Phe nổi dậy Myanmar tuyên bố kiểm soát vùng chiến lược sát Thái Lan
(Dân trí) - Lực lượng nổi dậy Myanmar cho biết đã kiểm soát một khu vực gần với biên giới Thái Lan.
Reuters đưa tin, khoảng 200 quân nhân Myanmar đã rút lui đến một cây cầu dẫn sang Thái Lan hôm 11/4 sau cuộc tấn công kéo dài nhiều ngày của lực lượng nổi dậy.
Phe nổi dậy sau đó tuyên bố đã giành quyền kiểm soát thị trấn biên giới quan trọng Myawaddy gần Thái Lan.
Chính phủ do quân đội điều hành của Myanmar đang phải đối mặt với các đợt tấn công của quân nổi dậy trên nhiều khu vực kể từ tháng 10 năm ngoái.
Kyaw Zaw, người phát ngôn của tổ chức Chính phủ Thống nhất Quốc gia Myanmar (KNU), nói với Reuters: "Hôm nay lực lượng do KNU lãnh đạo đã chiếm được căn cứ quân sự còn lại ở Myawaddy".
KNU là tổ chức được lập nên bởi các nghị sĩ Myanmar bị phế truất trong cuộc đảo chính quân sự năm 2021. Sau sự kiện đó, một phong trào nổi dậy đã diễn ra với sự tham gia của nhiều nhóm dân tộc thiểu số chống lại quân đội Myanmar.
"Đây là một chiến thắng quan trọng cho chúng tôi vì Myawaddy là một thị trấn biên giới quan trọng đối với chính quyền quân sự, một trong những nguồn thu nhập chính từ thương mại ở khu vực biên giới", người phát ngôn Kyaw Zaw cho biết.
Quân đội Myanmar chưa bình luận về thông tin này.
Saw Taw Nee, người phát ngôn của Liên minh Quốc gia Karen, một nhóm chống quân đội dẫn đầu cuộc tấn công vào Myawaddy, cho biết hôm 11/4 rằng, khoảng 200 binh sĩ Myanmar chạy trốn đã tập trung tại một cửa khẩu biên giới sang Thái Lan.
Hãng tin Khit Thit cho biết chính quyền Thái Lan đang trao đổi với các binh sĩ để quyết định xem có cho họ tị nạn hay không.
Cuộc tấn công vào Myawaddy bắt đầu vào tuần trước sau khi phe nổi dậy cho biết họ đã tấn công một cơ sở quân sự gần thị trấn, buộc khoảng 500 thành viên lực lượng an ninh Myanmar cùng với gia đình họ phải đầu hàng.
Reuters đưa tin, trong thời gian qua, quân đội đã mất quyền kiểm soát các khu vực dọc biên giới Myanmar với Bangladesh, Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời bị tổn thất đáng kể về nhân lực.
Trong khi đó, quân đội Thái Lan những ngày qua đã tăng cường an ninh ở khu vực biên giới, sử dụng xe quân đội được trang bị súng máy gắn trên nóc xe.
Giới chức Thái Lan cho biết họ vẫn giữ quan điểm trung lập trong cuộc xung đột ở Myanmar và có thể tiếp nhận tới 100.000 người phải di dời do tình trạng hỗn loạn.
Theo nhóm xã hội dân sự Mạng lưới Hỗ trợ Hòa bình Karen, ít nhất 2.000 người đã phải di tản ở Myanmar do đợt giao tranh mới nhất giữa phe nổi dậy và quân đội.