1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phát hiện kho báu mới trong Thung lũng các Pharaông

84 năm qua, kể từ ngày phát hiện mộ phần của vua Tutankhamun, nhiều người tin rằng khó moi được gì thêm ở Thung lũng các Pharaông (vua Ai Cập). Nào ngờ...

Việc một nhóm nhà khảo cổ Mỹ thuộc Trường Đại học Memphis tình cờ phát hiện một mộ phần mới chưa có dấu chân người chỉ cách mộ vua Tutankhamun 5 mét hồi đầu tháng 2 này là một sự kiện lớn và bất ngờ trong ngành Ai Cập học. Danh tính những người trong mộ chưa được xác định bởi nhà cầm quyền Ai Cập hiện đang đóng cửa mộ để làm vệ sinh và nghiên cứu. Các nhà báo chỉ được phép ngó qua bên trong mộ phần vào ngày 10/2. Những gì được mô tả như trên báo thật là thú vị.

Bay chín tầng mây

Theo tường thuật của phóng viên hãng tin AP, việc phát hiện mộ mới - một kho báu thật sự – bắt đầu từ một công việc hằng ngày không có gì là đặc biệt: khai quật những túp lều của công nhân xây mộ vua Amenmeses, Pharaông thứ 19, gần mộ Tutankhamun. Nhóm khảo cổ Mỹ đã nghiên cứu và khai quật mộ Amenmeses từ năm 1992 đến nay.

Alister Dickey, 25 tuổi, thành viên trẻ nhất trong nhóm, kể lại: “Chúng tôi đang khai quật những túp lều của thợ sơn và thợ trang trí các mộ vua thì phát hiện một chỗ mềm khác thường trên một vách đá cứng. Đào sâu thêm phát hiện một lỗ thông hơi dài 5 mét, rộng 30 cm, ăn thông với một căn phòng nhỏ nằm sâu trong lòng đất. Sau nửa tiếng đào bới, chúng tôi tiến đến sát cửa phòng quan sát những vật chứa bên trong. Cảm giác của chúng tôi là bay lên chín tầng mây. Một kho báu thật sự!”. Alister xúc động nói: “Tôi thật có phước. Rất ít nhà khảo cổ có được diễm phúc như tôi. Bạn có thể hành nghề cả đời mà không tìm được thứ gì đáng giá”.

Căn phòng rộng chừng 20 m2, bốn vách không có hình trang trí như các mộ khác. Cửa phòng rất nhỏ, chỉ cao 1,5 mét. Trong phòng có 5 chiếc áo quan bằng gỗ sơn đen, trên nắp có mặt nạ người chết đặc trưng. Một số bị mối ăn ở phần đáy đang mục rã. Chung quanh các áo quan có 20 chiếc vại to màu trắng có ghi ấn Pharaông, một vài cái bị vỡ miệng. Trong áo quan có xác ướp, niên đại ước khoảng 3.300 - 3.500 năm. Điều đáng nói là mộ phần này còn trinh nguyên chưa ai biết, kể cả những tên cướp mộ Pharaông chuyên nghiệp. Đặc điểm thứ hai là nó chỉ cách mộ phần của vua Tutankhamun có 5 mét, dưới lòng đất 3-4 mét! Vậy mà 84 năm qua, không ai nghi ngờ sự có mặt của nó.

Bí ẩn mộ mới

Việc xác định ai nằm trong các áo quan đang được tìm hiểu. Theo ông Zahi Hawaas, Chủ tịch Hội đồng Tối cao Di tích cổ Ai Cập, có thể những người nằm trong mộ là vua, hoàng hậu, con vua hay những nhà quý tộc thời Vương Quốc Mới (1539-1292 trước Công nguyên).

