1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phát hiện nước tồn tại trên hành tinh ngoài hệ mặt trời

(Dân trí) - Một nhà thiên văn học người Mỹ hôm qua cho biết đã tìm thấy dấu hiệu có nước tồn tại trên một hành tinh nằm ngoài hệ mặt trời. Đây là phát hiện quan trọng, khích lệ các nhà khoa học tiếp tục tìm kiếm sự sống ở bên ngoài trái đất.

Travis Barman, nhà thiên văn học làm việc ở Đài quan sát Lowell Observatory, Flagstaff, Arizona, cho biết, ông đã phát hiện thấy hơi nước ở trong bầu khí quyển của một hành tinh giống như sao Mộc. Hành tinh này nằm trong chòm sao Thi mã, cách trái đất 150 năm ánh sáng và được giới khoa học đặt tên là HD 209458b.

 

Tuy nhiên, hồi tháng 2, các nhà khoa học khác lại thông báo họ không thể tìm thấy bằng chứng có nước tồn tại trên bầu khí quyển của hành tinh này cũng như một hành tinh giống sao Mộc khác.

 

Còn nhà thiên văn học Barman lại chắc chắn: “Tôi rất tin tưởng. Đó thực sự là một tin tốt lành bởi nước đã được dự đoán tồn tại trong bầu khí quyển của hành tinh này và nhiều hành tinh khác.”

 

Đài quan sát Lowell cũng đã thông báo phát hiện trên. Họ cho biết phát đã được chấp nhận cho xuất bản trên tạp chí Vật lý học thiên thể. Và công trình nghiên cứu này được NASA hỗ trợ.

 

Theo giới thiên văn, có thể tìm thấy sự tồn tại của hơi nước trên bầu khí quyển của hành tinh HD 209458b, bởi từ vị trí quan sát thuận lợi của trái đất, có thể thấy hành tinh này quay quanh quỹ đạo ngôi sao ngay trước nó 3 ngày rưỡi.

 

Các nhà khoa học tìm kiếm dấu hiệu của sự sống bên ngoài trái đất rất muốn biết về sự tồn tại của nước trên các hành tinh khác, cả trong và ngoài hệ mặt trời, do nước được xem là dấu hiệu cơ bản đầu tiên cho thấy tồn tại của sự sống.

 

Tuy nhiên nhà thiên văn học Barman lại chỉ ra rằng các hành tinh giống như sao Mộc rất khó có sự tồn tại của sự sống, và việc phát hiện ra hơi nước trong bầu khí quyển của hành tinh đó không phải là lời giải cho câu hỏi về sự tồn tại của sự sống ngoài trái đất.

 

PV

Theo AP