1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Philippines nói khó giải quyết sớm tranh chấp trên biển với Trung Quốc

(Dân trí) - Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay ngày 22/2 nhận định tranh chấp trên biển giữa nước này với Trung Quốc khó có khả năng giải quyết trong tương lai gần.

Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay (Ảnh: Reuters)
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, Ngoại trưởng Perfecto Yasay nói rằng tranh chấp trên biển giữa Philippines và Trung Quốc khó có thể giải quyết trong “thời kỳ của chúng ta”, do vậy, tốt hơn hết, hai nước nên gác tranh chấp sang một bên để tránh một cuộc đối đầu vũ trang.

“Bản thân tôi không tin vấn đề này sẽ được giải quyết sớm. Tôi cho rằng điều này sẽ không được giải quyết trong thời kỳ của chúng ta. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là phải lựa chọn chiến tranh”, Ngoại trưởng Yasay nói.

Ngoại trưởng Yasay cho rằng hiện cả Manila và Bắc Kinh đều vướng vào một tình thế bế tắc mà cả hai đều không thể phá vỡ được, do vậy đối với Philippines, cách tốt nhất hiện nay là tối đa hóa lợi ích từ Trung Quốc. Cũng theo người đứng đầu ngành ngoại giao Philippines, lập trường và mục tiêu chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông khiến hai nước khó đi đến một giải pháp chung.

Phát biểu trên của Ngoại trưởng Yasay được đưa ra một ngày sau khi ông chủ trì một phiên họp của bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, trong đó các bộ trưởng bày tỏ quan ngại về diễn biến gần đây trên Biển Đông và hối thúc các bên duy trì đối thoại để tránh leo thang căng thẳng.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 7/2 cho biết ông tin rằng Trung Quốc rốt cục sẽ bồi đắp bãi cạn Scarborough trên Biển Đông, nơi chỉ cách đảo chính Luzon của Philippines 230 km và là khu vực tranh chấp giữa Manila - Bắc Kinh trong nhiều năm qua.

Mới đây, ngày 21/2, Reuters dẫn lời hai quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc sắp xây xong khoảng 20 kết cấu trên đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông. Các quan chức này dự đoán những kết cấu mới có thể được dùng để chứa các tên lửa đất đối không. Trong khi đó, báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ công bố hồi tháng 12/2016 chỉ ra rằng Trung Quốc đã đưa các hệ thống vũ khí phòng không ra 7 trong số các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông. Bắc Kinh được cho là sẽ sử dụng số vũ khí này để đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa.

Thành Đạt

Tổng hợp