Philippines đứng trước nguy cơ trở thành căn cứ khủng bố quốc tế
Việc các phiến quân Hồi giáo chiếm được thành phố Marawi là một lời cảnh báo nghiêm trọng đối với toàn vùng Đông Nam Á về mối nguy khủng bố IS.
Khi chiến sự bùng phát ở thành phố Marawi (Philippines) vào ngày 23/5, phiến quân Hồi giáo Maute chỉ mất vài tiếng đồng hồ là giành được quyền kiểm soát hầu hết thành phố này.
Chúng đã tấn công nhà tù, áp đảo hoàn toàn lực lượng giám thị tại đây, phá ngục và thả các tù nhân. Chúng cũng tấn công đồn cảnh sát, đánh cắp vũ khí và đạn dược tại đó, lập các chướng ngại vật và bố trí các tay súng bắn tỉa tại các địa điểm xung yếu.
Số người chết sau các cuộc giao tranh giữa các lực lượng chính phủ và phiến quân khủng bố thân IS ở thành phố Marawi đã lên tới gần 200 người. Đa số dân cư của thành phố này đã phải đi sơ tán.
Việc nhóm Hồi giáo Maute và các đồng minh của nhóm này trên đảo Mindanao chiếm được thành phố Marawi là lời cảnh báo lớn nhất về việc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS đang xây dựng căn cứ ở Đông Nam Á và đưa các chiến thuật tàn bạo mà chúng đã áp dụng ở Iraq và Syria về khu vực này.
Các quan chức quốc phòng và chính quyền trong khu vực nói với Reuters rằng ngày càng có nhiều bằng chứng về một âm mưu thâm hiểm tập hợp lực lượng của các nhóm khác nhau ủng hộ Nhà nước Hồi giáo (IS) muốn giành quyền kiểm soát đối với Marawi.
Các nguồn tin tình báo cho biết các chiến binh Hồi giáo ở Marawi gồm cả những đối tượng đến từ những nơi xa xôi như Saudi Arabia, Pakistan, Chechnya và Morocco. Sự hiện diện của những đối tượng nước ngoài này ở Marawi là điều thực sự đáng lo ngại đối với giới chức an ninh Philippines.
Thời gian qua, chính phủ một số nước Đông Nam Á đã quan ngại về điều sẽ xảy ra khi các chiến binh IS dạn dày trận mạc từ nước họ quay trở về quê hương trong bối cảnh IS đang mất đất ở Trung Đông. Nay, với sự kiện Marawi, họ càng thêm lo lắng về việc khu vực này trở thành thỏi nam châm thu hút các chiến binh thánh chiến Hồi giáo.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein phát biểu: “Nếu chúng ta khoanh tay, bọn chúng sẽ xác lập được cơ sở trong khu vực”.
Giới chức quân đội Philippines cho biết toàn bộ 4 nhóm Hồi giáo thề trung thành với IS đã gửi chiến binh tới Marawi, với ý đồ biến thành phố này thành một tỉnh của Đông Nam Á dành riêng cho lực lượng Hồi giáo cực đoan.
Trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh ly khai của các phần tử Hồi giáo, đảo lớn Mindanao đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho ý thức hệ IS cắm rễ . Đảo này là nơi nhóm dân cư Hồi giáo chiếm tỷ lệ lớn, riêng thành phố Marawi đại đa số là người Hồi giáo.
Địa thế Philippines nói chung và Mindanao nói riêng có đặc điểm là biển bao quanh tứ phía nên không dễ ngăn các chiến binh Hồi giáo từ các nước như Malaysia và Indonesia xâm nhập qua đường biển, nơi nổi tiếng có nhiều cướp biển.
Phong cách đậm chất IS
Phát ngôn viên quân đội Philippines Trung tá Jo-Ar Herrera cho biết vụ tấn công mở màn của Maute mang đậm dấu ấn của một chiến dịch quân sự chuyên nghiệp. Ông này nói: “Chúng có một kế hoạch tổng thể đánh chiếm toàn bộ Marawi”.
Khi quân đội chính phủ tạm rút trước đối phương mạnh hơn, khoảng 400 chiến binh đã nhanh chóng tỏa ra khắp thành phố, cưỡi xe tải chở súng máy và trang bị súng B-41 cùng tiểu liên loại mạnh.
Sau giai đoạn đầu của chiến sự, cờ IS tung bay trên toàn bộ thành phố. Các tay súng bịt mặt lượn lờ khắp các ngõ phố và tuyên bố Marawi đã thuộc về chúng. Chúng còn dùng loa điện xách tay để kêu gọi các cư dân gia nhập hàng ngũ của Maute. Chúng sẵn sàng cung cấp vũ khí cho những ai theo chúng.
Lực lượng nổi dậy đã san phẳng nhà thờ Công giáo, một cơ sở giáo dục của đạo Tin lành, phá hủy một nhà thờ Hồi giáo Shiite. Chúng cũng chặt đầu bức tượng Jose Rizal, anh hùng Philippines trong phong trào nổi dậy chống lại ách nô dịch của thực dân Tây Ban Nha.
