1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

"Phía sau" quyết định phá huỷ vệ tinh do thám của Mỹ

(Dân trí) - Ngày 14/2, Mỹ tuyên bố sẽ phá huỷ tên lửa vệ tinh do thám mà họ đã mất kiểm soát từ tháng 12/2007, với lý do tránh cho Trái Đất một thảm hoạ ô nhiễm nặng. Nhưng theo các chuyên gia phân tích, quyết định này mang động cơ chiến lược hơn là sinh thái.

Ngày 14/2, Tổng thống Bush đã đồng ý với bộ tham mưu Lầu Năm Góc quyết định phá huỷ bằng tên lửa vệ tinh do thám đã mất khả năng kiểm soát, sắp văng xuống trái đất và đe doạ gây ô nhiễm. Tướng James Cartwright, Phó tổng tham mưu trưởng nhận xét, đây là quyết định giống như trong phim của Hollywood nhưng thực sự nghiêm túc.

 

Cửa bắn sẽ mở cửa trong 3-4 ngày kể từ khi tàu chiến chở tên lửa chiến thuật của Hải quân Mỹ đậu trong Thái Bình Dương và chỉ đóng lại trong 7-8 ngày sau để phòng khi cần thiết phải tiến hành bắn tiếp lần 2. Có thể thời gian không còn nhiều, bởi theo các nhà khoa học Mỹ, nếu không có bất kỳ can thiệp nào, vệ tinh nặng 2,3 tấn sẽ văng vào trái đất ngày 6/3. Bình dự trữ nhiên liệu của vệ tinh do thám chứa 500kg khí hydrazin, cực kỳ độc hại, có khả năng làm tê liệt hệ thống thần kinh và gây chết người nếu hít phải nhiều.

 

Nếu vệ tinh bị phá huỷ khi đi vào khí quyển, đám mây chất độc do nó phát ra có thể bao phủ diện tích lớn gấp hai lần sân bóng đá. Tên lửa sẽ phải phá huỷ vệ tinh trước khi nó đi vào khí quyền, làm tăng nhiệt độ để phá huỷ tất cả những mảnh vớ nhỏ nhất, làm phân huỷ hoàn toàn khí hydrazin. 

 

Theo ông Fernand Alby, chuyên gia lĩnh vực mảnh vỡ không gian và giám sát vũ trụ thuộc Trung tâm nghiên cứu không gian của Pháp, việc dùng tên lửa bắn hạ vệ tinh là không cần thiết, tốt nhất là để nó rơi tự do để tránh phát tán mảnh vỡ trên quỹ đạo. Khi vệ tinh bị rơi trở lại Trái đất và đi qua khí quyển, va chạm có thể làm cho nó tan rã thành mảnh nhỏ và phá huỷ khí hydrazin, do chất khí này không ổn định, phân huỷ rất nhanh dưới tác dụng của nhiệt độ và tia cực tím, chuyển thành khí gaz vô hại.

 

Ông Fernand Alby khẳng định: “Ngay cả khi vệ tinh của Mỹ bị phá huỷ ở quỹ quỹ đạo thấp và hầu hết cả mảnh vỡ bị khí quyển làm vỡ, cũng nên tránh các chiến dịch kiểu này trong tương lai”. Ví dụ như vệ tinh Trung Quốc bị phá huỷ ở quỹ đạo 850 km đã để lại 150.000 mảnh vỡ bay quanh Trái đất trong nhiều thế kỷ tới.

 

Tuy nhiên, có thể đằng sau vụ phá huỷ này còn mang những động cơ khác. Ngay cả khi Lầu Năm Góc cải chính nhưng dường như nước Mỹ lo ngại một số cấu tạo tối mật của vệ tinh không bị phá huỷ hoàn toàn sẽ rơi vào tay một số quốc gia không hữu hảo. Cũng có thể Mỹ muốn tái khẳng định sức mạnh của họ trong lĩnh vực quân sự cũng như là chinh phục không gian. Đây là là lần đầu tiên Mỹ tiến hành phá huỷ vệ tinh, cho dù khả năng phòng vệ chống tên lửa của họ dự báo có khả năng đánh chặn tên lửa trong không gian.

