1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Philippines có thể nhờ Mỹ giúp giám sát vùng đặc quyền kinh tế

(Dân trí) - Một quan chức cấp cao của Philippines nói rằng nước này có thể nhờ Mỹ hỗ trợ trong việc giám sát vùng đặc quyền kinh tế của Manila.

Philippines có thể nhờ Mỹ giúp giám sát vùng đặc quyền kinh tế - 1

Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan đậu tại cảng Philippines hồi tuần trước (Ảnh minh họa: Philstar)

Inquirer dẫn phát biểu ngày 11/8 của phát ngôn viên tổng thống Philippines Salvador Panelo cho biết, Manila hoàn toàn không có gì sai nếu họ tìm kiếm sự trợ giúp từ đồng minh Mỹ trong việc giám sát vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Quan chức này cho rằng đây là một phần của thỏa thuận giữa Mỹ và Philippines, đề cập tới Hiệp ước phòng thủ chung ký kết năm 1951 giữa 2 quốc gia. Văn bản này cho phép 2 nước cùng nhau phát triển năng lực an ninh để chống lại các vụ tấn công bằng vũ trang từ bên ngoài.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 9/8 thừa nhận rằng họ không có đủ năng lực để giám sát toàn bộ các tàu ra vào lãnh hải của họ. Ông gợi ý rằng Mỹ, với hệ thống vệ tinh, có thể làm việc này.

Phát biểu của ông Panelo được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Teodoro Locsin ngày 9/8 khẳng định về việc gửi công hàm ngoại giao phản đối việc Trung Quốc đưa cả 2 tàu khảo sát đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Hai tàu này bị cáo buộc đã có sự hiện diện kéo dài ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Philippines, trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Manila.

Ngoại trưởng Lorenzana nói với hãng tin ANC rằng, giống các quốc gia khác tiến hành nghiên cứu, đưa tàu chiến gần bờ biển Philippines thì Trung Quốc cần phải thông báo trước cho Manila về việc này.

“Chúng tôi phản đối chính phủ Trung Quốc, để cho họ biết rằng chúng tôi biết những gì họ đang làm và hãy nói cho chúng tôi những gì họ đang làm ở đó", ông Lorenzana nói.

Trong phát biểu hôm qua, ông Panelo xác nhận phía Philippines đã gửi công hàm tới Trung Quốc. “Điều quan trọng là chúng tôi đã gửi công hàm phản đối. Giờ thì mọi chuyện phủ thuộc vào cách họ phản ứng ra sao”, ông Panelo cho biết.

Khi được hỏi rằng liệu Philippines có cảm nhận sự chân thành trong tình hữu nghị của Trung Quốc hay không, ông Panelo cho hay Manila chưa rõ liệu Bắc Kinh có biết về việc tàu của họ đã đi qua lãnh hải Philippines hay không. Quan chức này cho rằng đó là lý do để Manila trao công hàm phản đối để Trung Quốc biết về những gì xảy ra nếu họ chưa nắm được.

Đức Hoàng

Theo Inquirer, Philstar