1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phát hiện "khỉ ma" cực hiếm ở vùng sông Mekong

Thanh Thanh

(Dân trí) - Loài khỉ có vòng tròn trắng quanh mắt cực kỳ hiếm thấy, được gọi là "khỉ ma", đã được phát hiện ở khu vực sông Mekong.

Phát hiện khỉ ma cực hiếm ở vùng sông Mekong - 1

Một con voọc Popa (Ảnh: AP).

Theo ABC News, loài "khỉ ma" này nằm trong số 224 loài mới được liệt kê trong bản cập nhật mới nhất của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) về khu vực sông Mekong.

Báo cáo của WWF công bố ngày 26/1 nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sống phong phú trong khu vực Mekong, bao gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar.

Loài khỉ này được gọi là voọc Popa, vì nó sống trên sườn đồi dốc của ngọn núi lửa Popa đã tắt ở Myanmar. Nó là động vật có vú mới duy nhất trong báo cáo vừa công bố. Ngoài ra trong danh sách mới này còn có hàng chục loài bò sát, ếch và sa giông mới được xác định, cá và 155 loài thực vật, bao gồm cả loài tre mọng nước duy nhất được tìm thấy ở Lào.

Khu vực sông Mekong là một điểm nóng về đa dạng sinh học và là nơi sinh sống của hổ, voi châu Á, sao la, một loài động vật cực kỳ quý hiếm còn được gọi là kỳ lân châu Á hoặc rồng xoay, và hàng nghìn loài khác.

Cùng với danh sách các loài động vật mới nhất này, các nhà khoa học đã xác định được hơn 3.000 loài mới trong khu vực Mekong kể từ năm 1997, WWF cho biết. Các nhà khoa học đã sử dụng các phép đo và mẫu từ các bộ sưu tập trong bảo tàng để so sánh và xác định những điểm khác biệt chính với các đặc điểm của những loài động vật và thực vật mới phát hiện để tìm ra những loài mới, báo cáo nói thêm.

Ông Thomas Ziegler, người quản lý tại Viện Động vật học của Đại học Cologne (Đức), cho biết việc nghiên cứu sự khác biệt như vậy có thể giúp xác định phạm vi của các loài và những mối đe dọa với sự tồn tại của chúng. Tuy nhiên, việc xác định những loài mới rất phức tạp và đôi khi chỉ có thể được phân loại bằng nhiều phương pháp. 

Báo cáo cho biết, loài voọc Popa được tìm thấy dựa trên sự phù hợp di truyền của bộ xương thu thập được gần đây với các mẫu vật từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của Anh được thu thập hơn một thế kỷ trước. Hai đặc điểm phân biệt chính là vòng trắng rộng xung quanh mắt và râu hướng ra phía trước.

WWF, hợp tác với Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI), đã bắt được hình ảnh những con voọc này qua bẫy ảnh vào năm 2018. 

Báo cáo cho biết, voọc Popa là ứng viên được xếp vào danh sách các loài cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) vì chỉ có 200-250 cá thể được cho là còn sống sót trong tự nhiên, ở một số ít nơi.