1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Pháp sẽ “lật kèo” Nga để bán tàu Mistral cho Brazil?

(Dân trí) - Trong bối cảnh Pháp đã dừng vô thời hạn việc bàn giao 2 con tàu Mistral cho Nga và đang xem xét việc bán cho nước khác, Brazil đang được xem là ứng cử viên hàng đầu.

Tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral của Pháp (Ảnh:

Tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral của Pháp (Ảnh: NT)

Theo thông báo của chính phủ Nga, nước này đã đặt hàng Pháp đóng 2 tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral năm 2009. Tàu Mistral có lượng rẽ nước 21.000 tấn, vận tốc tối đa 35 km/h, có khả năng chuyên chở 24 đến 36 máy bay trực thăng cộng thêm với các loại thuyền nhỏ và một đạo quân lính thuỷ đánh bộ. Nó có hệ thống liên lạc tối tân để thực hiện các nhiệm vụ đổ bộ phức hợp (độ tinh vi của thiết bị này là điều kiện tiên quyết của bản hợp đồng).

Pháp đáng ra đã phải bàn giao chiếc tàu đầu tiên vào mùa thu 2014, nhưng căng thẳng giữa Nga và NATO xung quanh vấn đề Ukraine đã khiến Pháp dừng vô thời hạn việc giao hàng. Không rõ liệu Pháp sẽ giao hàng trong tương lai hay sẽ huỷ vĩnh viễn hợp đồng này.

Hiện một số khả năng đã được tính đến, trong đó có việc bán tàu cho Mỹ, Trung Quốc hoặc Canada. Hai trường hợp đầu tiên rõ ràng là không khả thi, bởi Mỹ sẽ không đời nào phung phí ngân khố cho một công ty đóng tàu nước ngoài. Dù Canada có vẻ là một giải pháp ổn thoả nhưng sự lưỡng lự của Ottawa trong việc gia tăng ngân sách dành cho quốc phòng khiến cho thoả thuận có vẻ không khả thi. 
 
Tại sao Brazil lại cần các tàu tấn công đổ bộ?

Một chiếc tàu tấn công đổ bộ như Mistral sẽ tạo cho lực lượng Hải quân khả năng giải quyết các nhiệm vụ độc lập trong trường hợp xảy ra khủng hoảng ở miền duyên hải. Ví dụ như trong trận động đất ở Haiti năm 2009, Brazil và Mỹ đã không thể đồng lòng hợp tác trong việc cứu hộ do thiếu tin tưởng lẫn nhau. Tàu Brazil cuối cùng cũng tham gia cuộc giải cứu nhưng muộn hơn và ít gây ấn tượng hơn những gì họ đáng ra có thể làm được.

Trong trường hợp này, nếu có một chiếc tàu như Mistral, Hải quân Brazil sẽ có một trung tâm chỉ huy ngoài khơi để kết nối các hoạt động cứu hộ. Sự phối hợp của máy bay trực thăng và các xuồng cứu hộ sẽ thúc đẩy quá trình vận chuyển người, phương tiện và thuốc men đến nơi cần thiết. Thêm vào đó, trực thăng và máy bay không người lái sẽ giúp Brazil có tầm nhìn bao quát rộng hơn để có các biện pháp phù hợp.

Nói tóm lại, trong các hoạt động cứu trợ hàng hải, tàu tấn công đổ bộ sẽ quyết định vai trò chỉ huy (bao gồm khả năng kiểm soát và chỉ huy tổng quát) hoặc vai trò tham gia (thụ động chờ lệnh từ tàu chỉ huy) của các nước tham gia. Đối với đa số quốc gia thì nhiệm vụ cứu nạn hàng hải xảy ra thường xuyên hơn hẳn so với khả năng tham gia vào một cuộc chiến thực sự. 

Điều này cho thấy tàu lớp Mistral có thể cung cấp các năng lực đa dạng cho lực lượng sở hữu nó. Dù tàu này vẫn chưa đủ năng lực để chống lại các loại phi cơ như F-35, nhưng một vài lực lượng Hải quân đều đã bắt đầu bằng cách tăng cường khả năng huỷ diệt của lực lượng máy bay trực thăng. 

Bên cạnh đó, Brazil và Pháp vốn có mối quan hệ mua sắm khí tài truyền thống. Trong những năm 1990, Pháp đã bán tàu sân bay Foch cho Brazil để thay thế cho chiếc Minas Gerais cũ kỹ. Mẫu hạm này sau đó được biên chế vào Hải quân Brazil với tên gọi Sao Paulo, chuyên chở phi đội máy bay ném bom A-4 Skyhawk và đã thực hiện một vài nhiệm vụ.

Thị trường của tàu Mistral 

Nhu cầu cho loại tàu tấn công đổ bộ đã tăng cao trong vòng 15 năm trở lại đây. Trừ Mỹ đã dư thừa loại tàu này, Hàn Quốc, Nhật, Ý, Tây Ban Nha… đều bắt đầu đầu tư vào loại phương tiện có thể triển khai cùng lúc cả thuyền, trực thăng và bộ binh từ biển vào đất liền.

Hơn nữa, loại tàu lưỡng cư này có nhiều ưu điểm hơn các loại chiến hạm đơn thuần. Rẻ hơn và dễ dàng bảo dưỡng hơn tàu sân bay, chỉ với một con tàu đã có thể thực hiện phức hợp các nhiệm vụ từ tuần tra kiểm soát mặt biển, tấn công tiêu diệt và cứu hộ hàng hải. Điều này làm cho các nước châu Phi như Algeria cũng háo hức sở hữu loại tàu ưu việt này.  

Tuy nhiên, cho tới hiện nay các nước Nam Mỹ mới chỉ dừng lại ở mức độ bày tỏ mối quan tâm. Sự kém hào hứng của các nước này với tàu tấn công đổ bộ thực sự  khó lý giải, nhất là khi loại phương tiện này rất lý tưởng cho những nước không phải tham chiến trong tương lai gần. Hơn nữa, các tàu sân bay đã ngốn khá nhiều ngân sách của các quốc gia trên, trong khi tàu tấn công đổ bộ rẻ hơn rất nhiều.

Ngoài ra, Nam Mỹ là nơi thường xuyên xảy ra thiên tai nên sẽ là một thiếu sót nếu khu vực này không có các biện pháp cứu trợ hàng hải cần thiết. Đồng thời, các quốc gia sẽ còn phải cần loại tàu đa năng này để kiểm soát việc buôn người và ma tuý.

Mistral không phải hàng không mẫu hạm, và nó không thể làm tất cả mọi việc của mẫu hạm, nhưng ngược lại nó cũng có thể làm những việc mà tàu sân bay không thể, và những việc này có vẻ như còn hữu ích cho chính họ hơn. 

Loại tàu này có thể giúp Brazil nâng tầm ảnh hưởng trong  khu vực, đồng thời có rất ít khả năng loại tàu này sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Vấn đề còn lại là giá cả, việc mua sắm cùng lúc 2 chiếc tàu này sẽ ngốn một khoản không nhỏ của Brazil. Nhưng viễn cảnh có thêm một đối tác ở Mỹ Latin sẽ là động cơ thúc đẩy cả Mỹ và Pháp xúc tiến thương vụ này. 

Khánh Trần
Theo National Interest