Phiến quân thừa nhận Mỹ bơm thêm tên lửa TOW
Theo chỉ huy của nhóm Maghawir al-Thawra do Lầu Năm Góc hậu thuẫn, lực lượng này vừa nhận được lô vũ khí mới từ Mỹ, trong đó có cả tên lửa TOW.
Đầy ắp TOW
Thông tin này được Reuters dẫn nguồn tin tại Syria cho biết, lực lượng phiến quân đối lập tại Syria nói Mỹ và đồng minh đang gửi đến cho họ thêm nhiều phương tiện quân sự và vũ khí chống tăng.
Một số nhóm phiến quân nổi dậy mới đây đã tiết lộ, họ đang nhận được hỗ trợ quân sự qua 2 kênh khác nhau bao gồm chương trình viện trợ quân sự của Mỹ và từ các quốc gia trong khu vực như Jordan, Ả-Rập Saudi.
Chỉ huy Tlass Salameh của nhóm phiến quân Jaish Usoud al-Sharqiya, trực thuộc liên minh Quân đội Tự do Syria (FSA) cho biết: "Có một sự tăng cường hỗ trợ mạnh mẽ. Không bao giờ chúng tôi để cho lực lượng của Iran chiếm được đường cao tốc Baghdad – Damascus".
"Chúng tôi đã nhận được nhiều TOW trong những ngày qua... Kho của chúng tôi đầy ắp sau mỗi đợt giao hàng", chỉ huy nhóm FSA xác nhận.
Cùng với đó, một chỉ huy của nhóm Maghawir al-Thawra do Lầu Năm Góc chống lưng cũng tiết lộ rằng, dòng vận chuyển vũ khí đang đến đều đặn tới căn cứ của lực lượng này gần biên giới với Iraq, trong đó bao gồm cả tên lửa chống tăng TOW và xe bọc thép.
Trước sự thừa nhận của các nhóm phiến quân, trong một bức thư trả lời hãng tin Reuters về vấn đề này, đại diện liên quân chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu, ông Ryan Dillon không bình luận gì về việc cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy.
Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng những hành động ngăn cản quân đội chính phủ Syria và đồng minh Iran được thực hiện nhằm hạn chế lực lượng này tiến gần tới các vị trí có liên quân đa quốc gia xuất hiện.
Được biết, tên lửa chống tăng BGM-71 TOW đã được Mỹ cấp cho FSA từ năm 2013. Tại thời điểm đó khi tình hình Syria đang "ngàn cân treo sợi tóc", CIA đã bắt đầu cung cấp BGM-71 TOW và nhiều vũ khí khác cho lực lượng này.
Theo Washington Post, cấp vũ khí cho phe đối lập Syria, Mỹ hi vọng rằng lực lượng này có thể thúc đẩy sức mạnh của các chiến binh lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc xung đột kéo dài tại quốc gia Trung Đông này.
Syria trả giá
Xe tăng là phương tiện tấn công chủ lực trên chiến trường, nhưng các đơn vị quân đội Syria thường sử dụng xe tăng như phương tiện hỏa lực đi cùng, thường hay dừng bắn trên địa hình trống trải hoặc co cụm lại trong một khu vực không có che chắn hay ngụy trang, không có phương tiện cảnh giới, trinh sát.
Với cách đánh này, không xe tăng hiện đại nào có thể chống lại các đòn tấn công của vũ khí chống tăng. Ngay khi quân đội Syria bắt đầu mở chiến dịch phản công với sự yểm trợ của chiến đấu cơ Nga, truyền thông phương Tây đã công bố nhiều video ghi lại cảnh quân nổi dậy dùng tên lửa TOW tấn công các xe tăng T-72 và xe quân sự của quân đội chính phủ.
Phe nổi dậy khẳng định trong ngày đầu tiên (7/10/2015) đã phá hủy 24 xe tăng T-72 và một số xe chiến đấu, tất cả đều thuộc lực lượng quân đội chính phủ Syria. Kể từ đó đến nay, nhiều tăng T-72 và T-62 tiếp tục bị phá hủy hoặc bị loại khỏi vòng chiến đấu vì bị TOW đánh trúng.
Gần đây nhất TOW tham chiến trong chiến tranh Iraq của Quân đội Mỹ, nhưng nó thường được sử dụng như hỏa lực hỗ trợ nhằm tiêu diệt các căn cứ phiến quân hơn là mục tiêu bọc thép (một phần vì phiến quân ở Iraq không có xe bọc thép).
Sự xuất hiện của tên lửa này được coi là cơn ác mộng với lực lượng tăng thiết giáp tại những chiến trường nó góp mặt. Cụ thể, trong cuộc chiến vùng Vịnh 1991, nhiều trận đấu tăng nổi tiếng đã xảy ra, như trận 73 Easting với một bên là liên quân Mỹ-Anh (gồm Trung đoàn Kỵ binh thiết giáp 2) với bên kia là tăng - thiết giáp Vệ binh Cộng hòa Iraq (trang bị xe tăng T-72).
Trong vòng chưa đầy 1 giờ, tuyến phòng ngự phía Iraq đã bị "dọn dẹp sạch sẽ". Cuộc phản công sau đó của Iraq cũng nhận kết cục tương tự, với 120 xe tăng – thiết giáp bị phá hủy và hơn 600 binh lính bị loại khỏi vòng chiến đấu.
Clip tên lửa TOW tấn công tăng T-72 của quân đội Syria:
Theo Mỹ Đức
Đất Việt