Theo một thông cáo trên một nhóm truyền thông xã hội do các chiến binh Maute sử dụng, nhóm này muốn thanh lọc khỏi Marawi những người Kitô giáo, người Hồi giáo dòng Shiite và người theo đa thần giáo.
Nhóm Maute cũng muốn cấm cá cược, hát karaoke và chuyện “hẹn hò”.
Cho đến ngày 3/6 vẫn còn hơn 2.000 dân thường bị kẹt lại ở trung tâm Marawi, không hề có điện và chỉ còn chút ít nước và thực phẩm. Một số bị kẹt giữa làn đạn của hai bên. Số khác e sợ sẽ bị các chiến binh chặn lại và hành quyết nếu họ bỏ trốn.
Trước đó người ta đã phát hiện được thi thể 8 công nhân bị bắn vào đầu và vứt xuống một hẻm núi ở ngoại ô Marawi.
Thủ lĩnh IS địa phương đầy kinh nghiệm
Vụ tấn công của Maute và đồng minh diễn ra sau khi các lực lượng an ninh Philippines tiến công một hang ổ trong núi của Isnilon Hapilon – một thủ lĩnh lâu năm của nhóm Abu Sayyaf (tiếng Philippines nghĩa là “Cha của Lưỡi Gươm”), nhóm khét tiếng với các vụ bắt cóc và chặt đầu con tin.
Hapilon đã tuyên bố trung thành với IS vào năm 2014 và nhanh chóng “rủ rê” các nhóm Hồi giáo bản địa khác đi theo mình.
Nổi bật nhất trong các nhóm này là nhóm Maute được điều hành bởi anh em Omar và Abdullah Maute xuất thân từ một gia đình tiếng tăm ở Marawi.
Trong một đoạn video đăng tải trên internet năm ngoái, một thủ lĩnh của nhóm này ở Syria đã hối thúc các thành viên của nhóm trong vùng hãy gia nhập hàng ngũ của Hapilon nếu như không có điều kiện sang Trung Đông. Hapilon đã được bổ nhiệm làm thủ lĩnh IS ở Đông Nam Á vào năm 2016.
Quân đội Philippines cho biết Hapilon có thể đã bị thương trong các cuộc bố ráp nhưng y vẫn cố xoay sở để tới được Marawi, nơi y kết bè với nhóm Maute.
Quân đội Philippines mất cảnh giác
Lực lượng quốc phòng Philippines đã bị bất ngờ ở mặt trận Marawi và cho đến nay vẫn gặp khó khăn trong việc giành lại toàn bộ quyền kiểm soát nơi đây. Đến tận ngày 3/6, quân đội Philippines vẫn phải chật vật truy quét các ổ đề kháng của lực lượng Hồi giáo thân IS tại Marawi.
Trước đó Chuẩn tướng Nixon Fortes, lữ đoàn trưởng lữ đoàn đồn trú ở Marawi, đã bị sa thải.
Một nguồn tin quân sự giấu tên nói với Reuters rằng ông Fortes bị sa thải vì tại thời điểm phiến quân bắt đầu nổi loạn, chỉ có một bộ phận binh sĩ của ông ta có mặt trong thành phố, bất chấp việc tình báo quân đội nước này đã thông báo dấu hiệu chiến binh Hồi giáo tập trung lực lượng về đây.
Một số quan chức thú nhận lực lượng quân đội và an ninh Philippines đã tự mãn trước mối đe dọa IS sau các cuộc bố ráp hồi tháng 1/2017.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói với các phóng viên: “Chúng tôi không nhận ra chúng đã lẻn vào Marawi do chúng tôi đang tập trung vào các hang ổ của chúng ở vùng núi”.
Các nguồn tin tình báo Philippines và Indonesia cho biết, trong vài tháng qua, các lực lượng của Hapilon đã mở rộng nhờ vào sự gia nhập của các chiến binh nước ngoài và các tân binh ở ngay Marawi.
Phát ngôn viên quân đội Herrera cho biết nhiều kẻ ở bên ngoài đã tới Marawi dưới vỏ bọc người đi cầu nguyện tại thành phố này vào tháng trước.
Bộ trưởng Lorenzana cho biết, Hapilon đã mang khoảng 50-100 chiến binh gia nhập đội ngũ khoảng 250-300 tên của Maute. Còn hai nhóm khác, là nhóm Các Chiến binh Tự do Hồi giáo Bangsamoro và nhóm Ansar Al-Khilafah Philippines, cùng mang tới đây ít nhất 40 chiến binh nữa.
Khi các lực lượng Philippines bắt hụt Hapilon ở Marawi vào ngày 23/5, các nhóm trên đã đồng loạt tấn công các vị trí bên trong thành phố này.
Trong khi đó, các quan chức Indonesia láng giềng lo ngại rằng kể cả khi Philippines chiếm lại được Marawi trong những ngày tới thì mối đe dọa vẫn còn rất cao.
Một quan chức chống khủng bố của Indonesia nói: “Chúng tôi lo ngại chúng sẽ quay lại đây”. Ông này lưu ý, đảo Mindanao nằm không xa đảo Sulawesi của Indonesia./.
Theo Trung Hiếu/VOV.VN/Reuters