1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Pháp "tiên phong" cấm dùng điện thoại di động trong trường học

Pháp trở thành quốc gia đầu tiên thế giới cấm học sinh sử dụng điện thoại di động và các thiết bị kết nối Internet cầm tay trong nhà trường cho dù quyết định này đang gây ra không ít tranh cãi.


Pháp cấm các học sinh sử dụng điện thoại di động trong nhà trường kể từ năm học 2018-2019

Pháp cấm các học sinh sử dụng điện thoại di động trong nhà trường kể từ năm học 2018-2019

Bắt đầu từ năm học 2018-2019 khai giảng vào đầu tháng 9 này, Pháp áp dụng lệnh cấm sử dụng điện thoại di động trong tất cả trường học trên cả nước. Quyết định cấm này có hiệu lực sau khi Quốc hội Pháp vào tháng 7 vừa qua đã thông qua một đạo luật về vấn đề này và được Tổng thống Emmanuel Macron ký ban hành ngay sau đó.

Theo đó, Pháp cấm việc sử dụng điện thoại di dộng, đồng hồ thông minh và máy tính bảng tại toàn bộ các trường tiểu học và trung học. Riêng đối với các học sinh trung học ở độ tuổi 15-18, các nhà trường có thể áp dụng một phần hoặc toàn bộ lệnh cấm trên vì lệnh cấm không mang tính chất bắt buộc với lứa tuổi học sinh này. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ đối với lệnh cấm mạnh tay trên đây. Đó là những học sinh khuyết tật hoặc trong các trường hợp sử dụng các thiết bị có kết nối Internet cho việc dạy học trên lớp hay trong các hoạt động ngoại khóa.

Việc cấm sử dụng điện thoại di động và các thiết bị kết nối Internet cầm tay trong các trường học ở Pháp là một cam kết của đương kim Tổng thống Macron khi tranh cử. Trước đó, ứng viên Tổng thống Macron từng cam kết thực hiện hàng loạt cuộc cải cách trong lĩnh vực giáo dục như cấm điện thoại di động, giảm một nửa quy mô của lớp tiểu học xuống chỉ còn 12 học sinh/lớp ở những khu vực có nhiều bất lợi, cải cách hệ thống giáo dục cấp cao hơn…

Thế nhưng, quyết định đi “tiên phong” trên thế giới của Pháp trong việc cấm sử dụng điện thoại di động tại trường học vẫn đang tiếp tục gây ra tranh cãi. Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean Michel Blanquer hoan nghênh đạo luật có hiệu lực từ năm học mới và gọi đây là “Luật của thế kỷ 21”, giúp tăng cường kỷ luật đối với 12 triệu học sinh ở nước này.

Theo ước tính, có tới khoảng 90% trẻ em từ 12-17 tuổi ở Pháp có điện thoại di động. Vì thế, những người ủng hộ lệnh cấm sử dụng điện thoại trong trường học hy vọng lệnh cấm này sẽ giảm tình trạng mất tập trung trong lớp học, chống bắt nạt và khuyến khích trẻ em hoạt động thể chất tích cực hơn trong giờ giải lao. Một nguyên nhân quan trọng là góp phần ngăn chặn sự lây lan của các nội dung bạo lực và khiêu dâm trong trẻ em.

Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra những tác hại ảnh hưởng đến trẻ em nếu chúng tiếp xúc quá sớm hay sử dụng điện thoại di động thông minh (smartphone) quá nhiều. Thậm chí, theo các chuyên gia tâm lý, smartphone nếu dùng quá đà cũng gây nghiện cho trẻ em như một thứ ma túy.

Tuy nhiên, những người phản đối quy định mới cho rằng áp dụng lệnh cấm dùng điện thoại di động trong trường học trên thực tế sẽ rất khó khăn. Họ cho rằng, thay vì lệnh cấm, Chính phủ nên để cho các trường tự quyết định thực thi quy định mới như thế nào, trong đó đưa ra gợi ý giáo viên có thể tạm giữ điện thoại của học sinh cả ngày trong tủ có khóa ở lớp...

Bên cạnh những mặt trái của điện thoại di động với học sinh mà những người ủng hộ lệnh cấm dẫn ra, thiết bị cầm tay này cũng có những hữu ích, trong đó đặc biệt là giữ liên lạc thường xuyên giữa gia đình với học sinh. Thị trưởng thanh phố New York (Mỹ) Bill de Blasio vào năm 2015 đã dỡ bỏ lệnh cấm điện thoại trong trường học ở thành phố này đưa ra trước đó vì lý do an ninh khi các bậc phụ huynh cho rằng họ có quyền giữ liên lạc với con em mình. Điện thoại di động, nếu sử dụng hợp lý cũng giúp học sinh kết nối với nhau tốt hơn và giúp ích không ít cho việc học tập.

Theo Hoàng Tuấn

An ninh thủ đô