Philippines: Cuộc sống hồi sinh tại nới siêu bão Haiyan đi qua
(Dân trí) - Ngày 8/11, hàng nghìn người Philippines đã tham gia lễ tưởng niệm một năm siêu bão Haiyan quét qua miền Trung nước này, khiến hơn 7300 người thiệt mạng. Dù cuộc sống của người dân tại tâm bão Tacloban còn khó khăn, sự hồi sinh đã thấy rõ.
Đúng 18 giờ giờ địa phương, chuông tại các nhà thờ khắp Philippines đã cùng được rung lên để tưởng nhớ hơn 7300 người đã thiệt mạng trong cơn bão.
Trước đó, tại thành phố Tacloban, nơi tâm bão quét qua, nhiều người dẫn đã tham gia tuần hành trong tiếng còi báo động và chuông nhà thờ vào đúng thời khắc cơn bão đổ bộ.
Haiyan, hay còn được gọi là bão Yolanda tại Philippines, đổ bộ đúng ngày 8/11/2013, gây ra nước biển dâng cao tới 7m, ập vào các làng mạc ven bờ biển miền Trung Philippines.
Hơn 4 triệu người đã bị mất nhà cửa, và đến nay nhiều người vẫn phải trú ẩn trong những ngôi nhà tạm bợ.
Lễ tưởng niệm được tổ chức trong ngày 8/11 tại những khu mộ tập thể, nơi hàng nghìn nạn nhân được chôn cất.
Khi hoàng hôn xuống, hàng nghìn người đã tuần hành qua thành phố trên tay mang theo nến và thánh giá.
Cũng có mặt tại những ngôi mộ, nhiều người đã viết tên người thân bị mất tích lên những cây thánh giá trắng, được dựng lên một cách tượng trưng để cho những nạn nhân vô danh. Có khoảng 2000 người đã được chôn cất mà chưa được nhận dạng.
“Điều quan trọng là chúng ta phải khiến nó trở nên có ý nghĩa, để các thế hệ sau sẽ nhớ đến điều này”, thị trưởng Tacloban Alfred Romualdez nói.
Theo một kế hoạch tổng thể tái thiết các khu vực bị bão tàn phá của chính phủ Philippines, sẽ cần tới 160 tỷ peso (3,6 tỷ USD) để di chuyển 1 triệu người ra khỏi các vùng bờ biển dễ bị tàn phá bởi nước biển dâng do bão. Dù vậy, kế hoạch này hiện đã chậm trễ, do khó khăn trong việc tìm một vùng đất an toàn và phù hợp cho 205.000 căn nhà mới.
Emelie Sagales, 22 tuổi, sau khi sinh con gái Bea Joy hôm 11/11/2013 trong một ngôi nhà bị bão phá hủy. Nay bé Joy đã 1 tuổi và hai mẹ con đang ở trong căn lều tại làng San Jose, Tacloban.
Một con tàu lớn bị sóng đánh lên bờ tại làng Anibong hôm 10/11/2013. Một năm sau, con tàu vẫn còn đó.
Quang cảnh sân bay Tacloban bị phá hủy hôm 9/11/2013 và hiện nay.
Thanh Tùng
Tổng hợp