1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Phát triển thành công trái tim nhân tạo đầy đủ đầu tiên

(Dân trí) - Một nhóm các nhà nghiên cứu của Pháp mới đây công bố đã phát triển được một trái tim nhân tạo đầy đủ giống như trái tim thật, mang lại hi vọng mới cho hàng trăm ngàn người mắc bệnh tim.

Xem video quả tim nhân tạo

 

Nhóm các nhà nghiên cứu do bác sỹ Alain Carpentier, bác sỹ phẫu thuật tim nổi tiếng của Pháp, đã “trình làng” nguyên mẫu quả tim nhân tạo trên trong một cuộc họp báo vào hôm thứ hai vừa qua tại Paris. Được biết Carpentier cùng nhóm đã nghiên cứu suốt 15 năm qua cho dự án này.

 

“Quả tìm nhân tạo đầy đủ này là quả tim đầu tiên được làm từ các mô sinh học tổng hợp”, Patrick Coulombier, phó giám đốc điều hành của công ty Carmat, công ty phát triển quả tim trên cho biết. Các mô sinh học tổng hợp được lấy từ mô động vật, và có ít khả năng bị cơ thể được cấy ghép quả tim từ chối hơn.

 

Công ty Carmat do Carpentier và công ty Bảo vệ hàng không và vũ trụ châu Âu (EADS) sáng lập, chuyên phát triển và bán các máy bay quân, dân sự, cũng như tên lửa, vệ tinh. Công ty dự định sẽ chế tạo 15 quả tim mới được phát triển trên. Các cuộc thử nghiệm đầu tiên trên người dự tính được bắt đầu trong 2, 3 năm tới, sau khi được các nhà chức trách Pháp cho phép.

 

Kể từ những năm 1980, rất nhiều dự án phát triển tim nhân tạo đã ra đời. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh nhân được lắp vật thay thế tâm thất trong khi chờ đợi tiến hành cấy ghép tim. Nhưng có vẻ như không có ca nào thành công trong việc đối phó với những vấn đề phức tạp, lâu dài, như nhiễm trùng và đặc biệt là vấn đề tắc nghẽn mạch máu.

 

Với quả tim mới phát triển, nhóm các nhà nghiên cứu Pháp hi vọng sẽ không có hiện tượng tắc nghẽn mạch máu.

 

Tuy nhiên, nguồn năng lượng để duy trì trái tim nhân tạo vẫn còn là một vấn đề lớn. Theo Carmat, pin dùng để chạy trái tim chỉ có đủ năng lượng cho nó hoạt động từ 5-16 tiếng. Sau đó, nó cần phải được nạp lại, nếu không trái tim nhân tạo sẽ ngừng đập. Hiện nhóm đang nghiên cứu hai lựa chọn không cần đến dây dẫn chạy qua da, để tránh nguy cơ xảy ra nhiễm trùng.

 

Các chuyên gia về tim mạch cũng cảnh báo vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra kết luận, vì các thử nghiệm trên người đối với trái tim nhân tạo trước kia đều thất bại.

 

Phan Anh

Theo BBC, ABC