1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Philippines lần đầu tổ chức triển lãm quốc phòng sau nhiều thập niên

(Dân trí) - Các nhà thầu quốc phòng khắp thế giới sẽ đổ về Manila trong tháng này để tham gia một triển lãm quốc phòng, vốn lần đầu tiên được tổ chức tại Philippines trong nhiều thập niên qua.

Các binh sĩ Philippines trong một cuộc tập trận.
Các binh sĩ Philippines trong một cuộc tập trận.
 
Các nhà thầu sẽ cạnh tranh để giành một phần trong khoản ngân sách trị giá 1,5 tỷ USD được dành cho giai đoạn một của chương trình hiện đại hóa quốc phòng gồm 3 giai đoạn của lực lượng vũ trang Philippines.

Triển lãm an ninh và quốc phòng châu Á 2014 sẽ được tổ chức từ 16-18/7 tại Trung tâm thương mại thế giới ở Manila. Sandy Wong, một nhà tổ chức, cho hay đây là triển lãm quốc phòng đầu tiên tại Philippines trong nhiều thập niên qua.

Các hãng tham gia triển lãm bao gồm những công ty lớn từ châu Âu, Israel, Hàn Quốc, Mỹ như: AgustaWestland, Beechcraft, Bell, Tập đoàn hàng không vũ trụ Brahmos, Elbit, Tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Israel, Tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc, Lockheed Martin, Poogsan, Saab, Sikorsky và Thales.

Chương trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của Philippines được phê chuẩn năm 2013 cho thấy đây là một thị trường tiềm năng và làm sống lại nhu cầu về một cuộc triển lãm quốc phòng kiểu này.

Theo báo cáo ngân sách, chương trình hiện đại hóa quốc phòng của Philippines tập trung vào 4 lĩnh vực chính: hải quân, không quân, lực lượng phòng vệ mặt đất và khả năng của trụ sở chỉ huy.

Đến năm 2027, Manila hi vọng có khả năng kiểm soát không phận bên trên biển và đất liền, các khả năng tuần tra hàng hải - vốn bao gồm tuần tra và giám sát rộng ra khắp vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý - và một lực lượng trên bộ có đầy đủ năng lực.

Giai đoạn 1 của chương trình hiện đại hóa quốc phòng đã bắt đầu và kéo dài tới năm 2017. Hải quân Philippines đã ký hợp đồng với công ty quốc phòng PT PAL (Indonesia) để mua 2 tàu vận tải đổ bộ chiến lược. Hải quân cũng đang muốn mua các trực thăng  AgustaWestland AW159 Wildcat nhưng chưa có quyết định chính thức.

Hải quân Philippines cần các tàu khu trục mới, các trực thăng chống ngầm, các tàu tấn công đa chức năng, các phương tiện tấn công đổ bộ, các hệ thống hỗ trợ … Cũng có một số chương trình mua sắm và tân trang cho các nhà máy đóng tàu trong nước…

Không quân Philippines cần các radar trinh sát trên không, máy bay chiến đấu, các máy bay tuần tra tầm xa, máy bay hỗ trợ trên không tầm gần, trực thăng vận tải chiến đấu…

Không quân cũng có một loạt các nhu cầu về vũ khí khác như tên lửa không đối không tầm ngắn, tên lửa không đối đất và các hệ thống đối phó. Philippines đã ký hợp đồng mua 12 máy bay tấn công hạng nhẹ FA-50 của Hàn Quốc và đang đợi được bàn giao 8 trực thăng tấn công hạng nhẹ AgustaWestland AW109.

Quân đội Philippines gần đây còn ký hợp đồng mua 142 xe bọc thép cải tiến M113A2.

Sở chỉ huy quân đội, các lực lượng vũ trang và các đơn vị hỗ trợ cũng có các yêu cầu trang thiết bị.

Philippines cũng đang xử ký các nhu cầu liên quan tới các vấn đề hạt nhân, hóa học, sinh học, quản lý khủng hoảng, đối phó nhân đạo và thảm họa, và chống khủng bố.

Động lực chính đằng sau tất cả các nhu cầu trang thiết bị quốc phòng của Philippines là các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Sự hung hăng của Trung Quốc đã khiến Mỹ và các quốc gia trong khu vực đặc biệt lo ngại. Kết quả là, Philippines đã quyết định cho phép hải quân Nhật và Mỹ tiếp cận nhiều hơn đối với các căn cứ hải quân nước này, “tạo ra nhu cầu bổ sung về các thiết bị và hệ thống liên quan tới hải quân nhằm phục vụ việc nâng cấp căn cứ”.

An Bình
Theo Defence