 

Một số người cho rằng, vụ phá huỷ này của Mỹ là nhằm cho Trung Quốc thấy khả năng quân sự của họ. Washington không mấy thiện cảm với việc Trung Quốc ngày càng lớn mạnh về tiềm lực quân sự. Tháng 1/2007, Bắc Kinh đã thành công trong việc dùng tên lửa phá huỷ vệ tinh. Đây có thể được ví như một câu trả lời mà Washington dành cho Bắc Kinh cho dù phát ngôn viên Sean McCormackcủa Bộ ngoại giao Mỹ tuyên bố, vụ bắn huỷ vệ tinh của Trung Quốc hoàn toàn nhằm thử nghiệm khả năng phá huỷ vệ tinh trong khi nhiệm vụ của Mỹ là cố gắng bảo vệ người dân sống trên mặt đất.

 

Những năm gần đây, nhiều vệ tinh do thám đã đi chệch khỏi quỹ đạo. Tháng 1/1978, một vệ tinh do thám của Liên Xô (Cosmos 954) mang một lò phản ứng hạt nhân đã nổ tung trên miền bắc Canada. Một vệ tinh khác, Cosmos 1402 cũng nổ tung trong khí quyển tháng 2/1983 trên Ấn Độ Dương nhưng các dấu vết của chất plutonium mà vệ tinh này có được phát hiện trong tuyết rơi trên vùng Arkansas, nam nước Mỹ.

 

Lý do nữa khiến Mỹ muốn phá huỷ vệ tinh này là các gương làm bằng chất berylium lắp bên hông vệ tinh rơi xuống trái đất do không bị phá huỷ khi đi vào khí quyển. Berylium có thể chịu được nhiệt độ 18000C và độc hại giống như bụi amiante. Mỹ dự định bắn phá vệ tinh ở độ cao 200km, nơi có bầu khí quyển khá dày. Những miếng vỡ từ vụ va chạm sẽ bị khí quyển ngăn lại không thể bắn lên cao, khác với vụ phá huỷ vệ tinh của Trung Quốc (độ cao 850km, một số mảnh vỡ đã bắn lên đến độ cao 4.000km).

 

Ông Pircher nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải đảm bảo an toàn cho các thiết bị làm việc trên quỹ đạo, trong đó có Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) ở độ cao 340km. Bộ chỉ huy phòng vệ hàng không- không gian Bắc Mỹ (Norad) sẽ theo dõi tất cả các mảnh vỡ có bán kính hơn 10cm và cảnh báo các thiết bị trên khi có nguy cơ xảy ra va chạm”. Ngày 15/2, chính phủ Ba Lan ra lệnh đặt quân đội trong tình trạng báo động phòng trường hợp các mảnh vỡ của vệ tinh sau khi bị tên lửa phá huỷ sẽ rơi xuống nước này.

 

Trước quyết định phá huỷ vệ tinh của Washington, ngày 17/2, Mátxcơva lên tiếng bày tỏ lo ngại chính phủ Mỹ lợi dụng vụ bắn huỷ này để thử nghiệm vũ khí trong dự án tấm lá chắn chống tên lửa. Lầu Năm Góc xúc tiến các vụ thử nghiệm một loại vũ khí chống vệ tinh dưới vỏ bọc của các cuộc thảo luận về nguy cơ do vệ tinh này gây ra. Nhưng trên thực tế, những vụ thử như vậy là nhằm tạo ra một loại vũ khí chiến lược mới vì tên lửa dùng để bắn phá được trang bị kỹ thuật kính đo xa, không cần thiết cho việc phá huỷ vệ tinh mà cho phép thử nghiệm các tên lửa đánh chặn. Trong thời gian dài, Mỹ đã từ chối tham gia các cuộc thượng lượng về cấm chạy đua vũ trang trong không gian.

 

Ngọc Nhàn

Tổng hợp

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm