1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Pháp “phô” tàu chiến tối tân tại Nga

(Dân trí) - Hôm qua, quân đội Pháp đã đưa tàu chiến tối tân của mình tới St Petersburg để “phô diễn” cho khách hàng tiềm năng – hải quân Nga.

 
Pháp “phô” tàu chiến tối tân tại Nga - 1

Tàu chiến hiện đại của Pháp đậu trên sông Neva, trung tâm St Petersburg.
 

Giới chức Nga cho hay họ đang có kế hoạch ký thỏa thuận vũ khí đầu tiên với một nước thuộc NATO. Cụ thể họ dự định mua một tàu chiến của Pháp, như tàu Mistral, có trọng tải 23.700 tấn và dài 299m, có khả năng dùng làm tàu sân bay (“chứa” hơn chục trực thăng), tàu tấn công hoặc tàu bệnh viện.

 

Theo người phát ngôn của cơ quan xuất khẩu và bán hàng thuộc Bộ quốc phòng Pháp, đây là “con dao đa năng” trong đội tàu của quân đội Pháp.

 

Trong khi đó người đứng đầu lực lượng Hải quân Nga cho hay, trong vòng 40 phút, tàu lớp Mistral có thể đưa được rất nhiều binh sỹ tới Gruzia, trong khi Hạm đội Biển Đen Nga phải mất 26 tiếng mới đưa được quân tới đó trong cuộc chiến ngắn vào tháng 8/2008. Nga, Gruzia và Ukraine đều có bờ biển nằm trên bờ Biển Đen.

 

Các quan chức quân sự Nga hôm qua đã có chuyến thăm quan tàu Mistral, thả neo ở Neva, cách bảo tàng Hermitage 1km.
 
 
Pháp “phô” tàu chiến tối tân tại Nga - 2
Tàu Mistral có thể vừa là tàu tấn công, tàu bệnh viện hoặc tàu sân bay (dùng cho trực thăng).
 

Một trong 2 tàu lớp Mistral của lực lượng Hải quân Pháp đã được hạ thủy vào năm 2006 và bắt đầu phục vụ trong hoạt động trợ giúp người tị nạn ở Li-băng.

 

Theo một quan chức Pháp, nếu thời tiết cho phép, hải quân Pháp và Nga sẽ tổ chức cuộc tập trận chung trước khi tàu Mistral rời đi vào tuần này.

 

Báo chí Nga đưa tin một tàu Mistral có thể có giá tới 500 triệu euro (750 triệu USD). Giới chức Mátxcơva cũng mong muốn mua bản quyền để xây dựng nhiều tàu như thế ở Nga.

 

Gruzia, Estonia phản đối
 
 
Pháp “phô” tàu chiến tối tân tại Nga - 3
Nga muốn mua tàu như Mistral cũng như bản quyền sản xuất tàu này để hiện đại hóa ngành đóng tàu già cỗi của nước này.
 

Trong khi đó, Gruzia, nước vẫn căng thẳng với Nga sau cuộc chiến năm ngoái, đã lên tiếng phản đối về viễn cảnh “ông lớn” láng giềng của họ sắp được trang bị một tàu tối tân như Mistral.

 

“Chúng tôi kịch liệt phản đối việc bán tàu như Mistral cho Nga”, Nika Laliashvili, một thành viên của Ủy ban quốc phòng thuộc quốc hội Gruzia cho hay. “Nó gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho Gruzia”.

 

Kế hoạch mua bán trên cũng khiến Estonia, một nước thành viên của NATO, nằm cách St. Petersburg khoảng 100km, lo ngại.

 

Người đứng đầu các lực lượng quốc phòng Estonia cho rằng đất nước nhỏ bé của ông có thể cũng phải gia tăng các hoạt động bảo vệ bờ biển và củng cố hạ tầng quân sự nếu Nga mua tàu giống như Mistral và triển khai chúng ở Baltic.

 

Trong khi đó giới chức NATO ở Brusssels chưa có bình luận nào về thông tin mua bán trên.

 

Nga củng cố lực lượng Hải quân
 
 
Pháp “phô” tàu chiến tối tân tại Nga - 4
 

Theo các nhà phân tích, trong những năm gần đây Nga ngày càng tăng cường sự hiện diện của mình trên trường quốc tế. Họ đã gửi tàu chiến tới tuần tra vùng biển ngoài khơi Somalia hiện đang bị cướp biển hoành hành và năm 2008, họ cũng triển khai một đội tàu hải quân tới vùng biển Caribe để tham gia tập trận chung với hải quân Venezuela và ghé thăm rất nhiều hải cảng của nước này.

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, hải quân Nga hiện chỉ có “một nhúm” tàu lớn, hiện đại và ngành đóng tàu nước này bị suy yếu sau cuộc suy thoái kinh tế hậu Xô Viết. Tàu sân bay duy nhất có từ thời Liên Xô của họ, Admiral Kuznetsov, được đánh giá là nhỏ hơn rất nhiều các tàu sân bay của Mỹ. Ngoài ra, bản thân tàu này đã có nhiều trục trặc kỹ thuật và đã xảy ra nhiều vụ tai nạn.

 

Những nhà đóng tàu Nga phản đối hợp đồng mua Mistral và mong chính phủ đầu tư vào sản xuất nội địa. Tuy nhiên, hải quân Nga lại cho rằng việc mua bản quyền sản xuất tàu lớp Mistral sẽ giúp hiện đại hóa ngành công nghiệp đóng tàu hiện đang già cỗi của Nga.

 

Về phía Pháp, Cơ quan mua bán vũ khí của Bộ quốc phòng cho hay xuất khẩu vũ khí đã tăng 15% trong năm 2008, đạt 6,4 tỷ euro. Con số này một phần là nhờ vào việc bán tàu khu trục nhỏ đa năng FREMM do Pháp – Italia phối hợp sản xuất cho Morocco và bán trực thăng vận tải chiến thuật cho Brazil. Trong năm nay, dự tính xuất khẩu vũ khí của quân đội Pháp sẽ tăng lên 6,7 tỷ euro.

 

Trong số các khách hàng lớn gần đây của Pháp có Brazil. Nước này đã đồng ý mua 5 tàu ngầm Scorpene và 50 trực thăng Cougar có giá lên tới 12 tỷ USD. Tất cả sẽ được lắp ráp tại Brazil.

 

Phan Anh

Theo AP