1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phát hiện đặc biệt về xác ướp có thể viết lại lịch sử Ai Cập cổ đại

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới khoa học phát hiện ra một xác ướp được sử dụng công nghệ ướp xác tiên tiến, khác biệt so với những nghiên cứu trước đó về kỹ thuật đặc biệt của người Ai Cập cổ đại.

Phát hiện đặc biệt về xác ướp có thể viết lại lịch sử Ai Cập cổ đại - 1

Bên trong phần mộ của nhà quý tộc thời Ai Cập cổ đại Khuwy (Ảnh: Getty).

Bussiness Insider đưa tin, kết quả phân tích một xác ướp Ai Cập cổ đại cho thấy, công nghệ ướp xác tiên tiến đã xuất hiện sớm hơn 1.000 năm so với hiểu biết trước đây của con người. Điều này được xem là có thể viết lại lịch sử của thủ thuật mai táng đặc biệt của người Ai Cập cổ đại, cũng như những kiến thức về một trong những nền văn minh phát triển nhất trong lịch sử loài người.

Khám phá mới xoay quanh một xác ướp được biết tới với cái tên "Khuwy", người khi còn sống là một quý tộc. Xác ướp được khai quật ở nghĩa trang của các pharaoh và thành viên hoàng tộc gần Cairo, vào năm 2019.

Các nhà khoa học tin rằng, xác ướp Khuwy có thể đã có từ thời Cổ Vương quốc ở Ai Cập, biến nó trở thành một trong những xác ướp cổ nhất từng được phát hiện tại quốc gia này.

Thời Cổ Vương quốc kéo dài từ năm 2.700 tới 2.200 trước Công nguyên và được xem là "kỷ nguyên của những nhà xây dựng kim tự tháp".

Khuwy được sử dụng kỹ thuật ướp xác tiên tiến mà theo hiểu biết của giới khoa học từ trước tới nay là nó chỉ xuất hiện khoảng 1.000 năm sau đó. Phần da của xác ướp được bảo quản trong nhựa thông đắt đỏ và thi thể được xử lý bằng nhựa cây cũng như được quấn bằng vải chất lượng cao.

Nghiên cứu mới nhất cho thấy các người Ai Cập cổ đại cách đây 4.000 năm đã bắt đầu áp dụng các nghi thức tang lễ phức tạp.

Phát hiện đặc biệt về xác ướp có thể viết lại lịch sử Ai Cập cổ đại - 2

Các nhà nghiên cứu xem xét xác ướp Khuwy (Ảnh: National Geographic).

"Điều đó làm thay đổi hoàn toàn hiểu biết của chúng tôi về lịch sử phát triển của thủ thuật ướp xác. Nếu đây thực sự là xác ướp từ thời Cổ vương quốc, mọi cuốn sách về xác ướp và lịch sử của Cổ Vương quốc sẽ cần phải viết lại", giáo sư Salima Ikram của Đại học Cairo (Ai Cập) nhận định với The Observer.

"Cho tới nay, chúng tôi cho rằng kỹ thuật ướp xác từ thời Cổ Vương quốc khá đơn giản, với phương pháp hút ẩm cơ bản và không phải lúc nào cũng thành công. Kỹ thuật này không đòi hỏi phải cắt bỏ não, và chỉ thỉnh thoảng cắt bỏ các cơ quan nội tạng", giáo sư Ikram cho biết.

Chuyên gia trên ngạc nhiên về lượng nhựa thông được sử dụng để bảo quản xác ướp, vốn thường không được ghi nhận ở những xác ướp thời Cổ Vương quốc.

Bà Ikram cho hay, kỹ thuật ướp xác thời Cổ Vương quốc thường quan tâm tới bên ngoài xác ướp nhiều hơn là bên trong.

"Xác ướp này đã được phủ đầy nhựa thông và vải, đưa đến một ấn tượng hoàn toàn khác về quá trình ướp xác. Trên thực tế, nó giống những xác ướp được tìm thấy sau đó 1.000 năm", bà Ikram nói.

Bà Ikram nhận định, nhựa thông được sử dụng có thể đã được nhập từ vùng Cận Đông, có thể là Li Băng, dấu hiệu cho thấy giao thương thời đó giữa Ai Cập và các đế chế lân cận có quy mô rộng hơn tưởng tượng trước đó.

Chuyên gia này cũng cho hay, đội ngũ của bà sẽ cần thực hiện thêm các nghiên cứu liên quan tới xác ướp này.