Phát triển thành công tế bào da thành tế bào gốc
(Dân trí) - Các nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản vừa đạt được một bước đột phá mới, khi tái tạo lại được tế bào da người thành tế bào giống với tế bào phôi gốc, có khả năng phát triển thành bất kỳ loại mô nào trong cơ thể.
Những thành tựu trên được các nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản công bố trên tạp chí Khoa học và Tế bào.
Đây là bước đột phá hứa hẹn sẽ tạo ra một nguồn cung cấp tế bào mới dồi dào để dùng nghiên cứu chữa trị nhiều loại bệnh khác nhau. Đặc biệt hơn, các nghiên cứu chữa trị bệnh giờ sẽ không còn phải phụ thuộc vào các tế bào lấy từ mầm phôi của con người, điều hiện vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi.
Hiện nay chỉ có những tế bào được lấy từ phôi người mới được cho là có khả năng vô hạn phát triển thành bất kỳ tế bào nào trong tổng số 220 loại tế bào trong cơ thể con người. Tuy nhiên, nhiều người lại phản đối việc phát triển này bởi lý do đạo đức. Ở Mỹ chỉ một số tế bào phôi gốc mới được phép sử dụng để nghiên cứu.
Trong nghiên cứu đột phá trên, các nhà khoa học Nhật Bản đã sử dụng một hỗn hợp hóa học chứa 4 protein quy định gene để chuyển nguyên bào sợi người trưởng thành, các tế bào da dễ hấp thụ và phát triển, thành dạng được gọi là “đa năng”.
Các tế bào được tạo ra tương tự, chứ không hoàn toàn giống, với các tế bào phôi gốc. Sau đó các nhà nghiên cứu đã dùng chúng để phát triển thành mô não và mô tim. Sau 12 ngày các mô này phát triển giống như các mô cơ tim và bắt đầu đập.
Nhóm các nhà nghiên cứu Mỹ tại trường Đại học Wisconsin-Madison cũng cho ra kết quả tương tự, tạo ra được 8 dòng tế bào gốc mới để có thể dùng cho nghiên cứu.
Với nghiên cứu đột phá về tế bào da trên, việc chữa trị bệnh có thể cá thể hóa, giảm thiểu nguy cơ bị từ chối tiếp nhận tế bào mới. Với công nghệ mới này, các nhà khoa học cũng không cần tạo tế bào phôi ở trong phòng thí nghiệm nữa. Ngoài ra, công nghệ mới đơn giảm và chính xác hơn công nghệ nhân bản vô tính hiện tại.
Giáo sư Ian Wilmut, thuộc trường Đại học Edinburgh, người đã dẫn dắt nhóm nhà khoa học nhân bản thành công cừu Dolly nổi tiếng năm 1996, đánh giá nghiên cứu mới là một bước tiến vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng cần phải tiến hành nghiên cứu thêm để hoàn thiện công nghệ và đảm bảo công nghệ mới này an toàn tuyệt đối.
Trang Thu
Theo BBC