Philippines - Nhật Bản: Xích lại gần nhau
Chuyến thăm thứ sáu đến Nhật Bản trong chưa đầy năm năm qua của một Tổng thống Philippines tuần qua cho thấy mối quan hệ ngày một gắn bó sâu sắc giữa Manila và Tokyo.
Những bước tiến trong quan hệ hợp tác an ninh Nhật Bản - Philippines tập trung chủ yếu vào an ninh hàng hải. Nhật Bản cam kết sẽ giúp tăng cường năng lực của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines. Tokyo cũng ký kết một hợp đồng cung cấp tàu tuần tra cho Manila.
Ngoài ra, hai bên còn cam kết sẽ củng cố mối quan hệ hợp tác an ninh bằng việc ký kết thỏa thuận chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng cũng như tăng cường các cuộc huấn luyện, tập trận chung trong khuôn khổ song phương và đa phương. Thỏa thuận này đặc biệt gây chú ý bởi có nguồn tin tiết lộ, máy bay tuần tra P-3C và các thiết bị radar có thể nằm trong danh sách mặt hàng xuất khẩu tiềm năng. Đây là thỏa thuận thứ hai tương tự mà Tokyo ký kết với một quốc gia Đông Nam Á (sau Malaysia).
Thêm một thông tin gây chú ý là Manila đang cân nhắc khả năng cho phép binh lính Nhật Bản vào lãnh thổ của mình. Thỏa thuận sẽ cho phép các lực lượng an ninh Nhật Bản được tiếp nhiên liệu và nhận nguồn hậu cần trên lãnh thổ của Philippines. Như vậy, Tokyo sẽ có khả năng hoạt động lâu hơn và trên khu vực rộng lớn hơn nếu nước này quyết định thực hiện tuần tra Biển Đông cùng với Mỹ.
Với những bước tiến rõ rệt như thế, quan hệ Nhật Bản và Philippines hứa hẹn trở thành một liên minh vững mạnh và ảnh hưởng lớn đối với an ninh và ổn định của khu vực trong tương lai.
Thực ra, giữa hai nước từ lâu đã tồn tại một mối quan hệ gắn bó. Khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda muốn khởi đầu chính sách tiếp cận mới với khu vực Đông Nam Á vốn bị ám ảnh bởi thời kỳ chiếm đóng của phát xít Nhật thời Thế chiến II, ông đã chọn Thủ đô Manila làm nơi giới thiệu "Học thuyết Fukuda" nổi tiếng năm 1977. Kể từ đó, quan hệ Nhật Bản - Philippines được củng cố với kinh tế đóng vai trò lớn. Không dừng lại ở đó, Manila và Tokyo ra sức củng cố liên minh quân sự và quốc phòng trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược được ký kết năm 2011.
Giới phân tích cho rằng, có cùng mối lo đến từ thách thức an ninh quốc gia sát sườn hiện nay, Philippines và Nhật Bản tự nhiên muốn xích lại gần nhau.
Về phía Nhật Bản, mặc dù quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh đã ấm lên trong vài tháng qua, với cuộc hội đàm giữa ông Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng nhìn chung quan hệ hai bên vẫn trong cảnh đóng băng. Trung Quốc và Nhật Bản đã tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông nhiều thập kỷ qua. Tranh chấp này càng nóng lên sau khi Trung Quốc liên tiếp đưa tàu thuyền và máy bay vào khu vực quần đảo này.
Từ cuộc chạm trán giữa tàu Trung Quốc và Philippines vào tháng 4/2012, Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough - ngư trường đánh cá truyền thống của Philippines. Bởi thế, bất chấp nền kinh tế khá yếu kém và tình trạng quân đội bấp bênh, Philippines vẫn là quốc gia lớn tiếng nhất chỉ trích Trung Quốc trong khu vực. Trong bài diễn văn trước Quốc hội Nhật Bản, Tổng thống Aquino nói rằng: "Sự thịnh vượng của ngành hàng hải và miền duyên hải Đông Á và Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi nỗ lực nhằm vẽ lại ranh giới địa lý và thiết lập chủ quyền bên ngoài những gì được quy định bởi luật quốc tế".
Ông Aquino không phải là nhà lãnh đạo đầu tiên so sánh tình hình hiện tại ở Đông Á với các cuộc xung đột thế giới thế kỷ trước. Đầu năm 2014, Thủ tướng Abe đã kích động tranh cãi khi so sánh Nhật Bản và Trung Quốc giống với Anh và Đức trước thềm Thế chiến I. Chính phủ Nhật Bản sau đó đã giảm bớt tính nghiêm trọng của bình luận đó và cho rằng đó là lỗi phiên dịch.