Phi cơ năng lượng mặt trời lần đầu bay xuyên lục địa
(Dân trí) - Máy bay năng lượng mặt trời (Solar Impulse) do Thụy Sĩ chế tạo hôm nay đã thực hiện chuyến bay xuyên lục địa đầu tiên, cất cánh từ châu Âu và hạ cánh xuống châu Phi.
Solar Impulse có sải cánh 63,4m, ngang với sải cánh của máy bay Airbus A340.
Solar Impulse đã cất cánh từ Madrid, Tây Ban Nha và dự kiến sẽ hạ cánh xuống thủ đô Rabat của Marốc lúc 11 giờ đêm nay giờ địa phương. Đây là chuyến bay xuyên lục địa đầu tiên do một máy bay hoạt động bằng năng lượng mặt trời thực hiện.
Bernard Piccard, 54 tuổi, một chuyên gia về bệnh tâm thần và nhà khí cầu học người Thuỵ Sĩ, vốn nổi tiếng với chuyến bay bằng khí cầu vòng quanh thế giới không nghỉ vào năm 1999, đã thực hiện chuyến bay cùng nhà sáng chế Solar Impulse, Andre Borschberg.
Các nhà tổ chức cho hay cuộc hành trình kéo dài 2.500 km được thực hiện nhân dịp khởi công nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới tại vùng Ouarzazate, miền nam Marốc.
Chuyến đi này cũng để chuẩn bị cho chuyến hành trình vòng quanh thế giới của Solar Impulse, dự kiến diễn ra năm 2014.
Solar Impulse, được “trình làng” tháng 6/2009, đã gây chú ý vào tháng 7/2010 khi lập kỷ lục cho chuyến bay dài nhất mà một máy bay có người lái hoạt động bằng năng lượng mặt trời thực hiện được khi nó bay biệng trên bầu trời Thuỵ Sĩ suốt 26 giờ ở độ cao tới 9.235m.
Solar Impulse, với sải cánh 63,4m, ngang với sải cánh của chiếc Airbus A340, và nặng khoảng 1,6 tấn. Nó hoạt động nhờ 4 động cơ điện được nạp bằng năng lượng sản sinh từ 12.000 tế bào quang điện lắp trên 2 cánh và được dự trữ trong các pin trên máy bay.
An Bình
Theo AFP