1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Pháp e ngại “gián điệp kinh tế” Trung Quốc

Quyết định bán một phần sân bay Toulouse cho một công ty Trung Quốc đang làm dấy lên những lo ngại về “gián điệp kinh tế” tại Pháp.

Ngày 4/12, Bộ trưởng kinh tế Pháp Emmanuel Macron thông báo chính phủ Pháp đã chọn tập đoàn Trung Quốc Symbiose, đối tác của công ty Canada SNC-Lavallin, để bán lại 49,9% cổ phần tại sân bay Toulouse-Blagnac với số tiền trị giá khoảng 308 triệu euro.

Một chiếc Airbus A350 tại sân bay Toulouse-Blagnac (ảnh: AFP)

Một chiếc Airbus A350 tại sân bay Toulouse-Blagnac (ảnh: AFP)

Trên báo chí, Bộ trưởng Macron bảo vệ quyết định của chính phủ khi cho rằng: “Đây không phải là một hành động tư nhân hóa. Chính phủ Pháp vẫn giữ 50,01% cổ phần. Chúng tôi không bán sân bay, đường băng hay bất cứ thiết bị nào khác, chúng vẫn thuộc sở hữu của nhà nước Pháp”. Tuy nhiên, những chỉ trích lại đến từ phía khác khi nhiều người cho rằng thương vụ này có thể tạo ra những rủi ro về an ninh kinh tế đối với nước Pháp.

Karine Berger, Bí thư toàn quốc phụ trách kinh tế của đảng Xã hội cầm quyền, đánh giá rằng “rất khó chấp nhận” ý tưởng rằng việc quản lý một cơ sở chiến lược quan trọng như sân bay Toulouse-Blagnac lại không nằm trong tay một tập đoàn châu Âu.

Thị trưởng thành phố Blagnac, nằm ở ngoại ô Toulouse, nơi đặt sân bay, Bernard Keller đánh giá “quyết định của chính phủ là điều đáng tiếc bởi việc bán này không phải là tình huống bắt buộc” đồng thời chỉ trích quy trình bán cổ phần “đã cản trở các nhà đầu tư địa phương tiếp cận thương vụ”.

Jean-Louis Chauzy, Chủ tịch của Hội đồng kinh tế, xã hội và môi trường (CESER) của vùng Midi-Pyrénées thì chỉ trích rằng “không thể chấp nhận rằng một cơ sở chiến lược và mang lại lợi nhuận như sân bay Toulouse-Blagnac lại nằm trong tay một tập đoàn Trung Quốc”.

Lập luận của ông Chauzy cũng là lí lẽ được những người phản đối thương vụ này sử dụng nhiều bởi lẽ đường băng của sân bay Toulouse-Blagnac nằm ngay sát các cơ sở của Airbus và ATR, hai tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu của Pháp, trong đó Airbus được xem như là tập đoàn chiến lược của công nghệ hàng không Pháp. 

Các ý kiến chỉ trích cho rằng một khi sân bay Toulouse-Blagnac nằm trong tay người Trung Quốc, an ninh kinh tế có thể bị ảnh hưởng khi phía tập đoàn Trung Quốc có thể lắp đặt các thiết bị gián điệp công nghiệp.

Trong nhiều năm qua, những e ngại về gián điệp kinh tế từ phía Trung Quốc đang gia tăng tại Pháp. Ngay trong tuần này, tờ Nouvel Observateur đăng một bài báo viết về một cơ sở của Trung Quốc nằm ở ngay ngoại ô Paris có lắp đặt các chảo parabol có thể dùng cho việc nghe trộm điện thoại và liên lạc tại Pháp và từ các nước khác đến Pháp. Tờ báo này tiết lộ phía an ninh Pháp đã bí mật theo dõi cơ sở này từ nhiều năm qua.

 Năm 2012, Thượng viện Pháp cũng đã công bố một báo cáo về an ninh mạng, trong đó đề xuất cấm sử dụng các thiết bị viễn thông của 2 công ty lớn của Trung Quốc là Huawei và ZTE do lo ngại vấn đề gián điệp. Tại nhiều nước khác ở phương Tây, đây cũng là một trong những chủ đề gây nhiều tranh luận trong bối cảnh các hoạt động kinh tế của Trung Quốc ngày càng mở rộng tại lục địa này.

Tuy nhiên, những người ủng hộ việc bán một phần sân bay Toulouse-Blagnac lập luận rằng đây đơn thuần chỉ là một thương vụ mở rộng vốn đầu tư. Các nhà đầu tư Trung Quốc muốn biến sân bay Toulouse thành một điểm trung chuyển ở miền Nam nước Pháp để thu hút các khách du lịch và nhà đầu tư Trung Quốc đến với miền Tây Nam Pháp, nơi có sự năng động kinh tế và nhiều điểm du lịch nổi tiếng.

Quan trọng nhất, theo lập luận của chính phủ Pháp, đó là sân bay Toulouse-Blagnac vẫn nằm trong tay người Pháp và trong trường hợp bất đồng giữa các cổ đông, phía Pháp vẫn có quyền quyết định.

Một khía cạnh chính trị khác cũng được đề cập là việc Pháp đang đàm phán bán hàng trăm máy bay Airbus cho phía Trung Quốc và việc đẩy nhanh thương vụ này sẽ tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán./.

Theo Thùy Vân/VOV- Paris

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm