1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phát hiện manh mối mới về nguyên nhân cái chết của Beethoven

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Phân tích DNA đã phần nào chỉ ra nguyên nhân cái chết của thiên tài âm nhạc người Đức Ludwig van Beethoven.

Phát hiện manh mối mới về nguyên nhân cái chết của Beethoven - 1
Nhà soạn nhạc thiên tài người Đức Ludwig van Beethoven (Ảnh: Wikipedia).

Một báo cáo khoa học đăng tải trên tạp chí Current Biology ngày 23/3 đã mổ xẻ nguyên nhân về cái chết của nhà soạn nhạc vĩ đại người đức Ludwig van Beethoven.

Dựa trên những phân tích gen phức tạp từ mẫu tóc của nhà soạn nhạc, các nhà khoa học cho biết Beethoven đã mắc phải một số bệnh lý nghiêm trọng trước khi qua đời năm 1827. Theo đó, bệnh viêm gan B do yếu tố di truyền cùng với việc uống quá nhiều rượu có thể là yếu tố chính dẫn đến cái chết của Beethoven.

Ngoài ra, các nhà khoa học tiết lộ họ đã tìm thấy bằng chứng về các vấn đề với bộ máy tiêu hóa của Beethoven. Đây là vấn đề mà thiên tài âm nhạc người Đức đã thường xuyên phàn nàn trong những năm cuối đời.

Ngoài những bệnh lý trên, Beethoven còn được cho là đã gặp vấn đề nghiêm trọng với thính giác trước khi bị điếc hoàn toàn ở tuổi 44.

"Trong trường hợp của Beethoven, những vấn đề bệnh lý đã có ảnh hưởng tới khả năng sáng tạo của ông ấy. Với giới nghiên cứu, các bệnh lý của nhà soạn nhạc từng là một bí ẩn mà chúng tôi luôn muốn khám phá", nhà sinh học Axel Schimdt, thành viên của công trình nghiên cứu, chia sẻ.

Phát hiện manh mối mới về nguyên nhân cái chết của Beethoven - 2

Phần mộ của nhà soạn nhạc Beethoven tại nghĩa trang trung tâm ở thủ đô Vienna, Áo (Ảnh: Wikimedia).

Ludwig van Beethoven (1770-1827) là nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức. Từ nhỏ, ông đã được cha mình dạy đàn clavico, sau đó là những bài luyện tập trên các cây đàn violin, piano, và organ. Được tiếp xúc sớm với âm nhạc, Beethoven đã bộc lộ một năng khiếu tuyệt vời và được coi là nhạc sĩ nổi danh nhất kể từ thời Mozart khi còn rất trẻ.

Trong sự nghiệp lẫy lừng của mình, ông đã cống hiến cho nền âm nhạc cổ điển một kho tàng tác phẩm, được coi là di sản của nhân loại. Trong số đó, Bản giao hưởng số 9 là tác phẩm được trình diễn thường xuyên nhất và đã được đưa vào Danh sách Di sản phi vật thể thế giới của UNESCO.

Đặc biệt, nhiều tác phẩm tuyệt vời của Beethoven được ra đời sau khi ông gặp vấn đề về thính lực. Một số trợ lý của Beethoven từng kể lại rằng khi thính giác của ông trở nên kém hẳn, Beethoven đã sáng tác bằng cách ngồi bên cây đàn piano, đặt một cây bút chì vào miệng, chạm đầu kia của nó vào bảng âm của cây đàn để cảm nhận độ rung của từng nốt nhạc.

Trong suốt những năm cuối đời, Beethoven đã sáng tác âm nhạc bằng trí nhớ, cảm xúc và trí tưởng tượng. Bên cạnh đó, Beethoven còn biểu diễn, chỉ huy dàn nhạc mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào đôi tai.

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm