1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phe ly khai ra điều kiện mở cửa hiện trường MH17 rơi

(Dân trí) - Những người ly khai thân Nga tại miền Đông Ukraine đã phớt lờ áp lực từ cộng đồng quốc tế khi tuyên bố trong ngày 20/7 rằng, sẽ chỉ để các quan sát viên quốc tế tiếp cận hiện trường nơi chuyến bay MH17 rơi nếu Kiev đồng ý ngừng bắn.

Các tay súng ly khai tại Ukraine luôn hạn chế các quan sát viên quốc tế tiếp cận hiện trường
Các tay súng ly khai tại Ukraine luôn hạn chế các quan sát viên quốc tế tiếp cận hiện trường

Các điều khoản ngặt nghèo được đưa ra giữa lúc cộng đồng quốc tế ngày càng bất bình trước việc Nga không thể gây áp lực, để buộc những người ly khai tại Đông Ukraine mở đường vào hiện trường nơi chuyến bay mang theo 298 nạn nhân bị trúng tên lửa.

Cho đến nay, các phần tử ly khai kiểm soát miền Đông Ukraine chỉ cho phép một nhóm gồm 30 thành viên của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đi lại một cách hạn chế tại hiện trường.

Nga đang bị Ukraine cáo buộc hỗ trợ những tay súng ly khai che giấu và phá hủy những bằng chứng thiết yếu, có thể chứng minh sự liên quan của họ đối với vụ bắn hạ chiếc Boeing 777 của Malaysia Airline hôm thứ Năm.

Đáp lại giới chức Nga và truyền thông nhà nước của nước này cho rằng, các lãnh đạo mới của Kiev đã giàn dựng vụ tấn công để đổ lỗi cho phe nổi dậy, qua đó thuyết phục phương Tây triển khai binh sỹ và giúp đóng cửa tuyến biên giới lỏng lẻo của Ukraine với Nga.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã khẳng định với người đồng cấp phía Nga Sergei Lavrov rằng, Washington “quan ngại sâu sắc” trước việc các thanh sát viên bị từ chối “tiếp cận đầy đủ” các mảnh vỡ của MH17.

Trong khi đó, thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết đã hối thúc Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc điện đàm “rất căng thẳng” về việc “nhận trách nhiệm” tiến hành một cuộc điều tra đáng tin cậy.

Mátxcơva đã đưa ra một tuyên bố ngắn gọn sau cuộc đối thoại của ông Kerry với Lavrov, kêu gọi “các bằng chứng quan trọng, bao gồm hộp đen máy bay” được chuyển giao cho các điều tra viên quốc tế, để họ có thể khởi động một cuộc điều tra độc lập.

Tuy nhiên, Putin phủ nhận mạnh mẽ việc có bất kỳ sự kiểm soát nào với những tay súng ly khai, còn một lãnh đạo của phe nổi dậy đã gửi một bức thư điện tử tới báo giới trong ngày 20/7, nêu ra các điều kiện để các điều tra viên quốc tế có thể tiếp cận hiện trường một cách không bị cản trở. Tuy vậy, những điều kiện này đã bị Kiev bác bỏ từ nhiều tuần nay.

“Chúng tôi tuyên bố sẽ đảm bảo sự an toàn cho các chuyên gia quốc tế tại hiện trường ngay khi Kiev đồng ý ký thỏa thuận ngừng bắn”, phó thủ tướng của nước cộng hòa nhân dân Donetsk tự phong viết.

Bức thư của phe ly khai còn sử dụng những từ ngữ hùng hồn, khi tuyên bố, nếu Kiev không chấp nhận thỏa thuận, nó sẽ tạo ra ấn tượng rằng chính phủ được hình thành từ “những kẻ điên rồ, khát máu nguy hiểm”.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trước đó đã tuyên bố từ chối một lệnh ngừng bắn mới cho tới khi những người ly khai buông vũ khí.

Trong ngày thứ Bảy, ông Poroshenko dành phần lớn thời gian để hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới xem các tay súng ly khai như một tổ chức khủng bố, cần phải bị xét xử tại Tòa hình sự quốc tế.

Phát biểu với Tổng thống Pháp Francois Hollande, ông Poroshenko cho rằng việc MH17 bị bắn hạ không khác hành động khủng bố diễn ra tại Mỹ năm 2001.

“Chúng tôi không thấy có sự khác nhau nào giữa các sự kiện diễn ra tại Ukraine và những gì xảy ra ngày 11/9 tại Mỹ, hoặc thảm kịch Lockerbie tai Scotland”, Poroshenko tuyên bố.

Thanh Tùng
Theo AFP