma túy.

Cảnh sát Philippines không bình luận về sự việc đã xảy ra bên trong nhà của Kazuo, nhưng hai sĩ quan cảnh sát đã bị bắt giữ sau đó và bị buộc tội giết người. Kazuo cũng được đưa vào diện bảo vệ nhân chứng của CHR. Cô là người hiếm hoi dám lên tiếng phản kháng ở một môi trường đang bị bao trùm bởi sự sợ hãi.

Cảnh sát nói rằng, những sĩ quan này đã bắn một nghi phạm ma túy ở Tondo, một khu vực nghèo nàn đông dân cư ở Manila vào đêm đó. Tuy nhiên, khi họ thẩm vấn một người hàng xóm của Kazuo rằng liệu anh đã nghe thấy mấy phát súng, anh ta chỉ nói: “Xin lỗi, tôi chẳng nghe thấy tiếng súng nào cả”.

Minh Phương

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm