1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Philippines nghi Trung Quốc bồi đắp bãi cạn tranh chấp tại Biển Đông

(Dân trí) - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 2/9 cho biết cảnh sát biển nước này đã phát hiện nhiều sà lan Trung Quốc xuất hiện ở bãi cạn Scarborough trên Biển Đông và đây có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tiến hành hoạt động bồi đắp ở khu vực tranh chấp giữa hai nước.

Một nhà hoạt động Philippines chuẩn bị đi tàu lên cắm cờ Philippines tại bãi cạn Scarborough trong khi bị tàu của cảnh sát biển Trung Quốc áp sát bên cạnh (Ảnh: Straitstimes)
Một nhà hoạt động Philippines chuẩn bị đi tàu lên cắm cờ Philippines tại bãi cạn Scarborough trong khi bị tàu của cảnh sát biển Trung Quốc áp sát bên cạnh (Ảnh: Straitstimes)

Theo Straitstimes, trong bài phát biểu tại lễ khánh thành cảng mới ở tỉnh Davao del Norte hôm qua 2/9, Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết ông đã nhận được thông tin từ Lực lượng cánh sát biển Philippines rằng “có nhiều sà lan” Trung Quốc xuất hiện xung quanh bãi cạn Scarborough, khu vực tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh trên Biển Đông. Ông Duterte nhận định đây có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang có kế hoạch bồi đắp bãi cạn này.

“Mục đích của các sà lan này là gì? Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang bắt đầu (bồi đắp ở Scarborough), và nó sẽ là một ngòi nổ khác ở đây (Biển Đông)”, ông Duterte nói.

“Cảnh sát biển nghi ngờ rằng sẽ có thêm một công trình bồi đắp đảo nhân tạo khác”, ông Duterte nói thêm.

Mặc dù Trung Quốc chiếm và kiểm soát bãi cạn Scarborough từ năm 2012 sau một thời gian giành giật với các tàu Philippines nhưng đây là lần đầu tiên xuất hiện nghi vấn về việc Bắc Kinh có thể tiến hành các hoạt động bồi đắp ở bãi cạn này.

Từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã ngang nhiên tiến hành các hoạt động bồi đắp và xây đảo nhân tạo trái phép tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhằm theo đuổi tham vọng bành trướng dựa trên yêu sách “đường chín đoạn” phi lý do nước này tự ý vẽ ra trên Biển Đông. Nhiều chuyên gia cho rằng mục đích của Trung Quốc là nhằm biến những đảo nhân tạo này thành các tiền đồn quân sự, phục vụ cho các mưu đồ của Bắc Kinh trong khu vực. Mặc dù tòa trọng tài thường trực ở La Hay (Hà Lan) ngày 12/7 đã ra phán quyết bác yêu sách đòi chiếm 80% Biển Đông của Trung Quốc nhưng nước này vẫn lớn tiếng tuyên bố không thực thi bất kỳ phán quyết nào của tòa.

Tổng thống Duterte thời gian qua liên tục có những phát ngôn khác nhau về mối quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc cũng như quan điểm của Manila trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Có thời điểm ông duy trì cách tiếp cận mềm mỏng và tỏ ra dịu giọng với Trung Quốc, nhưng cũng có những lúc ông cảnh báo Bắc Kinh rằng Philippines sẵn sàng đổ máu để bảo vệ lợi ích ở Biển Đông. Ông thậm chí còn khẳng định sẵn sàng hy sinh bản thân mình cùng các binh sĩ để bảo vệ chủ quyền đất nước. Mới đây, ông tuyên bố phán quyết về vụ kiện Biển Đông phải là cơ sở cho bất cứ cuộc đàm phán song phương nào giữa Philippines với Trung Quốc.

Thành Đạt

Tổng hợp