Trong khi đó, Bob Partridge, công tác ở tạp chí Ai Cập cổ đại, nhận định rằng có thể đó là mộ phần của nữ hoàng Nefertiti, cai trị Ai Cập từ 1379 đến 1358 trước Công nguyên và các công chúa. Tương truyền bà được chôn ở miền Bắc Ai Cập tại một nơi gọi là Akhetaten. Partridge tin rằng người ta đã cải táng bà tại Thung lũng các Pharaông này. Cơ sở của nhận định này là các vại - được cho là đựng thức ăn và thức uống phục vụ người chết bên kia thế giới – nằm lung tung chứng tỏ việc chôn cất được tiến hành vội vã. Thêm nữa, thông thường người ta chỉ chôn một người trong một phòng. Phòng này lại có đến 5 người, áo quan sắp xếp khá lộn xộn. Có thể các áo quan được các giáo sĩ đem về từ nơi khác để khỏi rơi vào tay những tên cướp mộ.

Ông Edwin Brock, đồng giám đốc dự án khai quật di tích mộ vua Amenmeses thuộc Đại học Memphis, lại có ý kiến khác: “Có thể đây là phần mộ của các thành viên trong triều gần với triều đại Tutankhamun hoặc Amunhotep III hoặc Horemheb”. Người ta hy vọng sẽ tìm thấy chữ tượng hình cổ Ai Cập trên áo quan để xác định thành phần xã hội các xác ướp.

Thung lũng các Pharaông (cũng gọi là Thung lũng các vì vua) là một bãi sa mạc rộng mênh mông gần thành phố Luxor, cách Tây Nam thủ đô Cairo khoảng 500 km. Các Pharaông chọn nơi này để chôn cất các vua, hoàng hậu và các thành viên hoàng gia suốt 500 năm, từ năm 1500 đến 1000 trước công nguyên.

Ngôi mộ mới là cái thứ 63 tìm thấy trong thung lũng. Nó sẽ được các nhà khảo cổ gọi là KV63. Trước đây, các nhà khảo cổ tin rằng chỉ có 62 mộ trong Thung lũng các Pharaông. Bởi ngôi mộ KV62 - mã số của mộ vua Tutankhamun - do nhà khảo cổ người Anh Howard Carter phát hiện cách đây đến 84 năm. Vì vậy, KV63 là một kho báu vô cùng bất ngờ phá vỡ một định kiến tồn tại cả trăm năm nay.

Có hay không lời nguyền của Pharaông?

Một trong những lời nguyền nổi tiếng nhất là của ông vua con Tutankhamun. Người ta tin rằng lời nguyền này rất linh nghiệm kể từ khi Lord Carnarvon, người tài trợ cuộc tìm kiếm và khai quật mộ, bị 1 con muỗi cắn chết chỉ 1 năm sau khi ngôi mộ bị quấy rầy! Người ta còn đồn rằng khi ông này chết có một con chó 3 chân tru tréo suốt và hồn ma của ông đã xuất hiện ở nhiều nơi! Theo các nhà khoa học, Lord Carnarvon chết vì nhiễm trùng huyết và viêm phổi.

Nhà khảo cổ Howard Carter, người tìm thấy mộ Tutankhamun, cho biết có 25 người phương Tây có mặt lúc bẻ khóa KV62. Nếu có thật lời nguyền này thì tất cả 25 người này sẽ bị dính chấu. Tuy nhiên, theo Mark Nelson, giáo sư Trường Đại học Monash Australia, không có cơ sở khoa học để tin vào lời nguyền này. Ông đã thống kê cái chết của 25 người vừa kể và ghi nhận rằng tất cả đều chết ở tuổi trung bình 70, tuy thấp hơn độ tuổi 75 của những người bình thường, nhưng không thể nói là chết yểu do lời nguyền. Ngay ông Howard Carter cũng không tin vào huyền thoại lời nguyền Pharaông.

Tuy nhiên cũng có những tai họa lạ lùng khiến một số người vẫn tin vào lời nguyền nói trên. Ví dụ, vụ cháy đoạn cuối phim Xác ướp trở lại chiếu tại một rạp hát ở Edinburgh, thành phố cảng Scotland, hồi tháng 5/2001. Thợ máy phải mất đến 10 phút mới tiếp tục chiếu lại, trong khi khán giả la ầm lên: “Lời nguyền báo ứng”. Chủ rạp cho biết vụ cháy rất lạ và hiếm thấy.

 

Theo Nguyễn Dương

Người lao động 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm